Quảng cáo mật ngọt hút người chơi
Mới đây, nhiều nhà đầu tư đã lên tiếng tố cáo sàn Busstrade lừa đảo, chiếm đoạt tiền của người chơi. Theo quảng cáo, Busstrade là một sàn giao dịch quyền chọn nhị phân cho phép người dùng có thể lựa chọn mua hoặc bán hoặc trong vòng 30 giây đặt lệnh. Do đó, chỉ cần 100 USD, ai cũng có thể chơi, rút gốc và lãi tùy thích.
Khi tham gia vào Busstrade, nhà đầu tư không cần kiến thức tài chính mà chỉ việc bấm lệnh theo "thầy". "Thầy" ở đây là những người trong đội ngũ Busstrade. Hàng ngày, họ sẽ lên các ứng dụng như facebook, zalo phổ cập kiến thức, kêu gọi nhà đầu tư nạp tiền và đi "săn". Với quảng cáo, nếu chăm chỉ đi "săn" liên tục, người chơi sẽ thu về 1 - 2% lợi nhuận.
Những lời quảng cáo đầy "mật ngọt". |
Hay như Coolcat, ứng dụng được quảng cáo là sàn giao dịch bảo hiểm 100% vốn với cam kết lãi "khủng". Ứng dụng sẽ đưa ra 6 gói bảo hiểm với mức phí từ 54 đến 9.146 USD.
Nhiệm vụ của người chơi khá đơn giản. Mỗi ngày, họ chỉ cần truy cập vào app khoảng 15 phút rồi đặt lệnh. Tùy thuộc vào số tiền đầu tư mà người chơi sẽ nhận về số lãi theo quy định.
Và tương tự với Pchome, một ứng dụng được quảng cáo là chỉ cần nạp tiền, ngồi "giật đơn" hàng ngày là có thể thu lãi khủng. Tuy nhiên, lãi chưa thấy đâu mà nhiều người đã mất cả chục triệu đồng, thậm chí là vài trăm triệu đồng khi lỡ dại, rót tiền vào app.
Chiêu thức dụ "con mồi" vào tròng
Với Busstrade, thời gian đầu, sàn sử dụng phương pháp có tên là Robot trade sau đó thì chuyển sang Copy trade. Với lý giải, Copy trade là cách hãng bảo hiểm vốn 100% cho khách hàng, nếu cháy đền 100%.
Để dụ khách hàng, tháng 2/2021, ứng dụng này đã làm "cháy" tài khoản của một số nhà đầu tư. Sau đó, người đứng đầu sàn đền lại số tiền theo thỏa thuận để tạo sự tin tưởng. Bước tiếp theo là kêu gọi việc nâng vốn, khi đủ vốn thì quay sang bảo trì sàn.
"Việc bảo trì sàn cứ diễn ra liên tục như một thói quen. Cứ bảo trì vài ngày xong sẽ mở lại. Nếu ai có ý kích động hoặc nói tiêu cực sàn sập sẽ bị kích ra khỏi các hội, nhóm. Và đến ngày 7/5, sàn sập thật, chúng tôi không thể truy cập vào bất cứ website nào của hãng cũng như không thể liên lạc với người đứng đầu sàn" - một nhà đầu tư Busstrade nói.
Những quyền lợi "khủng" khi người chơi bỏ tiền vào đầu tư. |
Thậm chí, nhiều người chơi Pchome còn hé lộ, trong các hội nhóm đầu tư của sàn còn có hệ thống "chim mồi", chuyên dụ dỗ khách nạp tiền, xoa dịu tâm lý người chơi.
"Sau khi app sập, những "chim mồi" trong nhóm đã liên hệ với chúng tôi vì họ sợ sẽ bị ảnh hưởng, liên đới. Họ có khai là đã nhận tiền của đội Pchome để hàng ngày vào thúc giục, hô hào mọi người nạp tiền" - anh H.H, người bị Pchome lừa đảo cho biết.
Ngoài ra, anh H còn tiết lộ, anh sẽ nhận được hoa hồng khi giới thiệu người chơi mới với phần trăm hấp dẫn.
