"Trở về trong giấc mơ"  nói về mối tình đẫm nước mắt của liệt sĩ Trần Minh Tiến và Vũ Lưu Liên. Họ là một đôi trai tài - gái sắc nổi tiếng một thời ở thị xã Hà Đông xưa.

Cuốn nhật ký chiến trường "Trở về trong giấc mơ" do Đại tá, nhà văn Đặng Vương Hưng sưu tầm, biên soạn và giới thiệu, NXB Hội Nhà văn ấn hành lần đầu tiên năm 2005, vừa được VTV đưa vào chương trình "Giai điệu tự hào" số tháng 6/2016, với chủ đề "Những trang viết còn lại". Một cuốn sách khi ra đời cách đây hơn chục năm đã làm thổn thức bao trái tim của người đọc, nay lại được hình ảnh hoá bằng những bài hát đã đi cùng năm tháng, VietNamNet có buổi trò chuyện cùng nhà văn Đặng Vương Hưng để biết thêm về "Những trang viết còn lại" này.

{keywords}

"Trở về trong giấc mơ" - một mối tình đẫm nước mắt mà anh đã 'khai quật được' trong hàng ngàn những bức thư thời chiến mà anh thu thập được?

"Trở về trong giấc mơ"  nói về mối tình của liệt sĩ Trần Minh Tiến và Vũ Lưu Liên. Họ là một đôi trai tài - gái sắc nổi tiếng một thời ở thị xã Hà Đông xưa. Cuốn sách này lần đầu tôi xuất bản năm 2005. Chính chị Lưu Liên là người đã tự đưa tư liệu cho tôi. Mối tình của họ đúng là đẫm nước mắt, thế nhưng sau 50 năm, giờ lại được VTV kể lại thật xúc động trong “Giai điệu tự hào” thông qua bài hát "Ngày mai anh lên đường", tôi thấy thật xúc động.

Tôi nói, mối tình của họ đẫm nước mắt là bởi, họ không "môn đăng hộ đối", mà ngày xưa, điều này là các cụ nhà ta rất coi trọng. Trần Minh Tiến sinh năm 1945, trong một gia đình dân nghèo nhất nhì thị xã Hà Đông. Cả gia đình anh gồm 4 người phải sống trong căn nhà chặt hẹp 10m2. Cha của Tiến đau yếu luôn, một mình mẹ mở hàng nước và gánh cơm bình dân xoay sở qua ngày. Để phụ giúp mẹ, cậu bé Tiến đã phải đi bán kem, làm thuê... tự mua sách vở và kiếm sống.

Bù lại, Tiến học giỏi và đặc biệt cậu bé rất có năng khiếu văn nghệ - thể thao. Khi còn là một cậu học sinh cấp hai, Tiến đã nổi tiếng là hát hay và là một hậu vệ xuất sắc, "linh hồn" của đội bóng Trường phổ thông Lê Hồng Phong.

Những năm đầu thập kỷ 60 của thế kỷ trước, đội bóng này từng “làm mưa làm gió” không chỉ ở thị xã Hà Đông mà còn ở cả Hà Nội. Cũng chính từ đội bóng này đã cung cấp một lứa cầu thủ giỏi cho đội tuyển bóng đá của tỉnh Hà Tây thời đó. Nhiều người sau này đã thành danh, mà tiêu biểu như ông Nguyễn Văn Thành (nguyên là Huấn luyện viên Đội tuyển U17 Việt Nam) và ông Lê Thụy Hải (Từng là Trợ lý cho ông A. Riedl - Huấn luyện viên trưởng Đội tuyển U23 Việt Nam)...

Còn chị là Vũ Thị Lui (thường gọi là Lưu Liên), ít hơn anh một tuổi. Chữ “Lui” là dựa theo phiên âm “Lu-i” - tên một vị vua của nước Pháp - do người cha yêu mến cô con gái rượu đặt cho. Ông có kiến thức Tây học, từng là một nhà tư sản giàu có tiếng ở thị xã Hà Đông. Thời trẻ, chị Lưu Liên là một cô gái chẳng những thông minh, xinh đẹp mà còn múa giỏi và hát hay có tiếng. Chính vì thế, trong những năm đầu của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, mặc dù đã được biên chế là cán bộ kế toán của Xí nghiệp Ươm tơ huyện Hoài Đức, nhưng chị Lưu Liên vẫn thường xuyên được làm diễn viên của Đoàn Văn công Xung kích tỉnh Hà Tây.

