- Phát hiện bị ung thư phổi giai đoạn cuối khi đang mang thai 11 tuần nhưng người mẹ trẻ kiên quyết không điều trị để mong giọt máu của mình được lớn từng ngày.

Mang thai khi ung thư giai đoạn cuối

Câu chuyện về nghị lực phi thường của bệnh nhân Đậu Thị Huyền Trâm (25 tuổi, Thạch Quý, TP.Hà Tĩnh) chiến đấu từng ngày để giữ con đã khiến tất thảy bác sĩ và những người chứng kiến xúc động trào nước mắt.

Khi đang mang thai con đầu lòng ở tuần thứ 11, chị Trâm phát hiện quanh cổ nổi nhiều hạch nên đến phòng khám tư thăm khám, được chẩn đoán nhiễm lao.

Không tin tưởng, chị Trâm tiếp tục ra một bệnh viện lớn để kiểm tra, nhưng gia đình không muốn làm các xét nghiệm chụp chiếu vì sợ ảnh hưởng đến con. Tại đây, chị nhận được tin dữ khi bác sĩ phỏng đoán bị nổi hạch do ung thư di căn.

{keywords}
Chị Trâm đang nằm hồi sức sau cuộc mổ

Kết quả này được khẳng định một lần nữa khi chị đến Bệnh viện K khám ở tuần thai thứ 19.

ThS.BS Lê Thị Yến, khoa Nội, Bệnh viện K cho biết, tại thời điểm thăm khám, bệnh nhân đã mắc ung thư phổi giai đoạn 4, di căn lên hạch cổ, sưng to, lan cả vào trung thất (to 3-4cm), di căn vào gan.

Dù được khuyên đình chỉ thai nghén để điều trị song chị Trâm kiên quyết không xạ, hóa trị, chấp nhận hy sinh với hy vọng con lớn được ngày nào hay ngày đó.

Khi thai được 27 tuần, khối u xâm lấn quá lớn chèn đặc 2 bên cổ, tràn dịch màng phổi khiến bệnh nhân khó thở, được chuyển vào khoa Nội, bệnh viện K nằm điều trị vào ngày 24/6, sau đó chuyển tiếp lên khoa Hồi sức thở máy.

"Nền thể trạng của mẹ quá yếu, nếu mổ bắt con ngay khi 27 tuần, con sinh ra rất dễ dị dạng, giác mạc chưa hoàn thiện, phổi không hô hấp được nên chúng tôi hội chẩn với các bác sĩ Bệnh viện Phụ sản Trung ương bằng mọi cách níu thêm từng ngày", PGS.TS Trần Văn Thuấn, Phó giám đốc bệnh viện chia sẻ.

Theo đó, chị Trâm được điều trị theo phác đồ đặc biệt, vừa cung cấp oxy, vừa truyền dung dịch dinh dưỡng, vừa dùng thuốc kháng sinh chống nhiễm trùng và một số thuốc chống ung thư để hạn chế tế bào ác tính nhân lên.

Trong suốt quãng thời gian trước và sau khi nhập viện, do khó thở nên chị Trâm không thể nằm mà phải ngồi suốt 24/24 trong gần 1 tháng, mỗi ngày hầu như chỉ ngủ chập chờn được gần 2 tiếng.

Bệnh nhân luôn khao khát được giữ lại đứa con bằng mọi cách. Cảm nhận được nghị lực phi thường, tình mẫu tử thiêng liêng của người mẹ dành cho con nên mỗi y, bác sĩ đều cố gắng hết mình, mong sẽ mang đến một điều kì diệu.

Ca mổ ngồi có một không hai

Khối u ngày càng lớn, di căn thêm nhiều bộ phận khiến chị Trâm ngày càng kiệt sức. Đến ngày 10/7, chị Trâm có biểu hiện suy hô hấp nặng, nếu không được mổ thai ngay sẽ nguy hiểm đến tính mạng cả mẹ và con.

Ngay lập tức, một ekip 8 người từ bệnh viện Phụ sản Trung ương do bác sĩ Nguyễn Liên Phương, phó khoa Sản bệnh lý 1 sang bệnh viện K hỗ trợ cuộc mổ đặc biệt vào lúc 20h ngày 10/7 với tổng ekip gần 20 người.

"Khi sang tới nơi, tôi rất choáng khi biết bệnh nhân không thể mổ nằm, nếu không mổ ngay sẽ khó qua được đêm nay. Tôi nói với Trâm rằng thai mới được 28 tuần 5 ngày, mổ ra khả năng nuôi được rất thấp nhưng cô ấy bảo 'Chị cố gắng cứu con em, chào đời rồi con em sẽ phải chiến đấu với đời'. Nghe thế tôi chảy cả nước mắt", BS Phương chia sẻ.

{keywords}
Sau mổ, sức khỏe cháu bé hiện đang tiến triển tốt

Cùng trong kíp mổ, ThS.BS Trần Đức Thọ, Phó trưởng khoa Phẫu thuật - Gây mê hồi sức, Bệnh viện K cho biết, ca bắt con đặc biệt do bác sĩ phải mổ lấy thai khi bệnh nhân đang ngồi trên bàn mổ, 2 y tá đỡ 2 bên.

Ngoài ra, do sức khỏe yếu, các bác sĩ không thể gây mê vì bệnh nhân khó có thể tỉnh lại, cũng không dám tiêm thuốc an thần vì sợ dẫn đến suy hô hấp nặng hơn nên cuối cùng chọn gây tê tủy sống.

"Vì thế trong suốt ca mổ, bệnh nhân gần như tỉnh, còn cả ekip đều rất căng thẳng vì sợ mất cả mẹ lẫn con. Sau 30 phút, bé trai nặng 1,2kg chào đời, cất tiếng khóc to khiến tất cả chúng tôi đều thở phào nhẹ nhõm", BS Thọ nhớ lại.

Ngay lập tức cháu bé được đưa vào lồng ấp, chuyển thẳng sang khoa Sơ sinh, bệnh viện Phụ sản Trung ương thở máy do suy hô hấp.

BS Thọ cho biết, đây là ca sinh con đầu tiên trên nền bệnh nhân ung thư phổi.

Đến sáng nay (13/7), sau ca mổ 3 ngày, sức khỏe cả mẹ và con đều ổn định. Bé trai được gia đình âu yếm đặt tên là Trần Gấu với hy vọng sẽ mạnh khỏe như gấu hiện đã thở máy cấp độ thấp hơn, mỗi ngày bé ăn được khoảng 14 lần, mỗi lần 1ml sữa.

Còn chị Trâm đang nằm hồi sức tại Bệnh viện K, đợi hồi phục sẽ bước vào cuộc chiến khác với hy vọng rất mong manh. Các bác sĩ cho biết, bệnh nhân sẽ phải dùng những loại thuốc đắt tiền lên tới 6-8 triệu/ngày và áp dụng chế độ dinh dưỡng đặc biệt.

Chăm con tại viện, bà Lê Thị Lan, mẹ chị Trâm liên tục chấm nước mắt.

"Khi biết ung thư giai đoạn cuối, cả gia đình đều đau đớn khuyên nó nên bỏ con nhưng nó không chịu. Giờ cháu chào đời rồi, nếu con gái tôi có ra đi cũng an ủi được phần nào cho gia đình!", vừa nói, bà Lan vừa rơi nước mắt hôn nhẹ lên trán con.

Sau sinh, dường như sức mạnh tinh thần khi thấy con chào đời khỏe mạnh khiến chị Trâm như thêm nghị lực, chị đã nằm được và thấy dễ thở hơn...

Thúy Hạnh