Những ngày qua, sự việc chủ quán nướng Hiền Thiện (TP Bắc Ninh) bắt nữ thực khách quỳ gối để nhục mạ, phát trực tiếp trên mạng xã hội khiến nhiều người bức xúc.
Chủ quán này sau đó bị Công an TP Bắc Ninh khởi tố bị can, bắt tạm giam về hành vi Làm nhục người khác. Chính quyền địa phương cũng xử phạt người đàn ông số tiền 30,5 triệu đồng vì vi phạm về an toàn thực phẩm.
Hành động truyền nội dung trên Internet được tạo ra để người được tham gia, tương tác, giao lưu với các streamer. Tuy nhiên, việc nhiều cá nhân tìm mọi cách để có được nội dung độc, lạ, giật gân trên sóng trực tiếp, dù làm ảnh hưởng tới người khác hay vi phạm pháp luật, khiến trào lưu này trở nên lệch lạc.
Nhiều trường hợp livestream nội dung không phù hợp và không đúng lúc, đúng chỗ mang lại “cái kết đắng”.
Lạm dụng
Theo The Ludlow Group, giống hầu hết phương tiện truyền thông xã hội đang tồn tại, livestream cho thấy nhiều mặt trái.
Ai cũng có thể phát trực tiếp chỉ bằng một nút nhấn. Tuy nhiên, khi không hiểu rõ quyền và nghĩa vụ khi thực hiện các video này, người livestream có thể phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Tháng 2 năm ngoái, một gia đình bị phạt 5,5 triệu đồng vì thản nhiên trải bạt trên tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai ăn uống và livestream trên mạng xã hội. Chủ xe sau đó cũng bị tước bằng lái 2 tháng.
Tháng 12/2017, nhóm 10 thanh niên ở huyện Phù Ninh (Phú Thọ) bị công an bắt giữ vì dùng hung khí tự chế lên nút giao IC8 cao tốc Nội Bài - Lào Cai để chặn xe tải, taxi, xe khách nhằm xin tiền. Trước đó, nhóm này phát trực tiếp hành động cướp trắng trợn với lời lẽ khiêu khích và xem thường pháp luật.
Nhiều cá nhân tìm mọi cách để có được nội dung độc, lạ, giật gân trên sóng trực tiếp, dù làm ảnh hưởng tới người khác hay vi phạm pháp luật. Ảnh cắt từ clip. |
Đáng sợ hơn, nhiều người có ý đồ xấu còn sử dụng tính năng livestream như phương tiện để truyền đi nội dung đen tối như hành hung, cưỡng hiếp, giết người và tự tử trong thời gian thực.
Tháng 4/2016, một người đàn ông ở Thái Lan phát trực tiếp cảnh giết con gái thông qua Facebook, trước khi tắt camera và tự kết liễu mạng sống.
Cùng năm đó, sự việc Marina Alexeevna Lonina (khi đó 18 tuổi, ở bang Ohio, Mỹ) sử dụng Periscope - ứng dụng phát video trực tiếp của Mỹ - để livestream vụ cưỡng hiếp một người bạn cũng khiến dư luận kinh hoàng.
Người bào chữa cho Lonina nói rằng cô quay phim để ghi lại bằng chứng phạm tội. Tuy nhiên, công tố viên Ron O'Brien lại có cách giải thích khác với CNNMoney: “Cô ta bị cuốn vào những lượt like ảo trên mạng”.
Sau vụ việc này, Ari Ezra Waldman - chuyên gia luật và công nghệ, giảng viên Đại học Northeastern (Mỹ) - bình luận: “Xâm phạm quyền riêng tư của ai đó thông qua việc lạm dụng công nghệ không phải điều mới”.
Khi còn là giáo sư luật tại Trường Luật New York, Waldman từng thành lập Tyler Clementi Institute for CyberSafety - chương trình cung cấp sự giáo dục và tiếp cận pháp lý cho các nạn nhân bị quấy rối trên Internet.
Theo Waldman, tên chương trình được đặt theo một sinh viên - người đã tự tử vào năm 2010, khi mới 18 tuổi, sau khi bị bạn cùng phòng lén livestream cảnh nạn nhân quan hệ tình dục với một người đàn ông khác.
Waldman nhận định vụ án của Lonina “khiến chúng ta ớn lạnh vì ai đó có thể thản nhiên phát trực tiếp một vụ cưỡng hiếp thay vì làm gì đó để ngăn chặn. Hành động này cho thấy sự coi thường mạng sống của người khác”.
Tính chất tức thời và không thể đoán trước của livestream khiến việc kiểm soát loại hình truyền đạt thông tin trực tiếp này gần như là không thể. Ảnh: Facebook. |
Lonina đã livestrream cảnh cưỡng hiếp 8-10 phút, trước khi đội ngũ kiểm duyệt của Periscope phát hiện và gỡ bỏ nội dung này.
