- Việc ứng dụng các kiến thức văn hóa trong các hoạt động kinh tế - xã hội, mà cụ thể là mở các ngành học mới đã được ĐH Văn hóa giới thiệu trong mùa tuyển sinh năm nay.

Một số trường đại học mở ra ngành đào tạo Văn hóa học như trường ĐH Văn hóa Hà Nội, ĐH Văn hóa TPHCM... để đáp ứng nhu cầu mới của xã hội.

TS. Đặng Hoài Thu - Trưởng khoa Văn hóa học, Trường ĐH Văn hóa Hà Nội cho biết: "Khoa Văn hóa học đào tạo cử nhân Văn hóa học để xây dựng một lực lượng lao động mới có kiến thức cơ bản, hệ thống, hiện đại về văn hóa, có khả năng nghiên cứu, tổ chức và tham gia các hoạt động văn hóa…

Trước đây, Trường ĐH Văn hóa Hà Nội đặt mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực cho Bộ Văn hóa – Thông tin là chính, thì hiện nay, đối tượng phục vụ nguồn nhân lực của trường đã mở rộng hơn.

Tại khoa Văn hóa học, ngoài việc đào tạo ra các cử nhân có khả năng làm việc trong các công tác như nghiên cứu, khảo sát, phân tích, điều tra các giá trị văn hóa cá nhân và cộng đồng; thẩm định, đánh giá các chương trình tài trợ đầu tư phát triển văn hóa xã hội; lập dự án văn hóa, hoạch định các chính sách về văn hóa...; còn hướng tới cung cấp lao động cho các cơ quan và tổ chức khác khi mở thêm 2 chuyên ngành Nghiên cứu văn hóa và Văn hóa Truyền thông.

Sinh viên ra trường có khả năng làm nhiều công tác khác với chuyên viện nghiệp vụ văn hóa hành chính như trước, ví dụ như làm phóng viên, biên tập viên, thông tín viên, bình luận viên, phát thanh viên, người sản xuất chương trình, người dẫn chương trình... của các chương trình văn hóa; Chuyên viên quan hệ công chúng, chuyên viên quảng cáo, cộng tác viên... hoặc cán bộ giảng dạy, cán bộ nghiên cứu về truyền thông...

  • Phạm Ly