Một phụ nữ đã phát triển khối cấu trúc giống chiếc mũi trên lưng của mình, 8 năm sau khi một liệu pháp tế bào gốc nhằm chữa trị chứng bại liệt của cô thất bại.


{keywords}
8 năm sau phẫu thuật cấy ghép tế bào gốc vào cột sống, bệnh nhân nữ người Mỹ đã mọc một khối cấu trúc giống mũi trên lưng của cô. Ảnh minh họa: CCTV

Tại bệnh viện Egas Moniz ở Lisbon, Bồ Đào Nha, một phụ nữ xin được giữ kín danh tính, công dân Mỹ đã trải qua phẫu thuật cấy ghép mô trích lấy từ mũi của cô vào xương sống. Các bác sĩ từng hy vọng, các tế bào cấy ghép sẽ phát triển thành những tế bào thần kinh và giúp sửa chữa tổn hại thần kinh đối với xương sống của cô.

Tuy nhiên, quá trình điều trị đã thất bại. Đặc biệt, đến năm ngoái, tức là 8 năm sau ca phẫu thuật cấy ghép tế bào gốc, bệnh nhân nữ, lúc đó 28 tuổi, bắt đầu bị các cơn đau ngày càng tăng hành hạ ở khu vực từng trải qua dao kéo.

Kết quả thăm khám tại bệnh viện hé lộ, "thủ phạm" gây khó chịu cho cô gái là một khối phát triển dài 3cm, vốn bao gồm chủ yếu là mô mũi cũng như các mẩu xương và nhánh thần kinh đã không kết nối với các dây thần kinh cột sống.

Chuyên gia phẫu thuật thần kinh Brian Dlouhy thuộc Bệnh viện Đại học Iowa ở thành phố Iowa, Mỹ, đã tiến hành phẫu thuật loại bỏ mũi mọc trên lưng cho cô gái nói trên. Ông cho biết, nó là khối u lành tính, nhưng đang tiết ra "một chất giống nước nhầy thải loại đặc sệt" - hiện tượng có thể gây ra đau đớn đối với cột sống của bệnh nhân.

Theo Jean Peduzzi-Nelson, một nhà nghiên cứu tế bào gốc thuộc Đại học Wayne (Michigan, Mỹ) đã tư vấn cho nhóm bác sĩ Bồ Đào Nha về kỹ thuật cấy ghép tế bào gốc điều trị bại liệt, hầu hết các bệnh nhân nhận mô mũi đều hồi phục đúng như dự kiến sau khi ca phẫu thuật của họ tiến triển tốt.

Bà Peduzzi-Nelson bộc bạch: "Tôi rất buồn lòng khi biết về sự cố bất lợi này (đối với cô gái Mỹ), dù tỉ lệ xảy ra vấn đề như vậy chỉ dưới 1%. Nhiều bệnh nhân trải qua quá trình điều trị cấy ghép mô mũi đã có sự hồi phục tuyệt vời".

Giáo sư Alexander Seifalian giải thích về kỹ thuật tế bào gốc. 

Năm 2010, các nhà nghiên cứu Lisbon đã công bố kết quả sử dụng phương pháp mới đối với 20 người bị bại liệt ở nhiều điểm khác nhau trên cột sống của họ. 11 người trong số này đã cho thấy sự hồi phục một phần về cử động và cảm giác, trong khi tình trạng liệt ở 1 người khác trở nên tồi tệ hơn, 1 người bị viêm màng não và 4 người khác trải qua các sự cố bất lợi nhỏ.

Do có khả năng biến thành nhiều loại tế bào khác trong cơ thể, nên các tế bào gốc được đông đảo giới nghiên cứu và y học xem là "một bộ đồ nghề sửa chữa" đối với cơ thể. Dù được tung hô là tương lai của ngành y - dược, khả năng biến thái và gia tăng của các tế bào gốc chứa đựng một đe dọa tiềm tàng. Chẳng hạn như, khi được cấy ghép vào người nào đó, chúng có thể biến thành các tế bào ung thư nguy hiểm.

Tuấn Anh (Theo New Scientist, Daily Mail)