Trận đấu giữa hai đội bóng chày của Mỹ, New York Yankees và Boston Red Sox, vào ngày 15/7 đã bị hoãn vì ghi nhận nhiều ca dương tính SARS-CoV-2 dù họ đã tiêm vắc xin đầy đủ.  

Vài ngày sau, Kara Eaker, vận động viên thể dục dụng cụ của Mỹ, cũng có kết quả dương tính khi tham dự Thế vận hội ở Nhật. Cô đã tiêm phòng vào tháng 5.

Dù vậy, theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ, trong hơn 161 triệu người Mỹ đã được tiêm chủng đầy đủ, số ca nhiễm Covid-19 chiếm tỷ lệ nhỏ.

{keywords}

Ảnh minh họa: Connexionfrance

Khi đại dịch kéo dài và nhiều biến thể dễ lây lan hơn của virus SARS-CoV-2 lưu hành rộng rãi, dự kiến các ca Covid-19 trong số người đã tiêm phòng sẽ tăng lên.

Tuy nhiên, các nghiên cứu đã chỉ ra rằng hầu hết những người được tiêm chủng bị nhiễm Covid-19 đều không có hoặc chỉ có triệu chứng nhẹ. Điều đó cho thấy vắc xin vẫn cung cấp sự bảo vệ cho cơ thể trước virus SARS-CoV-2.

Angela Rasmussen, nhà virus học, Đại học Saskatchewan (Canada) cho biết: “Trên thực tế, có nhiều người đã được tiêm chủng có kết quả dương tính SARS-CoV-2, nhưng có sự khác biệt giữa xét nghiệm dương tính và bị bệnh”.

Nói cách khác, những người có kết quả xét nghiệm dương tính có thể có một lượng nhỏ virus trong cơ thể - đủ để phát hiện khi xét nghiệm nhưng không đủ khiến họ bị bệnh.

Lý do tiêm vắc xin rồi vẫn nhiễm Covid-19

Dự kiến sẽ có một số lượng nhỏ những người đã tiêm vắc xin vẫn có kết quả dương tính với SARS-CoV-2. Các quan chức y tế nói rằng hiện tượng đó không đáng báo động.

Vắc xin Covid-19 hoạt động bằng cách dạy cơ thể nhận biết virus SARS-CoV-2. Vì vậy, nếu bạn tiếp xúc với virus sau khi tiêm chủng, hệ miễn dịch của bạn sẽ sẵn sàng hoạt động và chống lại virus.

Trong các nghiên cứu, vắc xin Covid-19 hai liều của Pfizer và Moderna có hiệu quả ngăn ngừa bệnh tật khoảng 95%, trong khi loại một mũi của Johnson & Johnson có hiệu quả 72%. Vì vậy, mặc dù vắc xin rất tốt trong việc bảo vệ chúng ta khỏi virus, nhưng người tiêm vẫn có thể bị nhiễm bệnh ở mức độ nhẹ hoặc không có triệu chứng.

Tiến sĩ William Moss, chuyên gia về vắc xin tại Trường Y tế Công cộng Johns Hopkins Bloomberg, cho biết hầu hết những người đã tiêm phòng nhưng vẫn nhiễm Covid-19 đều bị bệnh nhẹ.

Ở Mỹ, những người không được tiêm chủng chiếm gần như tất cả các trường hợp nhập viện và tử vong do Covid-19.

Ông Moss cho biết, mức độ virus mà bạn tiếp xúc có thể là một yếu tố phát bệnh. Hệ miễn dịch của chúng ta cũng sẽ ảnh hưởng đến mức độ phản ứng với các mũi tiêm. Ví dụ, một số người có tình trạng sức khỏe yếu hoặc đang dùng thuốc có thể làm cho hệ miễn dịch của họ kém phản ứng với vắc xin.

Mọi người cũng có thể tiếp xúc với virus trước khi các mũi tiêm có hiệu lực đầy đủ. Một khả năng ít xảy ra khác là vắc xin không được bảo quản hoặc sử dụng đúng cách.

Thêm vào đó, CDC Mỹ lưu ý các biến thể có nguy cơ là yếu tố gây ra tình trạng trên, mặc dù các bằng chứng cho thấy những loại vắc xin hiện nay có khả năng chống biến thể.

An Yên (Theo AP, NBC)

Lãnh đạo một số nước chọn tiêm trộn vắc xin Covid-19

Lãnh đạo một số nước chọn tiêm trộn vắc xin Covid-19

Thủ tướng các nước Đức, Italy, Canada lựa chọn tiêm 2 loại vắc xin khác nhau để ngừa Covid-19.