"Giả sử, nhà đầu tư mời A (bạn bè) tham gia bằng mã mời của mình, khi đó A sẽ là thành viên cấp dưới (cấp 1). Khi A giật đơn hàng mỗi ngày, nhà đầu tư sẽ nhận được 8% hoa hồng từ số hoa hồng của A.
Khi A mời B (bạn của A) tham gia bằng mã mời của A, khi đó B sẽ là thành viên cấp dưới của A và của nhà đầu tư (cấp 2). Từ đó, người chơi sẽ nhận được 5% hoa hồng từ B. Khi B mời C (bạn của B) tham gia, nhà đầu tư sẽ nhận được 3% hoa hồng từ C" - anh H cung cấp thông tin.
Theo cách tính đơn giản, nếu hoa hồng của A hôm đó là 1 triệu đồng thì nhà đầu tư sẽ nhận được 80.000 đồng vào tài khoản PChome mỗi ngày.
Sập sàn, người đứng đầu ôm tiền bỏ chạy
Chị T.H ở Bình Phước cho biết, chị đã bỏ ra 128 triệu đồng để đầu tư vào Coolcat Tuy nhiên, từ ngày 16/4, người chơi không thể truy cập vào ứng dụng. Chị cũng không thể liên lạc được với các số điện thoại của người hỗ trợ sàn Coolcat.
Tiết lộ với phóng viên Dân trí, chị H cho hay, số tiền 128 triệu đồng chị đổ vào Coolcat đều là đi vay nóng bên ngoài. Cứ 1 triệu đồng là chị phải trả 5.000 đồng tiền lãi.
Cay đắng hơn, khi biết tin Pchome sập, chị L.A (Hà Nội) còn nhận được tin nhắn thách thức "Tao lừa đảo rồi, tao không cho rút tiền đâu".
Bảng lợi nhuận khiến "con mồi" hoa mắt, rút tiền đầu tư. |
Còn chị H.Y, một người trong hội tố cáo Busstrade lừa đảo, thông tin, vào 3 ngày 16, 17, 18 tháng 4, những người đứng đầu sàn đã tắt điện thoại và không giao dịch tiền. Sau những ngày đó, họ bắt đầu phổ biến thông tin ai nâng vốn sẽ hưởng lợi "khủng".
Ngày 22/4, sàn thông báo các tài khoản nâng vốn và đóng bảo hiểm 2% trong ngày này sẽ nhận được ưu đãi "khủng" như nạp 1.000 - 2.000 USD sẽ nhận được lợi nhuận 5%, nạp 5.000 USD lợi nhuận tới 7%. Còn các tài khoản nâng vốn ngày 23/4 vẫn miễn phí bảo hiểm và nhận lợi nhuận 2% trong tuần.
Sau đó, sàn tiếp tục bảo trì và mở lại vào ngày 5/5. Tuy nhiên đến ngày 5/5, sàn cho biết, toàn bộ đồng USD trên tài khoản sẽ chuyển về BToken với giá 10$ = 1 BToken. Theo người chơi, đồng BToken không có giá trị gì, bởi đây là sản phẩm do các dự án tự phát hành.
Vô lý hơn, Busstrade còn tự thông báo, ngày 8/5, sàn sẽ đóng lại. Nhưng mới đến ngày 7/5, nhiều nhà đầu tư bỗng "đứng ngồi không yên" phát hiện ra sàn đã tạm dừng hoạt động. Đồng nghĩa với việc, toàn bộ số tiền mà nhà đầu tư nạp vào tài khoản sẽ bị đóng băng, không thể rút ra được nữa.
"Khi sàn sập, những người đứng đầu Busstrade còn nhanh tay xóa hết liên hệ, thông tin của mình trên các hội nhóm, diễn đàn. Nhưng may thay, chúng tôi đã chụp lại toàn bộ và lường trước rằng, tất cả sẽ có ngày hôm nay" - chị H.Y bức xúc nói.
Theo ghi nhận của Dân trí, nhiều người chơi bị lừa đảo, chiếm đoạt tiền từ các app kiếm tiền như Coolcat, Pchome, Busstrade đang đồng loạt làm đơn tố cáo, gửi các cơ quan chức năng.
(Theo Dân Trí)