Đó là nhận định của Tiến sĩ Trần Văn, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội (đại biểu Quốc hội đoàn Cà Mau) khi trao đổi với phóng viên xung quanh thương vụ mua bán giữa Tập đoàn Metro (Đức) bán lại Metro Việt Nam cho Tập đoàn BJC (Thái Lan).
Thương vụ mua bán giữa Metro và BJC hiện đang được dư luận rất quan tâm, với giá chuyển nhượng lên tới gần 900 triệu đô-la, trong khi vốn đầu tư năm 2002 chỉ là 78 triệu đô-la. Vấn đề đặt ra là vì sao doanh thu của Metro liên tục tăng, nhưng họ liên tục báo lỗ tới 11/12 năm, vậy quan điểm của ông như thế nào?
- Mở trang thông tin điện tử của Metro Cash & Carry chúng ta thấy đây là tập đoàn siêu thị bán sỉ quốc tế hàng đầu thế giới có trụ sở chính tại CHLB Đức. Doanh số năm tài chính 2012/2013 đạt khoảng 32 tỷ EURO, phục vụ cho trên 21 triệu khách hàng.
Với lịch sử thương hiệu và uy tín của mình, tôi nghĩ Metro không bao giờ dám phung phí quá khứ và hiện tại thành công của mình. Tôi khó có thể phân tích, đánh giá chính xác về quản trị và tài chính doanh nghiệp nếu không tiếp cận số liệu, sổ sách, báo cáo tài chính đã được kiểm toán doanh nghiệp. Đó là công việc chuyên môn của cơ quan thuế và các cơ quan quản lý nhà nước khác liên quan đến việc cấp phép và kiểm tra hoạt động của doanh nghiệp sau cấp phép.
Tiến sĩ Trần Văn, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội |
Có thể thấy, việc Metro liên tục báo lỗ trong khi không ngừng mở rộng hệ thống là điều bất thường. Theo ông, trách nhiệm của cơ quan thuế như thế nào?
- Metro là một tập đoàn đa quốc gia lớn với hệ thống quản trị phức tạp nhưng chắc chắn là phải theo tiêu chuẩn của các nước phát triển. Kết quả tài chính của Tập đoàn là quan trọng nhưng triển vọng phát triển trong tương lai còn quan trọng hơn.
Metro có thể tạm thời hy sinh các mục tiêu ngắn hạn để hướng tới các mục tiêu dài hạn, lâu dài. Bình thường thì khi tiềm lực tài chính của doanh nghiệp hạn chế do liên tục thua lỗ thì tái sản xuất mở rộng sẽ rất khó khăn. Tôi nghĩ trường hợp của Metro có thể khác. Họ có chiến lược đầu tư dài hạn bên cạnh các kế hoạch kinh doanh ngắn hạn.
Có thể họ lỗ trong ngắn hạn do liên tục phải huy động vốn để mở rộng mạng lưới kinh doanh, xây dựng hệ thống cung ứng và tiêu thụ trong nước và xuất khẩu, xây dựng mối quan hệ với khách hàng, xây dựng thương hiệu, đào tạo huấn luyện nâng cao chất lượng nguồn nhân lực… Tất cả là những chi phí tài chính không nhỏ. Và như chúng ta thấy, chiến lược của họ đã thành công.
Sau hơn 12 năm Metro vào nước ta, Metro đã mở được 19 đại siêu thị bán sỉ tại các trung tâm đô thị sầm uất nhất, nơi dân cư có thu nhập vào hàng cao nhất Việt Nam, là những thị trường tiêu thụ triển vọng nhất, phát triển nhanh nhất ở Việt Nam. Metro cũng thành lập được hai trung tâm logistic, phân phối rau quả đặt tại Lâm Đồng và cá tươi tại Cần Thơ.
Tôi cho rằng, hệ thống các đại siêu thị bán sỉ tại các vị trí “đắc địa” và trung tâm logistic hàng tươi sống của Metro, với nhận diện thương hiệu mạnh, uy tín, thị phần lớn, đội ngũ nhân viên… thì gần 900 triệu đô-la cũng là giá phải chăng.
Đó là chưa xét đến tính đặc thù của thủ tục hành chính ở nước ta với cả “rừng” thủ tục liên quan đến thu hồi, giao đất, đền bù giải phóng mặt bằng, cấp phép xây dựng, cấp phép kinh doanh thực phẩm tươi sống, vệ sinh an toàn thực phẩm, nhãn hiệu hàng hóa, thủ tục xuất nhập khẩu,… thì lại càng thấy giá trị của hệ thống đã được Metro xác lập. Tôi không nghĩ là các cơ quan thuế của chúng ta đã không “chăm sóc” chu đáo Metro mà ngược lại. Cái “cay cay ở mũi” ở đây là “người ta” làm được mà “mình” thì lại chưa.
Dư luận cũng băn khoăn về việc các cơ quan chức năng cấp phép cho Metro đầu tư vào Việt Nam cũng như nhiều dự án FDI khác với quá nhiều ưu đãi, thậm chí là “trải thảm đỏ”, “xé rào”. Vậy, ông đánh giá như thế nào về việc giám sát văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến hoạt động đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.
