Vì đang mong chờ ngày kết hôn và cũng muốn chiều vợ sắp cưới nên tôi không ngần ngại đưa cô ấy thẻ phụ ngân hàng, bảo cô ấy thích rút bao nhiêu thì rút. Bên trong, tôi có hơn 200 triệu tiền tiết kiệm...
Tôi 29 tuổi, còn người yêu thì 27. Tôi là con thứ 2 trong nhà 4 anh em, còn cô ấy là con gái một. Từ nhỏ, cô ấy được yêu chiều, nâng niu như bảo vật. Còn tôi thì sớm vất vả đi làm thuê, làm mướn khắp nơi. Có lẽ do hoàn cảnh sống nên tính cách của chúng tôi cũng khác nhau, tôi trầm tính bao nhiêu thì cô ấy sôi nổi bấy nhiêu. Thế nhưng không hiểu sao vẫn rất yêu nhau và muốn được ở cùng nhau.
Yêu nhau được một năm rưỡi thì chúng tôi bàn chuyện kết hôn. Về ra mắt hai bên họ hàng, ai cũng hài lòng cho rằng “trai tài gái sắc, xứng đôi vừa lứa”.
Ngày bố tôi mang cau trầu đến nhà gái xin cưới. Mẹ cô ấy nói ở quê có tập tục thách cưới, ngoài bánh trái ra, nhà trai cần chuẩn bị thêm 100 triệu để nhà gái trang trải cho các chi phí đám cưới. Vì đây là tập tục nên gia đình tôi đồng ý. Vài ngày sau, bố tôi mang đủ số tiền đó đến và cùng mẹ cô ấy chọn ngày tốt để tổ chức hôn lễ. Cả hai nhà đều thống nhất đám cưới sẽ diễn ra vào cuối tháng 10 này.
Từ ngày dạm ngõ tới lúc đó còn gần hai tháng để chuẩn bị. Nghĩ tới chuyện sắp được về sống chung với nhau mà tôi lúc nào cũng cười tủm tỉm một mình. Sau khi cưới, chúng tôi sẽ dọn về sống trong căn hộ nhỏ của tôi, nên chúng tôi không gặp áp lực về nhà cửa. Nhưng tôi vẫn đưa cô ấy 50 triệu để mua sắm những gì cô ấy thích và cảm thấy thiếu trong nhà. Công việc của bạn gái nhàn nhã hơn nên cô ấy thoải mái đi dạo phố với bạn bè. Còn tôi vẫn phải đi làm và thường xuyên tăng ca để hoàn thành kế hoạch cuối năm, nhằm sau cưới có thời gian đi tuần trăng mật.
Một tuần sau, cô ấy hỏi xin tôi thêm tiền vì đã tiêu hết 50 triệu. Lúc đó do đang mong chờ ngày kết hôn và cũng muốn chiều vợ sắp cưới nên tôi không ngần ngại đưa cô ấy thẻ phụ ngân hàng, bảo cô ấy thích rút bao nhiêu thì rút. Bên trong, tôi có hơn 200 triệu tiền tiết kiệm. Tôi nghĩ sắp tới cô ấy là vợ mình, là người kiểm soát chi tiêu trong nhà, đưa tiền vợ giữ là điều đương nhiên.
Nghĩ tới chuyện sắp được về sống chung với nhau mà tôi lúc nào cũng cười tủm tỉm một mình. (Ảnh minh họa) |
Thế nhưng, chỉ mấy ngày sau, khi đi ăn trưa chiêu đãi đồng nghiệp. Đến lúc thanh toán, vì không đủ tiền trong ví nên tôi dùng thẻ và phát hiện ra trong đó không còn đủ hai trăm ngàn đồng. Tôi giật nảy mình không hiểu vợ sắp cưới mua gì mà tốn vậy. Hôm đó, tôi đành ê mặt để đồng nghiệp trả giúp một nửa dù trước đó đã vỗ ngực nói mình mời.
Về nhà, tôi liền gọi điện hỏi vợ sắp cưới. Cô ấy bảo, vì cô ấy là con gái một, lại sắp đi lấy chồng nên muốn mua cho bố mẹ một số thứ coi như báo hiếu. Cô ấy chỉ mua có một chiếc ghế massage của Nhật, hai bộ quần áo cho người già và ít thực phẩm chức năng là đã hết sạch tiền trong thẻ. Hiện giờ cô ấy còn đặt thêm một bồn xông hơi để bố cô ấy dùng mỗi khi “trái nắng trở trời”, nhưng còn thiếu tiền. Hàng chỉ khoảng hai ngày nữa sẽ được mang đến lắp đặt, vì thế cô ấy hỏi tôi có tiền thì ứng trước, chờ khi cô ấy lĩnh lương thưởng cuối năm sẽ bù vào.
