- Cơn mưa chiều đổ ập xuống cũng vừa lúc tiếng chuông tan học vang lên. Các học sinh của trường tiểu học An Phú Tây (xã An Phú Tây H. Bình Chánh TP.HCM) hớn hở rời lớp học ra về. Trong dòng học sinh đông đúc náo nhiệt đó, có 2 em nhỏ từ từ chậm bước. Bé gái 2 tay xách 2 cặp, bé trai đi bên cạnh níu vào tay bạn. Cả hai dìu nhau ra cổng trường . . .            

 Cả lớp vì bạn                                                    

Từ lớp 3H ở tầng trệt, học sinh phải đi qua một dốc nhỏ cạnh cầu thang để ra đến bên ngoài. Một số học sinh chen lấn, bé trai ngã xuống. Ngay lập tức nhiều bàn tay nâng bé dậy. Chung quanh bé, bạn bè luôn theo dõi từng bước chân để nếu có sự cố nào xảy ra kịp thời giúp đỡ.

 Bạn Ngọc luôn giúp Đạt những lúc cần đến.

Bé trai đó là cháu Phùng Tấn Đạt - con của anh Phùng Tấn Quân và chị Võ Ngọc Tuyền ngụ tại 517A đường Hưng Long- An Phú Tây, cách trường hơn 500m.

Cháu Đạt sinh năm 2003 đang học lớp 3H của trường tiểu học An Phú Tây bị dị tật bẩm sinh từ khi mới lọt lòng mẹ. Trong giấy chứng nhận sức khỏe, bác sĩ Phú Văn của bệnh viện huyện Bình Chánh đã xác nhận cháu bị vẹo cột sống thắt lưng - ngực và gồ xương ức.

Cùng mẹ về nhà.

Cháu đi đứng rất khó khăn và chậm chạp. Trong mọi sinh hoạt cá nhân đều cần đến sự giúp đỡ của nhiều người. Thầy giáo Trương Văn Nê, Tổng phụ trách Đội kiêm giáo viên đứng lớp cho biết, trong hai năm qua từ cô giáo đến các bạn trong lớp luôn đỡ đần Đạt trong những lúc cần thiết. Người bạn thân thiết nhất luôn bên cạnh Đạt chính là lớp trưởng Trang Kim Ngọc.

Ngọc kể cho chúng tôi nghe, mỗi đầu giờ học Ngọc là người đón Đạt từ cổng trường đễ dìu bạn vào lớp và đến giờ về cũng thế. Trong lớp, Đạt đứng lên ngồi xuống rất khó khăn nên Ngọc luôn là người có mặt đúng lúc để làm điểm tựa cho bạn. Hầu như những bạn trong lớp đều luôn dành cho Đạt những sự quan tâm đặc biệt. Những lúc Đạt cần vệ sinh cá nhân, nhiều bạn nam sinh đã thay nhau giúp đỡ.

 

Bạn ngã, nhiều bạn nâng

Thầy giáo Nê cho biết thêm, tình cảm của cả lớp dành cho cháu Đạt đã có từ hai năm nay. Được vậy là nhờ sự giáo dục của thầy cô giáo, thầy hiệu trưởng, dạy cho các cháu biết thế nào là tình tương thân tương ái, biết yêu thương bạn, giúp đỡ những người kém may mắn hơn mình. Những hành động đó hiện càng rõ nét hơn khi các cháu lớn lên. Một bạn của Đạt nói, tụi con sẽ giúp Đạt những gì bạn ấy cần cho đến khi nào không còn học chung nữa mới thôi.

Không phải vì mình khuyết tật không được thuận lợi hơn các bạn mà sức học và sự phấn đấu rèn luyện của Đạt kém đi. Minh chứng cho điều này, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên khi nhìn những trang vở của Đạt. Trang nào cũng sạch, chữ viết ngay ngắn thẳng hàng và rất đẹp. Có lẽ chính điều này đã giúp Đạt dành được danh hiệu “học sinh vở sạch - chữ đẹp" cấp huyện năm học 2010 – 2011. Điều đáng biểu dương hơn hết là thành tích học tập của Đạt, 2 năm liền là học sinh giỏi của trường.

 Cần những tấm lòng

Dứt cơn mưa, chị Truyền mẹ của cháu Đạt đón con từ tay cháu Kim Ngọc ngay tại cổng trường. Chị dìu con đến chỗ dựng xe đạp, treo cặp cháu lên xe và bế cháu ngồi phía sau.

Thành tích trong học tập của cháu Đạt.
 

Con đường về nhà chị vốn là con đường làng dài và hẹp. Mặc dù hàng ngày đưa đón con đi học, con đường đã quen thuộc nhưng những bước chân của chị luôn dè dặt. Đạt ngồi sau xe, chị không dám lên xe đạp về nhà mà phải dắt bộ. Ngang qua nhiều thửa ruộng ngập nước, nhiều con mương sâu hoắm khiến cho người mẹ càng phải cẩn thận hơn khi đứa con thơ tật nguyền ngồi ở phía sau.

Đạt là đưa con trai đầu lòng. Anh chị chưa có điều kiện để ra riêng nên còn tá túc chung với ông bà thân sinh. Ông bà nội của Đạt đã già không còn khả năng lao động. Căn nhà cấp 4 ở tận trong sâu đã ôm ấp che chở những con người, những mảnh đời lam lũ. Anh Quân, bố của Đạt gần 40 tuổi làm công nhân sơn nước bữa đực bữa cái.

Anh nói, tiền công một ngày được 200.000đ nhưng rất thất thường. Làm một tuần nghỉ một tháng nên thu nhập tính ra không là bao. Những giờ rãnh rỗi, anh mang lưới ra những con kênh tìm con tôm con cá. Chị Truyền thi lo nhà cửa bếp núc và chăm chút cho Đạt. Tiếng là ở vùng nông thôn nhưng nhà không còn một chút đất để trồng cây ớt trái cà.

Cháu Đạt trong lớp học.

Tiếp chúng tôi, anh Quân chị Truyền tỏ ra rất lo lắng về các khoản thu ở trường. Đầu năm nào sách nào vở, nào quần nào áo cho Đạt đã là một sự cố gắng lớn lao. Nguyện ước cho con ăn học đến nơi đến chốn để bù váo sự khiếm khuyết thân thể của con đã làm thôi thúc anh chị. "Phải cố gắng thôi, tới đâu hay tới đó" - anh chị nhủ thầm.

Anh chị nói với chúng tôi như thế trong sự lo lắng tột cùng bởi một mầm sống, em của Đạt đang tượng hình trong bụng chị. Làm sao lo được cho Đạt khi sinh nở. Chị mong sao trong 2 tháng tới đây trường sẽ xây xong và tổ chức lớp bán trú cho học sinh. Có thể nhờ đó, Đạt sẽ được quan tâm nhiều hơn và chị cũng yên tâm hơn. "Nhưng bán trú thì lấy tiền đâu mà đóng? "- Nỗi băn khoăn trĩu nặng cõi lòng bà mẹ trẻ

Tôi ghé tai vào Đạt, hỏi cháu muốn học để sau này làm gì? Thật bất ngờ, cháu thỏ thẻ không chút chần chừ : “Con muốn làm bác sĩ”.

Con đường của cháu Đạt đi đến bến bờ quả không suôn sẻ. Muốn vượt qua, bố mẹ, người thân của Đạt có lẽ cũng không nhiều khả năng vươn tới. Giấc mơ của cậu bé nghèo đang cần lắm những tấm lòng . . .

  • Trần Chánh Nghĩa