
“Mở lối” cho ngành kinh doanh game online
Đề xuất của ông Lưu Vũ Hải được xem như “mở lối” cho ngành Nội dung số nói chung và ngành kinh doanh trò chơi trực tuyến (game online) nói riêng tại thị trường Việt Nam hiện nay.
Hơn một năm qua, việc Bộ TT&TT đưa ra các giải pháp “tạm thời” về quản lý game online như tạm dừng cấp phép game mới, ngưng cung cấp đường truyền Internet xuống đại lý từ 22h đến 8h, cấm quảng bá game online trên các phương tiện truyền thông... được coi là một việc làm cần thiết và kịp thời nhằm quản lý game online một cách tốt hơn, trong hoàn cảnh chờ quy chế game online được Bộ trình lên Chính phủ được phê duyệt.
Nhưng bên cạnh đó, những biện pháp trên cũng tạo nên rất nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp kinh doanh game nghiêm túc ở Việt Nam, đặc biệt trong việc đầu tư và chú trọng nghiên cứu, phát triển những game online do chính doanh nghiệp tự làm lấy để phục vụ người chơi trong nước. Rất nhiều doanh nghiệp đã ý thức được việc “nhập khẩu” game từ nước ngoài về phát hành trong nước chỉ là biện pháp “ăn xổi”. Nếu vẫn làm thế trong tương lai, ngành game ở Việt Nam sẽ mãi mãi đi làm giàu cho nước khác. Chính vì thế họ đã bắt tay vào sản xuất các game và thực tế họ cũng đã tạo ra được nhiều game có chất lượng. Các doanh nghiệp như VNG, VTC Game, Fgame, Emobi-Games, Giải Pháp Số, MusicKing... đã làm được các sản phẩm game không thua gì game nhập khẩu từ nước ngoài, chơi được trên máy tính và điện thoại di động nhưng khi làm xong lại không thể đưa ra phục vụ game thủ do vướng vấn đề tạm ngưng cấp phép game online mới được đưa ra ở trên.
Việc các doanh nghiệp chấp hành mọi quy định một cách nghiêm túc, lại sản xuất được game online Việt, nhưng không thể ra mắt là một điều thua thiệt và rất đáng tiếc trong việc thúc đẩy sự phát triển ngành game online hiện nay.
Nên làm rõ yếu tố “đối kháng” trong game
Mặc dù, đề xuất trên được xem là giải pháp mở lối cho doanh nghiệp kinh doanh game online, nhưng việc cấp phép này giành cho trò chơi trực tuyến Việt thuần tuý yếu tố giáo dục, văn hoá truyền thống mà chưa làm rõ yếu tố đối kháng vẫn chưa đủ. Bởi game online hiện nay có thể nói cho dù ở hình thức nào, bất kì game nào cũng có sự đối kháng và tương tác giữa người chơi với nhau và chơi game - sự đối kháng là để người chơi thể hiện được tư duy nhạy bén, khả năng phản xạ nhanh nhạy... của mình.
Tuy nhiên, cũng cần phân biệt rõ ở đây yếu tố đối kháng hoàn toàn khác với yếu tố “bạo lực”, mà các cơ quan chức năng đã yêu cầu các doanh nghiệp game online hạn chế trong các game phát hành của mình trong thời gian qua. Một số game online thuộc thể loại bắn súng (MMOFPS) hay một số game kiếm hiệp dành cho độ tuổi trên 18+, các cảnh đối kháng bắn giết trong các game này đúng là có kích động yếu tố bạo lực đến người chơi. Tuy nhiên, đối với những game có đồ hoạ đơn giản như Gunny, Boom online, Cổ Long, Tank Online... yếu tố đối kháng lại chỉ gồm những hành động đơn giản và có tác dụng giải trí và thể hiện kỹ năng, phản xạ, sự thông minh... của người chơi là chính, hoàn toàn không có cái gọi là kích động bạo lực ở đây.
Vì thế, việc “mở lối” cho game Việt ở trên có lẽ cần làm rõ hơn yếu tố đối kháng trong từng hoàn cảnh, nội dung của các game.
Đối với những game có đồ hoạ đơn giản như Gunny, Boom online, Cổ Long, Tank Online...yếu tố đối kháng lại chỉ gồm những hành động đơn giản và có tác dụng giải trí .
Nội dung được đăng trên báo Bưu điện Việt Nam số 124 ra ngày 17/10/2011.