Máy bay vẫn có thể hoạt động trên vùng thời tiết xấu. Ảnh: Flight Safety.

Ngày 27/9, mạng xã hội lan truyền hình ảnh theo dõi các chuyến bay tại Việt Nam trên ứng dụng FlightRadar24. Nhiều người bất ngờ vì có những máy bay hoạt động ngay trên khu vực ảnh hưởng của bão Noru, ở các tỉnh miền Trung.

Tuy nhiên, đây không phải hoạt động bất thường. Hành trình đã được tính toán trước và không gây nguy hiểm cho hành khách trên máy bay.

Bay qua bão không phải bất thường

Bão lớn là một trong các nguyên nhân dẫn đến việc hủy chuyến bay. Việc này xảy ra ở những vùng thường có thời tiết cực đoan. Tuy nhiên theo SimpleFlying, các máy bay dân dụng hiện đại được thiết kế để chống chọi với những thách thức lớn hơn những cơn bão.

Theo đó, vùng ảnh hưởng của bão nằm ở khoảng 20.000-30.000 feet (6-9 km) so với mặt đất. Xung quanh bão, các sân bay sẽ đóng cửa, hãng hàng không ngừng hoạt động, không cất và hạ cánh. Tuy nhiên trên cao, vượt qua vùng ảnh hưởng, máy bay vẫn có thể hoạt động.

may bay tren bao anh 1

Vẫn có những chuyến bay đi qua vùng ảnh hưởng của bão Noru. Ảnh: FlightRadar24.

Ví dụ, chuyến bay VJ774 của hãng hàng không Vietjet hoạt động ở độ cao khoảng 33.000 feet khi bay qua các tỉnh miền Trung sáng 28/9. Do đó, nó có thể tránh bị ảnh hưởng bởi thời tiết xấu.

“Về mặt hàng không, các cơn bão nhiệt đới không có vùng ảnh hưởng cao như những cơn giông truyền thống. Vùng đối lưu chỉ tập trung ở lõi của áp thấp hoặc mắt bão. Do đó, về phương diện bay, sẽ không có vấn đề nếu ở phía trên cơn bão và máy bay được trang bị hệ thống radar phản xạ”, ông James Aydelott, nhà khí tượng học kiêm phi công chia sẻ với The Point Guy.

Theo lý thuyết, nếu cơn bão không có vùng ảnh hưởng quá cao, máy bay có thể được lập kế hoạch để vượt qua nó. Tuy nhiên, một số siêu bão có vùng hoạt động cao hơn, đến khoảng 50.000 feet (15 km). Ở điều kiện nào, không máy bay thương mại nào đủ điều kiện hoạt động an toàn.

Hôm qua, một chiếc máy bay khởi hành từ Punca Tana đến thủ đô Newark của Cộng hòa Dominica cũng gây được sự chú ý. Trong khi nhiều hành trình khác đã bị hủy bỏ, chuyến bay của hãng JetBlue vẫn bay qua cơn bão Fiona.

“Tôi thấy chuyến bay của JetBlue dường như đã xuyên qua Fiona. Tôi cho rằng tùy thuộc vào độ cao của đám mây bão, vẫn có thể bay qua nó”, Nick Underwood, kỹ sư hàng không vũ trụ chia sẻ.

Ông Derek Dombrowski, người phát ngôn của hãng bay JetBlue cho biết họ đã theo dõi bão Fiona để điều hướng hành trình an toàn. Đồng thời, nhiều chuyến bay đã bị công ty này hủy bởi ảnh hưởng của bão.

“Mỗi chuyến bay được lên kế hoạch bởi một nhóm chuyên gia. Họ cũng sẽ theo dõi hành trình liên lục. Quan trọng khi định tuyến, hướng và độ cao của hệ thống thời tiết được đưa vào quyết định của chúng tôi”, ông Dombrowski nói.

Lý do các hãng bay chọn không đi qua bão

Simple Flying cho biết các loại phi cơ của Boeing hay Airbus đủ sức bay trên hoặc vượt qua một cơn bão. Tuy nhiên, các hãng hàng không đa phần không muốn làm vậy. Bay qua bão sẽ rất rủi ro với những công ty bay thương mại.

Theo đó, nếu có sự cố ở động cơ hoặc trường hợp y tế khẩn cấp, những lựa chọn cho phi công xử lý sẽ bị hạn chế. Họ có thể chọn hạ cánh hoặc chuyển hướng, nhưng các sân bay thích hợp sẽ nằm ở xa hơn.

may bay tren bao anh 2

Phi cơ "săn bão" của Mỹ. Ảnh: Getty.

Những mối nguy khi máy bay ở gần một cơn bão là sét, mưa đá và gió giật mạnh ở tâm. Theo báo cáo của Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FFA) vào năm 2011, nhiễu động rất dữ dội trong vùng 20 dặm (32 km) quanh tâm của một cơn bão.

Randy Bass, nhà khí tượng học đang điều hành dịch vụ dự báo Bass Weather Services cho rằng có thể đi qua, nhưng trải nghiệm của chuyến bay trên bão không dễ chịu. “Tôi không muốn có mặt trên chuyến bay đó”, Bass nói.

Ngoài ra, có những ngoại lệ về hàng không trong bão. Phi đội trinh sát thời tiết của Không quân Mỹ hay các “thợ săn bão” từ Cơ quan Khí quyển và Đại dương nước này sẽ bay thẳng vào giữa mắt bão để thu thập các dữ liệu quan trọng.

Các đơn vị này sử dụng máy bay Lockheed WC-130J để đâm vào tâm bão, ở mức độ cao 500-10.000 feet vài lần trong mỗi nhiệm vụ. Tuy nhiên, những phương tiện này không được gia cố, với cấu trúc cánh tiêu chuẩn như máy bay thông thường.

(Theo Zing)

Siêu máy tính dự báo bão ngày càng chính xác

Siêu máy tính dự báo bão ngày càng chính xác

Mỗi bản nâng cấp siêu máy tính của Cơ quan Thời tiết Quốc gia Mỹ có kích thước bằng 10 chiếc tủ lạnh, sức mạnh 12,1 petaflop chỉ để nâng cao khả năng dự báo các cơn bão.