- Tôi cho rằng trong mỗi giai đoạn phát triển với những điều kiện lịch sử cụ thể, chúng ta đã có những quy định pháp luật hợp lý để thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Trong một thế giới phẳng của toàn cầu hóa với sự chuyển dịch tự do của dòng vốn đầu tư thì thu hút FDI không phải là dễ. Cũng đã có những trường hợp “xé rào” ở địa phương này, địa phương kia, nhưng nhìn về tổng thể, trong hơn 26 năm qua chúng ta đã thu hút được nguồn lực không nhỏ để phát triển đất nước với trên 15 nghìn dự án FDI, trên 100 tỷ đô-la Mỹ vốn thực hiện trong tổng số 200 tỷ đô-la Mỹ vốn đăng ký, làm thay đổi cơ bản cơ cấu và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế theo hướng tích cực.
Đến nay, nhiều quy định về ưu đãi đầu tư của giai đoạn trước cần được xây dựng một cách chi tiết hơn, hợp lý hơn trong tương quan so sánh với các nước cùng trình độ phát triển tại khu vực gắn với các hiệp định song phương và đa phương về tự do thương mại và đầu tư (FTA). Tại kỳ họp lần thứ 7 vừa qua, Quốc hội đã thảo luận và cho ý kiến lần đầu về Luật đầu tư (sửa đổi) và đến kỳ họp lần thứ 8 tới đây, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua. Chắc chắn Luật đầu tư (sửa đổi) sẽ đưa ra hành lang pháp lý thông thoáng hơn để thu hút đầu tư trong một môi trường đầu tư minh bạch, đảm bảo quyền lợi của các chủ thể trong hoạt động đầu tư và đem lại lợi ích cho cao nhất cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đồng thời với việc qui định các chính sách ưu đãi đầu tư hợp lý theo hướng quy định rõ nguyên tắc và hình thức, đối tượng áp dụng ưu đãi đầu tư, điều kiện và thủ tục áp dụng ưu đãi đầu tư, các hình thức và điều kiện áp dụng các chính sách hỗ trợ đầu tư.
Uỷ ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội có chương trình giám sát, ngăn chặn tình trạng trốn thuế, chuyển giá của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI)?
- Hàng năm, thực hiện nhiệm vụ, chức năng được luật định, Ủy ban Tài chính - Ngân sách thường xuyên tổ chức các đoàn giám sát, kiểm tra, khảo sát tình hình thực hiện các quy định của pháp luật về quản lý thuế tại một số địa phương, doanh nghiệp lớn, nhất là trong quá trình thẩm tra, đánh giá chính sách thu, chi ngân sách nhà nước hàng năm do Chính phủ trình ra Quốc hội.
Tình trạng vi phạm các quy định của pháp luật trong lĩnh vực thuế đều được Ủy ban quan tâm thích đáng. Nhiều yêu cầu hay đề xuất, kiến nghị của Ủy ban trong công tác quản lý thuế đã được thực hiện. Bản thân ngành thuế và ngành hải quan cũng rất nỗ lực thanh tra, kiểm tra nhằm phát hiện các sai phạm, thu nộp ngân sách. Nhiều vụ việc như gian lận thuế, trốn tránh nghĩa vụ nộp ngân sách, chuyển giá của cả doanh nghiệp trong và ngoài nước đã bị phát hiện, xử phạt theo quy định của pháp luật và truy thu cho ngân sách. Đây là việc làm thường xuyên của ngành tài chính dưới sự giám sát chặt chẽ của các cơ quan tương ứng của Quốc hội.
Cộng đồng quốc tế đánh giá tiềm năng hệ thống bán lẻ ở Việt Nam là rất lớn. Vậy, qua thương vụ giữa Metro và BJC, ông có ý kiến như thế nào để thúc đẩy các nhà đầu tư trong nước tham gia vào hệ thống bán lẻ, góp phần thực hiện tốt hơn Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.
- Đầu ra của sản xuất là tiêu thụ. Nếu không tiêu thụ được sản phẩm thì sản xuất sẽ trì trệ. Với 90 triệu dân hiện nay và sẽ ổn định ở mức gần 120 triệu dân Việt Nam được coi là nước đông dân trên thế giới, đi liền với đó là một thị trường tiêu thụ đầy tiềm năng. Để có được chỗ đứng trong một thị trường như vậy không dễ. Các tập đoàn thương mại lớn của thế giới đã và đang dòm ngó đến Việt Nam. Chắc chắn sau Metro, Big C, Aeon, BJC, .. sẽ là các tên tuổi khác. Các nhà bán lẻ Việt Nam như Saigon Coop, Maximark, Citimart, Fivimart,… cũng đang tăng tốc mở rộng mạng lưới.
Cho dù là nhà đầu tư đến từ đâu đi nữa thì tỷ lệ hàng hóa địa phương vẫn sẽ chiếm ưu thế như ở Metro là 90%. Tôi nghĩ cơ hội là bình đẳng đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước từ khía cạnh quy định của pháp luật về đầu tư, còn sự lựa chọn thương hiệu dịch vụ là quyền của người tiêu dùng. Việc “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” phải thấm vào máu thịt người Việt chứ không chỉ dừng ở khẩu hiệu, vận động, như người Nhật, người Hàn Quốc,… đã làm được.
Tôi hy vọng là thương vụ Metro - BJC là bài học nhãn tiền cho các nhà hoạch định chính sách và doanh nghiệp trong nước. Từ bài học này, tôi tin tưởng các doanh nghiệp Việt Nam sẽ thành công trong xây dựng thương hiệu Việt trong cuộc cạnh tranh khốc liệt ngay trên “sân nhà” để khẳng định trí tuệ Việt.
PV: Xin cảm ơn ông!
(Theo ĐCSVN)