Hai người có rất nhiều kỷ niệm đẹp gắn liền với tuổi học trò trong sáng. Theo hồi ức của chị Lưu Liên thì mỗi lần Trần Minh Tiến đi đá bóng giao lưu với đội bóng trường khác, chị phải viện lý do để trốn nhà đi cổ vũ. Còn khi chị biểu diễn văn nghệ, Trần Minh Tiến lại tìm cách trở thành khán giả ngồi ngay ở hàng ghế đầu tiên. Cứ thế, thời phổ thông hai người quấn quýt lấy nhau. Gia đình bà Lưu Liên cố ngăn cấm nhưng bạn bè cùng trang lứa lại rất ngưỡng mộ và vun đắp cho hai người.

{keywords}
Liệt sĩ Trần Minh Tiến và cô Lưu Liên lúc trẻ - bây giờ

Đọc "Trở về trong giấc mơ" có những điều mà thực sự trùng hợp, không thể giải thích được bằng khoa học?

Đúng, Trần Minh Tiến đã ghi chép nhật ký rất nhiều trong khoảng thời gian mới nhập ngũ và nhất là giai đoạn hành quân đi B. Nhưng rất tiếc, những cuốn sổ tay của anh đã bị thất lạc cùng ba lô di vật, sau khi anh hy sinh. Những trang nhật ký có trong cuốn sách “Trở về trong giấc mơ”  chỉ mở ra từ ngày 21-11-1966 và khép lại vào ngày 24-11-1967 (trừ một số ít trang viết thêm vào ngày 14-3-1968). Đấy là khoảng thời gian đơn vị của anh Tiến làm nhiệm vụ huấn luyện tại Vĩnh Yên - Tam Đảo. Trước khi hành quân vào chiến trường miền Nam, anh đã gửi những cuốn sổ tay đã viết về nhà cho người yêu cất giữ.

Chị Lưu Liên cũng vậy, anh Tiến đi ngày nào, chị ở nhà viết nhật ký ngày đó, mà có điều lạ, dù cách nhau xa như vậy nhưng mà những trang viết của chị với anh lại trùng khớp nhau đến kỳ lạ. Ngay cả cái đêm anh Tiến hy sinh, chị Lưu Liên cũng đã cảm nhận được điều đó và viết vào nhật ký. Hôm sau, chị được báo tin anh hy sinh thật. Đúng là có những chỗ ta không giải thích được bằng khoa học, đành tin vào tâm linh vậy.

Một cuốn sách khi ra đời cách đây hơn chục năm đã làm thổn thức bao trái tim của người đọc, nay lại được hình ảnh hoá bằng những bài hát đã đi cùng năm tháng. Lấy câu chuyện của một người cụ thể, minh họa cho một bài hát khác có bị khiên cưỡng quá không thưa anh?

Không có gì là khiên cưỡng bạn ạ. Mỗi bài hát sau khi được cất lên, nó không còn là của riêng tác giả, mà đã thành một phần ký ức của người nghe, sống cùng họ qua năm tháng. Khi MC Diễm Quỳnh có tìm tới tôi và xin ý kiến, tôi đã không ngần ngại mà đưa ra tư liệu mà mình có được. Việc làm sống dậy những trang viết xưa cũ bằng âm nhạc là điều tuyệt vời. Và chúng tôi đã tìm thấy những mảnh ký ức ấy trong những trang nhật ký bạc màu, những dòng hồi ký âm nhạc, những bức thư gửi từ hàng chục năm về trước… Khi nghe "Cuộc đời vẫn đẹp sao" với phần minh họa trong bài hát, chị Lưu Liên - có mặt trong trường quay chương trình "Giai điệu tự hào" đã bật khóc. Chị quay sang nói với chồng mình - anh Vũ Hùng rằng "Cô gái đó chính là em đó, họ đã kể lại câu chuyện của chúng em bằng âm nhạc".

Cảm ơn anh về chia sẻ!

T.Lê