Đây là hoạt động rất ý nghĩa và thiết thực của bà Nguyễn Thanh Nga - phu nhân Đại sứ Việt Nam tại Ai Cập Trần Thành Công cùng các chị em trong cộng đồng người Việt tại Ai Cập.
Gia đình khó khăn nên năm 2007 chị Mai Nhung ở Bắc Giang đi xuất khẩu lao động tại Jordan. Tại đây, chị đã gặp anh Tala cũng đi xuất khẩu lao động và bén duyên để rồi theo anh về làm vợ tại Ai Cập từ năm 2012.
Chị Mai Nhung bên chiếc máy khâu vừa được chị em trong cộng đồng người Việt tại Ai Cập tặng |
Cuộc sống làm dâu ở nước Hồi giáo có nhiều khó khăn cho chị, nhất về văn hóa lẫn ngôn ngữ. Chồng đi làm thuê cũng chỉ đủ ăn, còn chị ở nhà chăm con và lo việc nội chợ. Chị Nhung muốn kiếm việc làm thêm cũng khó vì sức khỏe yếu, không biết tiếng địa phương và cũng chẳng có mấy cơ hội cho phụ nữ làm việc ở làng quê nghèo Abu Hammad, tỉnh miền đông của Ai Cập.
Cuộc đời chị tưởng cứ yên bình, an phận và lặng lẽ trôi như bao chị em lấy chồng ngoại quốc khác nhưng thật không may, năm 2017 chồng bị tai nạn và qua đời để lại cho chị 2 đứa con thơ bên căn phòng trống tênh với tài sản quý giá nhất là chiếc ti vi bị cháy xém trong 1 vụ hỏa hoạn.
Bà Nguyễn Thanh Nga đứng giữa và chị Hoàng Lý phía sau trao tặng máy may |
Cuộc sống của chị Nhung và 2 con trở nên cùng cực. Không việc làm, không đồng ruộng, không biết ngoại ngữ và cũng chẳng có sức khỏe, 3 mẹ con chị Nhung chỉ sống trông chờ vào nguồn trợ cấp xã hội 1.300 bảng mỗi tháng (khoảng 1,8 triệu đồng), không đủ ăn cho 3 mẹ con.
Chị Nhung kể, có những bữa nhịn ăn sáng, đi bộ tới trường học cách nhà 3km về 3 mẹ con chị xỉu vì nắng và mệt.
Bữa ăn hàng ngày chủ yếu là bánh mì, rau, đỗ. Thỉnh thoảng chị mua gà công nghiệp loại rẻ nhất ở chợ về cho các con ăn thêm nhưng không phải tháng nào cũng có thịt như thế. Quần áo thì chị xin chị em trong cộng đồng để mặc lại.
Chị Nhung nghẹn ngào: “Cực khổ lắm, cứ ngỡ lấy chồng nước ngoài sẽ đổi đời ai ngờ có ngày không lối thoát, sống dở, chết dở. Tôi cũng tính về Việt Nam nhưng bố mẹ đã mất, nhà cửa không có, anh em ruột cũng khó khăn không kém thì biết bấu víu vào đâu?”.
Biết được hoàn cảnh của chị Nhung, bà Nguyễn Thanh Nga kêu gọi chị em trong cộng đồng cùng chung tay chia sẻ. Bà đề xuất quyên góp mua 1 chiếc máy may bởi chị Nhung có nghề may và với công việc này chị vừa có thể làm ở nhà vừa nuôi dạy các con.
Lời kêu gọi của bà được chị em trong cộng đồng hưởng ứng. Chị Hoàng Lý - một Việt kiều đã xung phong mua máy khâu, cùng các anh chị em khác xuống tận nhà thăm hỏi và trao tặng cho mẹ con chị Nhung.
Chị Lý tâm sự, cùng là phụ nữ lấy chồng nước ngoài, khó khăn vì mưu sinh nên chị em hiểu nhau và đồng cảm.
Chị Nhung đã có những khách hàng đầu tiên nhờ sửa quần áo |
Bà Nguyễn Thanh Nga và Hoàng Lý cùng chị em trong cộng đồng tới thăm hỏi gia đình chị Nhung |
Chiếc máy may không phải là thứ gì to tát nhưng nó thể hiện tình cảm, đoàn kết, đùm bọc lẫn nhau của những người Việt ở xa xứ và là nguồn động lực về tinh thần để chị Nhung có niềm tin, không cô đơn nơi đất khách.
Trao tặng máy khâu, các chị em trong cộng đồng người Việt tại Ai Cập mong rằng cuộc sống của mẹ con chị Nhung sẽ thoát khỏi cảnh khó khăn, thấy tương lai bên đàn con nhỏ.
Mọi người nói vui với nhau đây là máy may “yêu thương” bởi nó xuất phát từ trái tim, từ sự sẻ chia trong cộng đồng người Việt ở Ai Cập.
Khai Nhi
Nạn nhân vụ đánh bom ở Ai Cập được hỗ trợ thế nào?
Công ty Bảo hiểm vừa có thông báo về mức bảo hiểm đối với các nạn nhân trong đoàn du khách Việt bị đánh bom ở Ai Cập.