{keywords}

 

{keywords}

Nhà báo Hà Sơn: Mọi người còn nhớ đến BLV Trương Anh Ngọc với nhiều lần bình luận các trận bóng đá gây ấn tượng. Vậy cơ duyên đưa anh đến với công việc này như thế nào?

Nhà báo Trương Anh Ngọc: Mọi người vẫn hay gọi tôi là bình luận viên (BLV) vì có 4 năm làm ở Đài Truyền hình Hà Nội. Khi đó, tôi làm BLV bóng đá Ý. Nhiều năm sau tôi vẫn tiếp tục đi theo nghề này ở một số kênh khác như VTC, K+... Trong thời gian rảnh, tôi làm cho cả truyền hình FPT. Thực ra, tôi không coi mình là một BLV mà nhờ công việc này đưa tôi đến nghề báo. Tôi không được đào tạo làm BLV, cũng không phải được đào tạo làm phóng viên bình thường. Nghề chính khi tôi học báo chí là ảnh. Tôi rất đam mê ảnh, thích chụp ảnh và bố tôi cũng là một tay máy, ông cũng rất thích chụp ảnh và là một nhà phê bình nhiếp ảnh. Có thể, tôi bị ảnh hưởng bởi ông. Tôi cũng thích cả viết lách.

Clip: Nhà báo Trương Anh Ngọc thẳng thắn nói về các BLV bóng đá...

Ngày nhỏ, tôi viết rất nhiều từ truyện ngắn, thơ nhưng sau đó tôi thi báo chí. Bố tôi là một phóng viên chiến trường, thích chụp ảnh, nên tôi nghĩ mình nên chụp ảnh. Khi tôi ra trường, Đài Truyền hình Hà Nội thiếu một người làm biên tập viên chứ không phải BLV. Việc của tôi lúc ấy rất đơn giản bởi Đài TH Hà Nội thu các chương trình về thể thao khoảng 45 phút đến 1 tiếng, tôi mang về nhà dịch. Lúc đầu, phát thanh viên đọc, sau đó họ yêu cầu tôi đọc luôn. Đó là lần đầu tiên tôi biết được ngồi trong phòng studio mình sẽ làm những gì...

Tháng 8/1998, tôi nhớ đó là trận tranh siêu cúp, anh Vũ Mạnh Cường ở Đài TH Hà Nội nói tôi bình luận thử. Một trận đấu 90 phút được cắt ngắn xuống 60 phút để phát sóng. Để bình luận được trận đấu đó, tôi đã mất hơn 3 tiếng. Hôm chương trình phát sóng, tôi không dám bật cho mọi người xem. Tôi sợ bố tôi nhận ra giọng đọc quen quen, ấp a ấp úng trên sóng sẽ ngượng. Cơ duyên đến với nghề bình luận của tôi bắt đầu từ trận đấu đó. Gần đây, khi tôi trở về nước sau chuyên công tác ở Ý, khi ra đường và đi bộ trên phố vẫn có người nhận ra. Có người bảo ngày xưa, vẫn nhớ tôi làm bình luận ở Đài TH Hà Nội. Tức là sau gần 20 năm, họ vẫn nhớ nên với tôi vô cùng sung sướng.

{keywords}

Yếu tố tôn trọng khán giả với cái tôi của người BLV cái nào quan trọng hơn? Theo anh, bình luận như thế nào gọi là bình luận hay?

- Những năm tháng tôi không ở Việt Nam, tôi vẫn theo dõi về tất cả những gì người ta nói về các BLV của chúng ta. Cổ động viên của chúng ta bây giờ càng ngày càng khó tính hơn. BLV bóng đá thời chúng tôi, các phương tiện, các điều kiện tiếp cận thông tin rất ít. Hồi tôi bắt đầu làm bóng đá năm 1998, BLV Quang Huy, Quang Tùng đã làm bóng đá và chú Huy Hùng cũng vừa rút lui khỏi cabin bình luận viên.

Thời kỳ đó, Việt Nam mới bắt đầu có internet. Tôi nhớ có thời điểm tôi nhận hóa đơn internet là 700 nghìn đồng. Tôi làm tất cả mọi thứ để có được thông tin mặc dù hồi đó internet cập nhật rất chậm và làm một việc đó là ghi chép bằng tay. Công nghệ thông tin phát triển như thế nào thì chúng tôi vẫn ghi chép bằng tay bởi công việc đó khiến mình nhớ hơn, nắm được thông tin đội hình hơn.

