- Ở Việt Nam, xu hướng mắc ung thư vú ở người trẻ có dấu hiệu tăng lên và ung thư vú ở Viêt Nam trẻ hơn so với các nước khác.  Cứ mỗi năm Việt Nam có khoảng 12.000 người được phát hiện mắc mới ung thư vú.

Sáng 14/12, tại Hà Nội đã diễn ra lễ ra mắt “Dự án phòng chống bệnh ung thư vú” với tên gọi “Vì phụ nữ, vì ngày mai” (We care for her) do Quỹ Hỗ trợ bệnh nhân ung thư - Ngày mai tươi sáng cùng Bộ Y tế tổ chức.

{keywords}

Đăng ký khám sàng lọc miễn phí ung thư vú tại lễ ra mắt

dự án (Ảnh: Cẩm Quyên)

Đây là chương trình đầu tiên trong cam kết đẩy lùi bệnh ung thư vú tại Việt Nam, được tiến hành trong 3 năm (từ 2013-2015). Ông Trần Văn Thuấn, Phó Giám đốc bệnh viện K, Phó chủ tịch Quỹ hỗ trợ bệnh nhân ung thư – Ngày mai tươi sáng cho biết dự kiến chương trình sẽ khám, sàng lọc cho khoảng 100.000 phụ nữ trong độ tuổi từ 40-54 trong thời gian 3 năm diễn ra dự án.

Trao đổi với báo chí tại lễ ra mắt, ông Thuấn cho biết phụ nữ tuổi càng cao thì nguy cơ mắc ung thư vú càng lớn song ở Việt Nam, xu hướng mắc ung thư vú ở người trẻ có dấu hiệu tăng lên và ung thư vú ở Viêt Nam trẻ hơn so với các nước khác (số bệnh nhân trong độ tuổi 35-40 tăng lên), có trường hợp phát hiện ung thư vú khi mới 22 tuổi và đang là sinh viên ĐH.

Nguyên nhân gây ra ung thư vú (cũng như các loại ung thư khác) vẫn đang tiếp tục được khoa học nghiên cứu song ông Thuấn cho biết có những yếu tố nguy cơ có thể nhận biết được.

“Những phụ nữ có tiền sử gia đình (mẹ, chị, em gái) từng mắc ung thư vú thì nguy cơ mắc ung thư vú cao hơn 6 lần so với người khác. Những người hút thuốc lá (thụ động hoặc chủ động), thừa cân, béo phì cũng có nguy cơ bị ung thư vú. Ngoài ra, những phụ nữ sử dụng thuốc tránh thai liên tục trong thời gian dài (trên 10 năm) thì nguy cơ mắc ung thư vú cao gấp 3 lần người khác”, ông Thuấn thông tin.

Ung thư vú là bệnh có thể chữa khỏi nếu được phát hiện sớm. Tuy nhiên tại Việt Nam, trên 70% người bệnh ung thư đến viện ở giai đoạn muộn nên tỷ lệ chữa khỏi bệnh thấp hơn so với các nước trên thế giới.

Trên thực tế 50% bệnh nhân ung thư có thể được cứu sống bằng các biện pháp điều trị đặc hiệu như phẫu thuật, xạ trị, hóa chất và kết hợp với các phương pháp điều trị khác như liệu pháp nội tiết tố, liệu pháp sinh học (điều trị nhắm trúng đích) nhưng điều đó không dễ dàng với những nước có thu nhập thấp và trung bình, trong đó có Việt Nam.

Mục đích của chương trình nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng trong việc phòng, phát hiện sớm ung thư vú; sàng lọc phát hiện sớm ung thư vú cho phụ nữ tại 5 thành phố lớn (Hà Nội, TP HCM, Huế, Đà Nẵng, Cần Thơ); Hỗ trợ và kết nối hoạt động của các Câu lạc bộ bệnh nhân ung thư vú; Nâng cao năng lực của nhân viên y tế các tuyến về chẩn đoán và điều trị ung thư vú nhằm giảm tỷ lệ tử vong, kéo dài thời gian sống cũng như cải thiện chất lượng cuộc sống cho các bệnh nhân.

Chương trình sẽ được triển khai qua 4 giai đoạn từ nay đến 2015.

 

Cẩm Quyên