Tôi rất bất ngờ trước sự xa xỉ của người yêu. Tôi liền nói với bạn gái chuyện chúng tôi sắp kết hôn, còn bao nhiêu việc phía trước phải lo, rồi còn con cái... Vậy mà cô ấy khó chịu bảo tôi rằng chưa cưới đã tiếc tiền với nhà vợ, vậy thì cưới xong, chắc không muốn đi lại nữa. Sợ mất lòng vợ sắp cưới, tôi cuống quít dỗ dành người yêu và hỏi cô ấy thiếu bao nhiêu để sáng mai tôi mang đến.
Chỉ nửa tháng đã mất gần 400 triệu mà tôi vẫn chưa cưới được vợ. (Ảnh minh họa) |
Chiều tối hôm đó, tôi vội vã về nhà bố mẹ đẻ, lấy thêm 30 triệu trong khoản tiền tôi đưa bố lo chi phí đám cưới. Sáng hôm sau, tôi tới nhà mẹ vợ tương lai từ sớm. Vừa vào cửa đã thấy chiếc ghế massage to lù lù ở giữa gian nhà. Bố vợ thì nằm lim dim mắt trên đó. Nghĩ tới bố mình vẫn còn đi chiếc xe cũ kỹ đi dạy học mà tôi hơi chạnh lòng. Nhưng tôi gạt đi ngay vì mẹ vợ cười hớn hở, bảo tôi vào ngồi chơi. Rồi bà đi lấy hoa quả ra mời tôi, đon đả cảm ơn tôi về chiếc ghế.
Đến khi người yêu chuẩn bị xong xuôi, cô ấy đi xuống và bảo: “Nay con đi trả nốt tiền mua bồn xông hơi, bố mẹ cần thêm gì không để con mua. Tổ yến với linh chi hôm trước có còn không mẹ?”. Mẹ vợ trả lời: “Linh chi vẫn còn nhiều. Tổ yến thì còn một ít nữa, con cứ mua thêm để bố mẹ dùng dần. Con sắp đi lấy chồng rồi, sau này không biết bao giờ mới về thăm ông bà già này được nữa”.
Tôi ngơ ngác ra khỏi nhà với vợ sắp cưới. Đến trung tâm thương mại, cô ấy mua rất nhiều thứ và bảo tôi trả tiền. Chỉ chốc lát sau, cọc tiền 30 triệu chỉ còn sót lại đúng 2 tờ 500 ngàn trong khi vẫn chưa đi thanh toán nốt số tiền mua bồn xông hơi. Khi thấy cô ấy định mua thêm chiếc ví da, tôi bảo không đủ tiền nữa đâu. Vậy là cô ấy cau mày: “Nay biết đi mua sắm với em mà anh lại mang ít vậy?”.
Tôi không thể chịu được thái độ tiêu tiền như nước của cô ấy, vì thế tôi không nói gì, chỉ đặt túi đồ vào tay cô ấy rồi bỏ về trước. Cô ấy có vẻ giận dỗi, cũng đi thẳng ra ngoài, bắt taxi mà không nói với tôi câu nào.
Không phải tôi xót tiền mua đồ cho bố mẹ vợ, nhưng tôi thật lòng choáng váng vì sự hoang phí của vợ sắp cưới và gia đình cô ấy. Tôi nào phải đại gia giàu có gì cho cam, toàn bộ số tiền tôi tiết kiệm được trong mấy năm qua, nhằm để trang trải cho cuộc sống gia đình sau này, vậy mà bị tiêu chỉ trong vòng nửa tháng trời vào những thứ đồ xa xỉ. Sự việc này khiến tôi băn khoăn, liệu rằng tôi có sai lầm khi cưới cô ấy?
Hồi yêu nhau cô ấy tỏ thái độ có tiền hay không, không quan trọng. Nhưng vừa bàn chuyện cưới xin, cô ấy đã vội “vơ vét” về cho nhà mẹ đẻ như vậy thì có đúng không? Chỉ nửa tháng đã mất gần 400 triệu mà tôi vẫn chưa cưới được vợ. Tôi cũng không biết, nếu lần này mình xin lỗi trước, thì sau tôi sẽ còn tốn kém bao nhiêu cho cô ấy đây?
(Theo Trí Thức Trẻ)