Tôi nhớ có những trận đấu, cuối tuần mới làm trực tiếp nhưng đầu tuần đã nhận được lịch. Trong tuần đó, lúc nào trong đầu tôi cũng nghĩ về trận đấu sẽ diễn ra trong hoàn cảnh nào, kịch bản nào và cầu thủ nào sẽ tỏa sáng, điểm nóng của trận đấu là gì. Sau đó tôi bắt đầu đi tìm các thông tin xung quanh trận đấu, những thông tin giải trí cho khán giả ngoài những yếu tố chuyên môn. Như vậy, có thể thấy một BLV thành công ở Việt Nam không có công thức. Công thức hay không nằm ở việc khán giả có sướng hay không?... Có những người tôi thấy nói rất hay nhưng giọng không ổn, nói ngọng hoặc có vấn đề khác. Có những người rất đầu tư, cố gắng tạo ra ấn tượng với khán giả nhưng không thành công.

Tôi nghĩ, khó khăn đối với những BLV về sau này là do hình ảnh người đi trước lớn quá nên khi làm gì họ thường bị so sánh. Ví dụ BLV nói câu này, câu kia thì khán giả sẽ bảo trong trường hợp này anh Ngọc, anh Huy, anh Tùng hay anh Long Vũ sẽ nói câu kia cơ. Rõ ràng thời xưa, chúng tôi cũng có lúc gặp tai nạn, mắc lỗi, nhầm, nhưng người ta gần như không quan tâm bởi mình đã tạo ấn tượng nên chỉ biết thích thôi.

{keywords}

Vấn đề thứ hai, BLV bây giờ họ có rất nhiều thông tin, tiếp cận đủ mọi nguồn khác nhau và đặc biệt là trình độ ngoại ngữ. Ngày xưa chúng tôi chỉ có internet, bây giờ họ không chỉ có internet mà còn có mạng xã hội và việc cập nhật thông tin các trận đấu thường xuyên ngay khi trận đấu đang diễn ra. BLV có thể mang cả máy tính của mình vào trong phòng bình luận khi trận đấu đang diễn ra và các thông tin lên liên tục để họ nhận biết đâu là điều cần nói đến, đâu là điều họ muốn nhấn đến. Nhưng vấn đề họ có quá nhiều thông tin để lựa chọn nên nói nhiều và không đúng trọng tâm.

Người BLV giống như người dắt tay chúng ta đi trên một con đường và chỉ cho người ta biết đây là chỗ gồ ghề, đây là con đường đầy hoa phía trước là nắng, chúng ta không cảm nhận được, nhưng người BLV phải làm được điều đấy và phải chỉ cho khán giả biết đâu là cái hay của trận đấu. Cái hay của trận đấu nằm ở nhiều yếu tố như con người, chiến thuật… và trận đấu ấy có nút thắt như thế nào và thời điểm nào là thời điểm quan trọng của một sự biến chuyển.

Người BLV là người phải dự đoán được thay người thế nào, tình huống diễn ra như thế nào chứ không phải nói dựa. Tôi nhận thấy người BLV còn thiếu những góc nhìn về mặt chuyên môn. Đó là lý do tại sao mà tôi thấy việc yếu chuyên môn ảnh hưởng không chỉ là bình luận trong trận chung với anh Quang Huy, một người giọng trầm tĩnh, một người giọng sôi nổi nên trận đấu sẽ hay hơn hẳn, khác hẳn và có cảm giác chúng tôi như là hai người cùng chèo trên một con thuyền và con thuyền đi nhanh hơn, khán giả cũng thích như thế.

{keywords}

4 năm làm BLV anh có nhận được nhiều thư của khán giả không? Họ có góp ý, thậm chí chê không và anh xử lý ra sao?

- Thời còn làm BLV tôi nhận được nhiều thư, có khi lên đến 5, 6 thùng thư. Có người khen, người chê nhưng tôi thích đọc những ý kiến chê và trả lời từng lá thư một. Tôi thích người ta chê mình, bởi nếu chán người ta không chê nghĩa là ghét lắm rồi còn họ vẫn nói chuyện với mình là muốn mình tốt hơn hoặc người ta hiểu nhầm mình.