Một phát ngôn viên của Twitch - ứng dụng livestream của Mỹ - nói với CNNMoney rằng tất cả nền tảng phát trực tiếp đều gặp bất lực trong việc kiểm duyệt nội dung phản cảm, bạo lực.
Các công ty chủ yếu dựa vào báo cáo từ người dùng và đội ngũ kiểm duyệt nội bộ để loại bỏ, gắn cờ nội dung không phù hợp hoặc bất hợp pháp. Tuy nhiên, hành động này chưa bao giờ hiệu quả bởi tính chất tức thời và không thể đoán trước của livestream.
Mối nguy cho trẻ em
Theo nhiều chuyên gia, phát trực tiếp trên các nền tảng truyền thông xã hội hiện là một trong những loại hoạt động gây nghiện trên Internet. Trong đó, trẻ em đang dành nhiều thời gian để quay phim, xem và chia sẻ các clip ngắn.
Nhóm này cũng dễ trở thành đối tượng bị tổn thương, ảnh hưởng xấu bởi các nội dung spam, lừa đảo, bạo lực, khiêu dâm trên sóng livestream.
Cybertip.ca, một bộ phận của Trung tâm Bảo vệ Trẻ em Canada, gần đây cho biết có sự gia tăng 57% báo cáo về việc người lớn liên hệ với trẻ em 8-12 tuổi để gạ gẫm tham gia các hoạt động tình dục thông qua luồng phát trực tiếp.
Catherine Tabak, giám đốc chương trình của Cybertip.ca, cảnh báo người lớn đang sử dụng nhiều ứng dụng hoặc trò chơi có tính năng livestream để nhắm mục tiêu đến trẻ nhỏ.
Từ đó, trung tâm đưa ra khuyến cáo cho các bậc cha mẹ và người giám hộ của trẻ nhỏ để đảm bảo con em họ được an toàn trong môi trường online.
Theo đó, phụ huynh cần nói chuyện với con về những rủi ro khi phát trực tiếp, đồng thời giúp chúng cài đặt quyền riêng tư để có thể phê duyệt hoặc từ chối người theo dõi, hạn chế đối tượng xem nội dung. Người lớn thậm chí có thể tắt Wi-Fi để ngăn trẻ em livestream vào ban đêm.
Bên cạnh đó, Tabak cho biết điều quan trọng là trẻ em nên biết chúng có thể tìm kiếm sự giúp đỡ ở đâu khi gặp ai đó khiến chúng cảm thấy không thoải mái khi online.
Người lớn đang sử dụng nhiều ứng dụng hoặc trò chơi có tính năng livestream để nhắm mục tiêu đến trẻ nhỏ. Ảnh: Chicago Sun-Times. |
Năm ngoái, một nghiên cứu của Viện nghiên cứu Bắc Kinh (Trung Quốc) chỉ ra các bậc phụ huynh nên giám sát, hạn chế hoạt động truy cập Internet của con cái, thanh thiếu niên dưới 14 tuổi, đặc biệt là việc quay phim và theo dõi các video phát trực tiếp.
Lý giải việc trẻ em yêu thích livestream, nhóm nghiên cứu trích dẫn câu chuyện một cậu bé 12 tuổi nói rằng cha mẹ rất nghiêm khắc, hiếm khi cho phép em chơi bên ngoài. Tuy nhiên, thông qua phát trực tiếp, cậu bé này có thể cập nhật xu hướng và chơi các trò chơi online khiến bản thân cảm thấy được kết nối với bạn bè.
Nhóm tác giả khuyên phụ huynh dành nhiều thời gian chất lượng hơn cho con cái, đảm bảo chúng có trải nghiệm phong phú và hài lòng với cuộc sống bên ngoài. Điều này giúp ngăn chặn việc trẻ em tìm kiếm hạnh phúc ngắn hạn trong thế giới ảo, mà về lâu dài có thể dẫn đến chứng nghiện Internet.
Trung tâm nghiên cứu và trợ giúp pháp lý cho trẻ em Bắc Kinh đề nghị chính quyền tăng cường nỗ lực để ngăn chặn trẻ em chưa đủ tuổi đăng ký vào các nền tảng phát trực tiếp. Ngoài ra, theo đơn vị này, các doanh nghiệp Internet cũng cần đưa ra biện pháp để ngăn chặn trẻ em sử dụng tài khoản của cha mẹ.
(Theo Zing)
Trung Quốc chính thức công nhận bán hàng livestream là một nghề
Trung Quốc vừa công bố danh sách nghề nghiệp mới được công nhận, trong đó bán hàng qua livestream và kỹ sư blockchain.