Lên kế hoạch chi tiêu, tự tay dọn dẹp nhà cửa, lựa chọn đồ phù hợp với kinh tế gia đình,... là những cách bạn có thể áp dụng để tiết kiệm chi tiêu ngày Tết.
Hàng năm, cứ tới sát Tết Nguyên đán, các bà nội trợ lại đau đầu về các khoản chi tiêu bởi không phải gia đình nào cũng khá giả để mua sắm mạnh tay. Với đồng lương eo hẹp, thưởng ít ỏi của không ít cặp vợ chồng khiến Tết luôn là nỗi ám ảnh của nhiều người.
Tuy nhiên, nếu biết cách lên kế hoạch và dự trù cho các khoản từ sớm, nhiều chị em vẫn có 1 cái tết “tươm tất” với khoản chi phí rất ít. Dưới đây là một số mẹo chi tiêu dành cho gia đình có 3 người chỉ với 5,5 triệu đồng trong 3 ngày Tết (bao gồm cả chi phí mua quà tết và biếu tiền bố mẹ 2 bên nội, ngoại).
1. Tiền biếu và mua sắm đồ đạc biếu hai bên nội, ngoại:
Để không lạm chi nhưng vẫn có quà biếu bố mẹ, các bà nội trợ nên lập kế hoạch chi tiêu từ trước. Vẫn biết, việc tặng quà Tết là phong tục tập quán từ xa xưa của người Việt nhưng không vì thế bạn phải chọn những món quà đắt tiền, vượt quá so với khả năng kinh tế của hai vợ chồng. Vì vậy, bạn nên chọn những món quà vừa ý nghĩa, vừa thiết thực.
- Quà Tết: Hộp bánh, chai rượu, hộp mứt: 250.000 đồng x 2 bên nội, ngoại = 500.000 đồng
- Tiền biếu Tết: 500.000 đồng x 2 bên nội, ngoại = 1 triệu đồng.
--> Tổng chi phí = 1,5 triệu đồng.
2. Tiền mua sắm đồ tết trong gia đình:
Để có một cái Tết ấm cúng cho tất cả các thành viên trong gia đình, đối với những loại thực phẩm tự làm tại nhà; bạn nên dành thời gian và công sức để chuẩn bị. Làm như vậy, vừa đảm bảo vệ sinh, vừa tiết kiệm và các thành viên trong gia đình cũng có những bữa ăn ngon miệng ngày Tết. Tuy nhiên, nếu không có thời gian chuẩn bị, bạn có thể đặt mua các loại thực phẩm ở ngoài hàng nhưng vẫn phải tham khảo giá cả, chất lượng nhiều nơi bởi tết thường là dịp tất cả các loại hàng hóa sẽ tăng giá.
Nhiều gia đình cùng chung tay gói bánh chưng là một cách tiết kiệm chi tiêu ngày Tết. |
- Tiền đặt bánh chưng: 40.000 đồng/cái x 5 cái = 200.000 đồng. (Năm nay được nghỉ Tết sớm, bạn có thể cùng gia đình cùng nhau chuẩn bị và gói bánh chưng. Nếu bạn thấy chỉ gia đình mình gói mất quá nhiều công chuẩn bị, bạn có thể rủ thêm 1, 2 nhà hàng xóm xung quanh cùng nhau gói bánh. Chi phí tự gói bánh chắc chắn sẽ rẻ hơn và đảm bảo vệ sinh hơn).
- Tiền thịt gà: 200.000 đồng (1 con cúng giao thừa, 1 con dùng cho ngày hóa vàng) x 2 con = 400.000 đồng.
- Tiền thịt, xương = 200.000 đồng.
- Tiền giò (1 kg) = 130.000 đồng.
- Tiền rau quả, gia vị, măng miến, nước nắm,… = 300.000 đồng.
- Tiền mua quần áo mới cho bé = 200.000 đồng.
- Tiền mua 1 cây quất hoặc cành đào = 150.000 đồng.
- Tiền hoa quả, bánh kẹo,… bày mâm ngũ quả bàn thờ = 300.000 đồng.
- Tiền bánh kẹo tết = 400.000 đồng.
- Các khoản chi phát sinh (nếu có) = 200.000 đồng
--> Tổng chi phí = 2.480.000 đồng.
3. Tiền mừng tuổi:
- Tiền mừng tuổi 2 bên nội ngoại = 100.000 đồng/người x 4 người = 400.000 đồng.
- Tiền mừng tuổi cháu và họ hàng 1 triệu đồng (Thay vì mừng tuổi những loại tiền mệnh giá lớn, bạn có thể đổi tiền mệnh giá nhỏ hơn để mừng tuổi nếu trong gia đình bạn đông con, cháu.
- Số tiền còn lại, bạn có thể đổi ra những tiền mệnh giá nhỏ hơn để đi lễ chùa đầu năm = 120.000 đồng.
--> Tổng chi phí = 1.520.000 đồng.
- Ngoài ra, bạn nên cùng các thành viên trong gia đình dọn dẹp nhà cửa thay vì đi thuê người giúp việc theo giờ. Làm như vậy, vừa tiết kiệm được một khoản khá khá và góp phần gắn kết tình cảm giữa các thành viên trong gia đình lại với nhau.
- Thời gian vừa qua, không ít các vụ thực phẩm bẩn liên quan tới bánh kẹo và mứt tết được phanh phui. Vì vậy, nếu có thời gian rảnh, bạn nên lựa chọn làm các loại mứt để cho gia đình thưởng thức và dành một phần biếu người thân. Các loại mứt dễ làm và nguyên liệu sẵn có trên thị trường như mứt dừa, mứt bí, mứt gừng, mứt cà rốt,…
- Bạn cũng nên dành thời gian nấu nướng tại nhà thay vì đi ăn ngoài bởi ngày tết giá cả các loại thực phẩm sẽ đắt hơn rất nhiều so với ngày thường.
Theo Emdep