Những bài học giao tiếp với công chúng, 20 năm trở lại đây giúp tôi hiểu ra không có gì là hoàn hảo cả. Nhưng điều khiến mình trở thành người của công chúng chính là việc đặt mình vào chính những khán giả đó và không bao giờ được hài lòng với chính mình. Sau 20 năm, khi tôi được mời bình luận các trận đấu, vẫn viết tay như bình thường, vẫn nghiên cứu các trận đấu không khác gì cách đây 20 năm. Tất nhiên bây giờ trơn tru, có nghề hơn nhưng tôi vẫn thích cảm giác khi lên sóng mình cứ run run. Đó là cảm giác rất sung sướng.

Anh đã đi nhiều nước, gặp rất nhiều cổ động viên và theo dõi các trận đấu nước ngoài để xem các BLV quốc tế bình luận như thế nào. Vậy ai, ở nước nào là BLV anh ấn tượng, yêu thích nhất. Ở Việt Nam anh ấn tượng với bình luận viên nào?

- Khi sang Brazil năm 2014 đưa tin về World Cup, tôi được xem trận bóng đá Brazil trong nhà của họ. BLV Galvao Bueno - một trong những BLV nổi tiếng nhất của bóng đá Brazil làm cho trận đấu vô cùng sôi động, đặc biệt. Các bạn cứ thử tưởng tượng, khi bóng trong chân một cầu thủ mà cầu thủ ấy đang rê bóng ông dùng những câu nói, những âm điệu có cảm giác nếu như bạn không xem được trận đấu vì một lý do nào đó không nhìn được vẫn có thể hình dung ra cảm giác như thế nào. Rất tuyệt!

Khi tôi nói câu này, nhiều người Việt Nam sẽ cho rằng không thể áp dụng được, bởi đó là bóng đá của Nam Mỹ, bóng đá của phát thanh. Tuy nhiên, tôi nghĩ trong công tác bình luận, chúng ta có thể hoàn toàn nói nhiều và làm cho trận đấu sôi động. Nhưng chúng ta nói nhiều, nói đúng, hay và làm thế nào để cho khán giả luôn nghĩ họ đang ở trên sân, đang đá bóng. Tôi nghĩ điều này học các BLV nước ngoài hoàn toàn có thể được.

Ở Ý tôi thích nhất là Fabio Caressa. Trước khi đến với BLV bóng đá trên truyền hình, ông là một BLV phát thanh. Khi ông bình luận đội Ý vô địch thế giới năm 2006, tôi nghe và rơi nước mắt xúc động vì nói rất hay.

Carlo Zampa cũng là một trong những huyền thoại của Ý. Tôi nhớ sau khi xem Roma ghi bàn, ông nhảy cẫng trên ghế và ăn mừng như thể một đứa trẻ. Người ta sống trong trận đấu, hòa mình vào trận đấu khiến bóng đá trở thành một phần ăn sâu vào máu của mình và chỉ cần xem họ, nghe họ thôi có thể nhận thấy bóng đá truyền cho mình cảm xúc lớn lao như thế nào. Điều này tôi chưa cảm nhận được ở các BLV của Việt Nam. Trong số những người BLV mà tôi yêu quý nhất có anh Quang Huy. Anh vừa là đồng nghiệp, vừa là bạn thân nhiều năm nay, vừa là một người anh. Tôi cũng chịu ảnh hưởng nhiều từ anh Quang Huy.

Anh có ngại không khi chúng tôi muốn anh thể hiện tài bình luận một chút. Anh thích hai đội bóng nào, coi như đang ở trận đấu bình luận cho khán giả xem...

- Đây là một đề bài hay và tôi có thể làm được. Dù sao đây là một trong những thứ tôi đam mê dù không phải là nghề chính. Lúc nào được ngồi vào cabin bình luận tôi cũng cảm thấy rất sung sướng. Giả định ta đang đứng trước sân vận động San Siro ở Milano, cho một trận đấu giữa AC Milan Và Juventus cho vòng đấu nào đó.

Clip: Màn bình luận "độc, lạ'' của BLV Trương Anh Ngọc

(BLV Trương Anh Ngọc bắt đầu bình luận - PV)

Khi các trận đấu lớn như thế, bao giờ tôi cũng để vào sóng 5 – 7 giây, sau đó hít một hơi dài và bắt đầu nói. Các BLV bóng đá lớn của thế giới, đặc biệt BLV của Ý, họ nói khoảng 1 phút và nói liên tục như vậy với tông giọng rất cao. Ngay từ đầu họ tạo cảm giác hấp dẫn, hối hả, khắc khoải, đang chờ mong. Nhiều người cho rằng đây là một sự giả tạo hay một phương thức làm nghề nhưng với tôi đây hoàn toàn tự nhiên.

