Nghe tin mẹ đẻ ốm nặng, lòng chị như lửa đốt. Vơ vội vài bộ quần áo, chị xin phép chồng được về quê. Anh hỏi về làm gì? Tại sao phải về gấp thế? Chị tần ngần trình bày lý do, nước mắt ngân ngấn nhìn chồng. Anh ra chiều đăm chiêu rồi miễn cưỡng gật đầu.
Anh chị cưới nhau đã hơn hai mươi năm, con trai, con gái đủ cả, đứa lớn sắp tốt nghiệp đại học, còn đứa út năm nay cũng thi tốt nghiệp cấp 3. Sống ở thôn quê nhưng anh chị cũng xây được nhà hai tầng, tiện nghi trong gia đình chẳng thiếu thứ gì. Người ngoài nhìn vào, ai cũng khen anh chị hạnh phúc, vật chất đủ đầy.
Nhưng có ở trong chăn mới biết chăn có rận. Hơn hai mươi năm làm vợ anh thì cũng chừng ấy thời gian chị phải cam chịu một cuộc sống tù túng vì người chồng gia trưởng. Nói đúng hơn, anh coi chị như vật sở hữu của mình, chị đi đâu, làm gì đều phải xin phép anh- kể cả về quê ngoại thăm cha mẹ đẻ. Nếu anh không đồng ý thì chị đừng hòng dám bước chân ra khỏi cổng.
Nhiều khi thấy bí bách, chị đem chuyện phàn nàn với một vài người có uy tín trong dòng họ, những mong họ sẽ khuyên anh nới lỏng “vòng kim cô” đối với chị. Không ngờ anh lại nổi giận đùng đùng, cho rằng chị là một người đàn bà ngồi lê đôi mách, đem cả chuyện nhà ra kể cho thiên hạ.
Sau một vài lần như vậy, anh ra tối hậu thư với chị: nếu chị còn “buôn” chuyện gia đình thì hãy khăn gói bước ra khỏi nhà- mặc dù ngôi nhà đó là mồ hôi công sức của cả hai vợ chồng gây dựng nên. Anh cho rằng, con gái đã lấy chồng thì phải toàn tâm toàn ý phục vụ gia đình nhà chồng. Kể từ ngày bước chân về làm vợ anh thì chị là người của gia đình anh, không còn liên quan gì đến họ hàng nhà chị nữa.
Cũng bởi quan niệm sai lầm ấy mà một năm có ngày giỗ cha chị cũng không thể về quê để thắp cho đấng sinh thành một nén hương. “Việc giỗ chạp đã có anh trai và chị dâu của cô lo liệu, không việc gì đến cô mà phải bận tâm”- trước câu nói phũ phàng của chồng, chị chị biết lau nước mắt.
Lắm lúc ngồi một mình, nghĩ đến bạn bè ai cũng lấy được người chồng tử tế, chị lại tự than thân trách phận. Phải chăng hồi tìm hiểu nhau, chồng chị không bộc lộ hết bản tính của người đàn ông gia trưởng hay tại tình yêu trong chị quá lớn đến mức không đủ tỉnh táo để nhận ra sự thật ẩn sau vỏ bọc của người đàn ông hào hoa và chu đáo?
Đến nay đã hơn hai mươi năm, dù chị đổ biết bao mồ hôi nước mắt gây dựng nên cơ nghiệp như bây giờ thì cũng chưa bao giờ chị được cầm một đồng tiền gọi là để chi tiêu tùy thích. Đơn giản vì anh yêu cầu: Nhà này chỉ có một chủ, tiền phải tập trung về tay chủ nhà để lo liệu việc gia đình.
Ảnh minh họa từ Internet |
Từ những đàn gà, lứa lợn đến ruộng rau, sau khi thu hoạch, được bao nhiêu tiền chị đều phải nộp hết cho anh. Anh dùng tiền đó sửa sang nhà cửa, mua sắm xe máy cho mình nhưng chưa bao giờ hỏi chị có cần tiền để mua bộ quần áo hoặc đôi dép mới hay không. Mỗi khi chị cần tiền mua vật dụng cho riêng mình đều phải trình bày lý do với anh, như con trẻ xin tiền cha mẹ mỗi lần nộp tiền học.
Lần này nghe tin mẹ đẻ ốm nặng, lòng chị như lửa đốt. Vơ vội vài bộ quần áo, chị xin phép chồng được về quê. Anh hỏi về làm gì? tại sao phải về gấp thế? Chị tần ngần trình bày lý do, nước mắt ngân ngấn nhìn chồng. Anh ra chiều đăm chiêu rồi miễn cưỡng gật đầu.
Nhưng chị vẫn chưa bước đi vội, chị nán lại xem anh có đưa cho chị chút tiền để chị đi đường và thuốc thang cho mẹ vợ hay không. Bởi mới tuần trước chị còn nộp lại cho anh hơn bốn triệu tiền xuất chuồng hai con lợn thịt. Nhưng anh tuyệt nhiên chẳng đả động gì đến chuyện tiền bạc, như thể việc anh đồng ý cho chị được về quê thăm mẹ là một ân huệ lớn lắm rồi.
Chị ôm túi quần áo lủi thủi quay ra, lúc bước chân ra ngõ chị vẫn còn nghe tiếng anh nói với theo: “Liệu mà về cho sớm nhé!”. Nước mắt chị cứ thế trào ra theo từng bước chân gấp gáp đang dần rời xa ngôi nhà được coi là tổ ấm của mình.
Lúc về đến bên mẹ thì mẹ chị đã yếu lắm rồi, vừa nhìn thấy chị, bà chỉ kịp run run nắm lấy tay đứa con gái duy nhất của mình rồi thanh thản ra đi. Anh biết tin cũng đưa hai đứa con về chịu tang bà. Nhưng sau khi tiễn mẹ vợ ra đồng an táng, anh cũng bắt xe về luôn trong ngày.
Ảnh minh họa |
Một mình ngồi trên chiếc giường xưa kia mẹ con chị vẫn thường nằm bên nhau nhỏ to tâm sự, trong chị bỗng trào dâng một tình cảm da diết. Chị hối hận vì không có thời gian về chăm mẹ lúc cuối đời, giận cả tính nhu nhược của một người vợ quanh năm chỉ biết cúi mặt phục tùng mệnh lệnh của chồng. Giá mẹ chị còn sống, chắc chị sẽ bất chấp tất cả để được về bên mẹ, bất chấp cả việc anh dọa sẽ “cấm cửa” không cho chị về nhà.
Sau khi làm lễ ba ngày cho mẹ, anh gọi điện giục chị thu xếp để về. Trả lời anh, giọng chị nhẹ nhàng nhưng rõ rành từng tiếng: “Anh tự lo cho mình đi. Lúc mẹ ốm đau em chẳng thể về chăm sóc, giờ em sẽ ở lại đây, hương khói cho mẹ hết bốn chín ngày…”.
Nói rồi chị cúp máy, chẳng cần đợi anh hồi âm lại. Anh bực tức hay không, chị cũng không quan tâm.
(Theo PLVN)