Những cư dân trên đảo Trường Sa Lớn ngày một đông
Thời gian qua, thị trấn Trường Sa, xã Song Tử Tây và xã Sinh Tồn (huyện Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa) không ngừng được củng cố và phát triển cơ sở vật chất phục vụ cho đời sống kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng.
Toàn cảnh thị trấn Trường Sa lớn nhìn từ cột đèn hải đăng |
Bầu cử Đại biểu Quốc hội năm nay, lần đầu tiên đảo Trường Sa lớn bỏ phiếu cùng thời điểm với cả nước. Ngoài cử tri là quân dân trên huyện đảo Trường Sa thì 24 ngư dân đánh bắt trên vùng biển Trường Sa cũng vào đảo Trường Sa lớn để tham gia bỏ phiếu bầu cử.
Cùng với nỗ lực không ngừng của nhiều thế hệ, quân và dân huyện đảo Trường Sa đã trồng và phát triển được nhiều loài cây nước lợ, thậm chí gần đây có cả một số loài cây ăn trái, rau xanh mà trước kia vốn chỉ sinh trưởng ở đất liền. Từ một quần đảo không có sẵn các điều kiện tự nhiên thích hợp cho bất kỳ sự sống nào, bây giờ cây xanh ở các đảo đều trưởng thành và đầy sức sống trong nắng gió Biển Đông.
Bất cứ ai đến với Trường Sa hôm nay đều có cảm giác như đang đi giữa một thôn quê Việt Nam thuần hậu, yên bình, hiền hòa với tiếng chuông chùa, những hàng cây ngả bóng về chiều. Ở đó, cuộc sống đang sinh sôi, ngọt ngào cây trái, trong trẻo tiếng cười của trẻ thơ và nét mặt rạng ngời hạnh phúc của những người mẹ, người vợ trẻ.
Những cư dân trên đảo Trường Sa Lớn ngày một đông. Tình yêu hải đảo không chỉ dồi dào trong huyết quản của những ông bố, bà mẹ mà còn không ngừng lớn lên trong tâm thức của những đứa trẻ với quyết tâm “sau này cháu sẽ làm lính hải quân để bảo vệ biển, đảo của Tổ quốc”.
Đảo Trường Sa Đông bao trùm màu xanh của cây bàng vuông, vàng ta, phong ba, tra biển... Cây xanh không chỉ tạo bóng mát, che chắn gió từ biển vào, thêm ô-xy cho không khí môi trường trong lành bảo vệ sức khỏe quân dân trên đảo mà còn là tấm lá chắn vững vàng để ngụy trang trận địa. Màu xanh trên đảo tồn tại bao năm nay là thành quả và cũng là xương máu đã đổ xuống của các chiến sĩ từ xưa đến nay, lớp sau có tính kế thừa lớp trước.
“Trường Sa” – hai tiếng thiêng liêng và rất đỗi tự hào
Nơi biển đảo xa xôi, quân và dân trên đảo luôn đoàn kết, đồng lòng bảo vệ vững chắc chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Vượt qua mọi khó khăn, vất vả, cuộc sống thường ngày của đồng bào, chiến sỹ Trường Sa diễn ra thật yên bình, ấm áp, khẳng định bản lĩnh, nghị lực và sức vươn của người dân đất Việt.
“Trường Sa” – hai tiếng thiêng liêng và rất đỗi tự hào. Còn đảo, còn tàu, còn người, còn Tổ quốc; đảo là nhà, biển cả là quê hương; vững tay súng bảo vệ vững chắc biển đảo là nhiệm vụ được giao, tất cả vì Trường Sa thân yêu... những khẩu hiệu ấy không chỉ của cán bộ, chiến sĩ, nhân dân nơi đây mà còn là ý chí, quyết tâm của cả dân tộc bởi Trường Sa là một phần máu thịt không thể tách rời.
Nơi đây, biết bao thế hệ người Việt đã anh dũng chiến đấu, hy sinh tuổi xuân và xương máu, tô thắm truyền thống yêu nước, gìn giữ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Có người đã ví “mỗi người dân hải đảo là một ngọn hải đăng, là cột mốc chủ quyền lãnh hải”, bởi hàng ngày, hàng giờ họ vẫn bám biển, bám đảo, vững vàng trước những cơn sóng gió.
Trên mỗi hòn đảo của đất nước ta, tuy cách xa nhau về mặt địa lý, khác nhau về tập tục văn hóa, nhưng cuộc sống của những cư dân đảo có nét chung, ấy là sự bình yên và đang ngày càng phát triển. Hành trình đến với những nơi tiền tiêu của Tổ quốc không chỉ để ngắm nhìn diện mạo quê hương đất nước đổi thay, vươn mình phát triển mạnh mẽ, mà còn là cơ hội quý báu để khám phá dấu chân những người con đất Việt đã theo cha Lạc Long Quân xuống biển thuở nào. Qua mỗi nơi, ta càng thấy rõ hơn ý chí vững vàng, mối quan hệ đoàn kết gắn bó của quân và dân, chắc tay súng tay chèo cùng nhau bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.
Thúy Hồng
Ảnh: Thảo Hiền