Ngày mới về làm dâu, tôi không khỏi bàng hoàng trước những lời nói của mẹ chồng. Thậm chí nhiều lúc tôi còn cảm thấy bị sốc trước những lời lẽ thô lỗ, cộc cằn của bà.

Tôi và Lâm yêu nhau chừng hơn một năm thì quyết định tiến tới hôn nhân. Trước đó, anh từng tâm sự với tôi: “Bố anh mất sớm. Mẹ một nách nuôi 3 đứa con thơ. Mọi việc đều đè lên vai mẹ. Mẹ vừa làm bố, vừa làm mẹ và làm bạn của các con. Mẹ là người cần kiệm, có phần người khắt khe và bảo thủ. Mẹ vất vả chạy chợ nuôi 3 anh em khôn lớn nên quen nói bỗ bã và suồng sã. Em sau này thương mẹ nhiều hơn và đừng giận mẹ vì những lời nói của mẹ nhé…”

Thế nhưng, khi mới về làm dâu, tôi vẫn không khỏi bàng hoàng trước những lời nói thô lỗ, cộc cằn của bà. Cứ hễ làm gì trái ý bà là bà mắng tôi “ngu”. Bao lần ấm ức dồn nén, tôi mới nói thẳng với bà: “Con làm như ở nhà con vẫn làm. Nếu nhà mình làm khác thì mẹ bảo con. Lần sau con không làm như thế nữa. Mẹ đừng bảo con ngu. Con không thích mẹ nói như vậy”.

Thế là từ đó, mối quan hệ giữa tôi với mẹ không mấy tốt đẹp, bởi những mâu thuẫn liên tiếp xảy ra, mà chung quy lại cũng chỉ vì tôi không thích những lời nói cộc cằn của bà. Bà hay xưng hô “mày - tao” với con dâu khiến tôi vừa ngỡ ngàng, vừa khó chịu bởi từ trước đến nay bố mẹ tôi ở nhà không bao giờ xưng hô như vậy với các con dù là dâu hay rể.

Đã vậy, đến khi tôi sinh cháu, cháu đang trong giai đoạn tập nói, bà nói chuyện với cháu mà cứ văng tục làm cháu học theo khiến tôi phải vất vả bao bao nhiêu trong việc chỉnh sửa cách nói chuyện của con…

{keywords}
Ảnh minh họa

Vì vậy, mặc cho chồng luôn miệng bảo tôi thông cảm cho bà, bởi bà xuất thân từ nông thôn, ít học hành, nhưng tôi vẫn khó mà thích nghi được với cách nói chuyện “thô lỗ” như vậy.

Nhưng rồi, đến một ngày tôi ốm, khắp người ê ẩm. Cảm giác sốt gai gai người. Miệng tôi đắng ngắt không ăn được gì. Bát phở chồng mua cho vẫn cứ nằm vẹn nguyên trên bàn. Bà thấy vậy nên lịch kịch nấu cho tôi bát cháo. Bà bảo “Mày ăn đi cho nóng con ạ. Thấy người mệt thì phải biết nghỉ chứ. Sáng hôm qua, thấy dáng đi uể oải, mặt mày xanh xanh, môi thâm thâm tao đã bảo nghỉ mà còn tham đi làm. Thôi, chịu khó dậy sụp soạp bát cháo cho nóng người lên là khỏi ngay… Mệt cứ nằm thôi, có gì mày gọi mẹ, mẹ lên mẹ làm cho”.

Lần đó, tôi ốm hàng tuần liền. Chồng tôi lại phải đi công tác, nên bà vừa trông cháu vừa cơm nước, dọn dẹp nhà cửa, giặt giũ tinh tươm. Bà không kêu ca hay bắt tôi động vào bất cứ việc gì. Thấy tôi nằm bẹp trên giường, bà còn nhẹ nhàng buông cửa màn, kéo chiếc chăn mỏng đặt ngang bụng cho tôi.

Thế nên, chính cái khoảng thời gian ốm nằm bệt ấy, tôi mới nhớ lại mọi chuyện, từ lúc chồng tôi dẫn tôi về ra mắt gia đình. Đến bữa, tôi giúp mẹ anh chuẩn bị bát đũa, vô tình tôi làm rơi chiếc bát xuống nền nhà đến xoảng. Bao con mắt đổ dồn về nơi phát ra âm thanh đó, chính bà đã nhận làm rơi vỡ cứu nguy cho “cô dâu tương lai”.

Đến khi tôi về làm dâu, mỗi lần bà đi ăn cỗ hoặc đi đâu chơi về, ai cho gì bà cũng để riêng một phần cho tôi. Rồi cả những buổi chiểu, bà bế cháu ra cổng đón tôi, đon đả kể lể về chuyện thằng Tít hôm nay ăn gì, nói năng ra sao, nó biết thơm bà, biết cầm điều khiển tivi thế nào … trong khi mặt tôi vẫn tỉnh bơ với bà mà chỉ quan tâm đến con của mình…

Tự nhiên, một cảm giác ân hận đến lạ bắt đầu xâm chiếm toàn bộ con người tôi. Rồi, đang mải mê suy nghĩ thì tôi cảm nhận có tiếng bước chân nhè nhẹ tiến lại gần mình. Hai bà cháu rón rén ngồi cạnh tôi, bà đưa tay ra hiệu “suỵt” nhẹ với ku Tít im lặng cho mẹ ngủ. Bà đặt nhẹ tay lên trán tôi. Tôi cảm nhận được bàn tay ram ráp, thô kệch, bè bè như chính đôi tay của mẹ mình năm nào. Lúc ấy, tôi mới thấy bàn tay của mẹ chồng, sao mà gần gũi, thân thương và ấm áp đến vậy.

Hồng Tươi (Đông Anh – Hà Nội)