Ngày đầu tiên khi làm công việc này, tôi luôn luôn tâm niệm, đầu xuôi đuôi lọt. Nếu mình lên sóng mà ngay từ đầu có cảm giác hối hả, sung sướng thì bản thân đã truyền được nhiệt cho mình và cho khán giả. Đó là lý do vì sao khoảng 1 năm đầu tiên khi tôi lên sóng của Đài TH Hà Nội tức là cách đây 20 năm, trước khi lên sóng, bao giờ tôi cũng ngồi viết ra những câu chào đầu. Tôi nghĩ ra hôm nay trận đấu có gì đặc biệt, dịp kỷ niệm gì, tính chất đối đầu hai đội bóng sẽ ra làm sao… có gắng trong khoảng thời gian ngắn ngủi đó, đủ để khán giả ngồi vào ghế salon, dán mắt vào tivi.

Bây giờ giả sử hai đội đang đá... Anh hãy tiếp tục trổ tài bình luận...

(BLV Trương Anh Ngọc tiếp tục bình luận - PV)

Bạn bè nói tông giọng tôi không hợp cho BLV. Có những trận đấu hấp dẫn và hay, tôi không quan tâm đến chuyện giọng gì. Khi tôi bình luận chung với anh Huy, một người giọng trầm tĩnh, một người giọng sôi nổi nên trận đấu sẽ hay hơn, khác hẳn và có cảm giác chúng tôi như là hai người cùng chèo trên một con thuyền và con thuyền đi nhanh hơn, khán giả cũng thích như thế.

{keywords}

Anh rất yêu nước Ý, có nhiều cuốn sách, viết nhiều bài báo về bóng đá Ý, nhưng World Cup năm nay Ý không được tham dự. Với anh việc đội bóng mình yêu thích vắng mặt có phải là bi kịch?

- Đó là bi kịch lớn. Lần đầu tiên sau 60 năm, một đội tuyển 4 lần vô địch thế giới là Ý không có mặt ở World Cup. Tôi cũng buồn, tiếc nhưng nghiêng về lý trí nhiều hơn. Khi người ta yêu một ai đó, trải qua những cung bậc khác nhau thì tình yêu vẫn được gìn giữ, vẫn được mạnh mẽ nhưng đó là tình yêu mang tính thấu hiểu. Một tình yêu nó đã dạn dày người ta nghĩ rằng đôi khi đau khổ và cay đắng lại là điều tốt.

Nếu nghĩ Ý không có mặt ở World Cup là buồn tủi, chán mình không sống với World Cup nữa. Nhưng World Cup không có Ý nó vẫn diễn ra và những điều hay ho vẫn còn đó. Sao chúng ta lại không xem?... Tôi luôn luôn nghĩ như vậy và bản thân việc Ý không có mặt ở World Cup lần này cũng là điểm hay cho bản thân họ. Nếu người ta không rơi xuống đáy, không hiểu giá trị của việc vươn lên trên và trở thành nhà vô địch thế nào?...

World Cup năm nay, anh đã bỏ trận nào chưa? Anh dự đoán đội nào vô địch?

- Lần này tôi đi Nga muộn hơn và xem World Cup rất sung sướng. Lần đầu tiên sau bao năm tôi được xem gần như trọn vẹn, chỉ 1 -2 trận không xem. Ý không còn nữa nên tôi thích Brazil. Tại sao tôi thích Brazil bởi năm 2014, khi tôi có mặt ở Brazil, tôi đã chứng kiến họ háo hức như thế nào từ những vòng đấu khởi đầu rồi đau khổ khi thua Đức tới 1-7 trong bán kết.

Hôm đó, có mặt ở thành phố nơi diễn ra trận bán kết và tôi thấy cả thành phố như đưa tang. Những người đi trên đường phố là các cổ động viên của Brazil mặc trên mình chiếc áo số 10 của Neymar đi lại như những bóng ma. Cả một thành phố mà xung quanh là những tiếng còi xe cảnh sát, cứu hỏa. Tôi nghĩ, Chúa đã không lấy đi của ai bất cứ thứ gì và không cho ai bất cứ thứ gì. Đến lúc nào đó chúa sẽ cho Brazil một danh hiệu vô địch.

Bài 2: Nhà báo Trương Anh Ngọc thoát chết trong gang tấc khi làm World Cup

Thực hiện: Sơn Hà - Xuân Phúc - Bạt Tuấn - Duy Tiến
Thiết kế: Diễm Anh