- Phát hiện ra những sự thật về con có thể khiến nhiều cha mẹ không kiềm chế được vì tức giận. Các chuyên gia tâm lý và xã hội khuyến cáo người lớn luôn phải tỉnh táo và giữ được bình tĩnh, nếu không có thể đẩy con vào con đường tiêu cực hơn nữa, thậm chí là mất đi một đứa con có thể giáo dục tiếp để trở nên ngoan ngoãn.

Nóng giận, cha mẹ dễ mất con

Sau khi biết sự thật về những chuyện con đã làm mà “không khai” với cha mẹ, nhiều phụ huynh đã quá nóng giận nên đã mắng chửi, thậm chí đánh đập con. Các chuyên gia tâm lý cho rằng, cách hành xử như vậy là điều dễ hiểu nhưng thiếu khôn ngoan bởi trẻ đang trong tuổi trưởng thành rất nhạy cảm về tâm lý và tình cảm. Chỉ cần bị cha mẹ mắng, xúc phạm là chúng có thể sinh ra các biểu hiện tiêu cực hơn nữa.

Khi phát hiện các thói hư tật xấu của con (ví dụ như bỏ học để chơi game hoặc những chuyện nghiêm trọng hơn) cha mẹ nên bình tĩnh xử lý để không gây phản ứng ngược (Ảnh minh họa: Dân Trí)


Bằng chứng là đã có những trường hợp tâm sự sau khi phát hiện ra con trốn học để đi chơi game đã quá giận dữ, mắng và tống cổ con đi. Cậu bé lớp 10 thấy vậy đã tỉnh bơ nói: “Bố mẹ đưa tiền đây” và sau đó không cần tiền thì cậu cũng tự động ra quán game gần nhà ngồi từ sáng tới tối như một hành động thách thức ngược lại cha mẹ.

Đặc biệt là những cha mẹ phát hiện ra con gái đã có quan hệ tình dục thì thường không thể làm gì khác ngoài việc “nổi cơn tam bành”.

Tiến sỹ tâm lý Nguyễn Thị Kim Quý cho biết đã có nhiều trường hợp không thể tự xử lý được trong tình huống này đã tìm đến sự tư vấn. Nhiều khi là kịp thời, nhưng nhiều khi là muộn bởi có những bậc cha mẹ đánh con, đuổi con đi sau khi biết con làm điều xấu bên ngoài. Đứa bé đang tuổi lớn nghe vậy thì cảm thấy bị tổn thương liền bỏ đi 2-3 ngày liền, mặc cho gia đình mỏi gối tìm kiếm.

“Thay vì sửa chữa những sai lầm con đã mắc phải thì nhiều người đã đẩy con đến một sai lầm khác nghiêm trọng hơn. Xã hội bây giờ rất phức tạp và đám trẻ có thể rơi vào tay kẻ xấu bất cứ lúc nào. Nếu không nguy hại về thể xác thì cũng có thể bị ảnh hưởng về tinh thần, lối sống, vv.. nếu không khéo léo, nhẹ nhàng thì cha mẹ sẽ tạo ra một khoảng cách với con mà không bao giờ có thể hàn gắn được“, TS Quý nói.

Tuy nhiên, trong số đông những người “giả vờ” làm bạn với con thì vẫn có một số ít phụ huynh tự tìm cho mình được cách xử trí hiệu quả, bởi tư vấn cũng chỉ là tư vấn, chỉ có cha mẹ mới hiểu rõ nhất tính cách của con mình. Có nhiều người đã tìm cách nói chuyện với những người bạn của con để nhờ các bạn tác động đến con mình.

Đây cũng là một “chiêu” có thể mang lại hiệu quả cao bởi khảo sát nhanh của VietNamNet với 150 học sinh THPT tại Hà Nội vào tháng 12/2010 cho thấy: 90% học sinh THPT (tuổi mới lớn) chọn cách chia sẻ với bạn bè thân thiết mỗi khi gặp rắc rối trong cuộc sống.

Cha mẹ phải tìm cách thu hẹp khoảng cách

Tiến sỹ Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội cho rằng, ngày nay các công cụ kết nối người với người trong xã hội ngày càng phong phú đa dạng nhưng các kết nối cá nhân vững chắc thì ngày càng ít đi, đặc biệt là trong phạm vi gia đình.

Nguyên nhân có thể xác định là: người lớn thì quá bận rộn với việc làm ăn, kiếm tiền còn trẻ em thì quá bận bịu với việc học. Khảo sát nhanh của VietNamNet với 150 học sinh THPT ở Hà Nội vào tháng 12/2010 cho thấy: Các em bỏ ra trung bình 1 ngày từ 7-9 tiếng cho việc học tập. Tiến sỹ Hồng đánh giá thời lượng học tập như vậy là “quá sức” đối với thanh thiếu niên đang tuổi ăn tuổi lớn.

Theo TS Hồng, thực tế trên đã đẩy những con người trong cùng một xã hội ra xa nhau hơn. Vì thế, sự chia sẻ là điều khó khăn. Đến khi cần thiết phải có sự chia sẻ thì nhiều gia đình không thể làm được vì trong suốt quá trình sinh hoạt thiếu sự chia sẻ đã tất yếu có một khoảng cách nhất định.

Vì vậy, sự chia sẻ là một công việc quan trọng cần phải được làm thường xuyên, liên tục từ khi các con còn bé. Điều này vừa tạo ra sự gần gũi, tin tưởng, vừa tạo ra một môi trường gắn kết đầy tình yêu thương và lòng tin.

Cùng ý kiến với Tiến sỹ Hồng, các chuyên gia tâm lý và xã hội học khác đều nhận định khoảng cách thế hệ ngày nay càng ngày càng được nới rộng. Cha mẹ cần đặt mình vào địa vị con cái để phán xét và nhiều khi phải học cách chấp nhận những giá trị đã, đang, sẽ thay đổi theo sự vận động của cuộc sống.

“Ví dụ như trước đây, xã hội rất nặng nề chuyện có thai trước khi cưới. Nhưng ngày nay đã khác. Bản thân tôi còn thấy nhiều người bạn thuộc thế hệ của mình có con cái đến tuổi kết hôn còn muốn rước cả "trâu lẫn nghé" cho yên tâm vì thấy nhiều người bị vô sinh quá nên sợ.

Ở đây không ai cổ súy cho sống thử hay quan hệ tình dục trước hôn nhân, nhưng rõ ràng những chuẩn mực của xã hội hiện đại đã khác xưa rất nhiều. Cha mẹ hãy luôn ở bên con cái, làm bạn, định hướng và chia sẻ với những quyết định của con mà đôi khi quyết định đó cũng không được thuận theo ý mình”, TS Quý nói.