Được bảo quản, gìn giữ và trưng bày từ năm 1976 đến nay cùng với nhiều cổ vật, hiện vật khác, chiếc máy cày được đặt tại vị trí trang trọng trong khuôn viên Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa, thu hút nhiều người tới thăm.

Ông Trịnh Đình Dương, Giám đốc Bảo tàng cho biết, Thanh Hóa tự hào là một trong những địa phương đã vinh dự được đón Bác Hồ về thăm nhiều lần. 

W-a1hhhhhhhhhhhhhhh.jpg
Hơn 60 năm qua, chiếc máy cày Bác Hồ tặng nhân dân Thanh Hóa vẫn được gìn giữ cẩn thận

Trong những lần về Thanh Hóa, Bác đã đi thăm một số nơi trong tỉnh, trong đó có hợp tác xã nông nghiệp Yên Trường (huyện Yên Định), vào ngày 11/12/1961.

Trong những năm đầu xây dựng chủ nghĩa xã hội, Yên Trường là một trong những xã lá cờ đầu trong sản xuất nông nghiệp của huyện và tỉnh. Trong lần về thăm này, Bác gặp gỡ nói chuyện thân mật với các lãnh đạo xã, bà con nông dân. Bác thưởng huy hiệu có in hình của Bác cho những nông dân tích cực sản xuất và đạt năng suất cao như cụ Bồng, cô An, chú Minh…

W-a2hhhhhhhhhhhhhhhhh.jpg
Chiếc máy cày vẫn còn nguyên vẹn theo thời gian
W-a3hhhhhhhhhhhh.jpg
Ngoài chức năng máy cày, đây còn là đầu kéo rơ-moóc
W-a4hhhhhhhhhhhhh.jpg
Trục bánh lái đã hoen gỉ

Nhắc nhở bà con thi đua sản xuất và tiết kiệm, Bác cổ vũ nông dân nêu cao tinh thần làm chủ tập thể, coi "hợp tác xã là nhà, xã viên là chủ", ra sức thi đua xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Tháng 2/1962, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Yên Trường vinh dự được Bác Hồ gửi tặng chiếc máy cày vạn năng mang nhãn hiệu DT24, trên thân máy có dòng chữ ZETOR 6711C, do Ba Lan chế tạo và tặng Bác.

Chiếc máy cày được Đại sứ Ba Lan mang về trao tận tay cho bà con nhân dân tại sân vận động xã. Máy có công suất 25 mã lực, được sử dụng để khai hoang, cải tạo đồng ruộng và kéo rơ-moóc vận chuyển lương thực, hàng hóa phục vụ cho nhân dân trong vùng.

W-a5hhhhhhhhhhhhhh.jpg
Phần đầu máy nhìn rất thô sơ
W-a6hhhhhhhhhhhhhhh.jpg
La-zăng của bánh sau máy cày
W-a7hhhhhhhhhhhhhh.jpg
Lốp vẫn còn nguyên bản

Theo ông Dương, để lái máy cày này, lúc ấy, hợp tác xã đã cử ông Lê Văn Cận (nguyên là Phó chủ tịch UBND huyện) đi học lái để về phục vụ bà con xã viên.

Ngày đầu tiên máy cày đi vào hoạt động, ông Cận mặc bộ quần áo công nhân mới tinh, trang trọng ngồi trước vô lăng, thao tác những đường cày làm lật tung lớp đất theo hàng lối thẳng tắp. Hàng vạn người dân phấn khởi, hò reo vang lên, đánh dấu sự khởi đầu mới trong sản xuất nông nghiệp của nhân dân xã Yên Trường.

“Xây dựng chủ nghĩa xã hội là làm cho toàn dân, già, trẻ, gái, trai được ăn no, mặc ấm, được học hành và làm cho đời sống được hoàn toàn đầy đủ, sung sướng, hạnh phúc”, Bác nói lúc bấy giờ.

Nhận thức được ý nghĩa của món quà đó, Đảng bộ và nhân dân xã Yên Trường đã cùng nhau đoàn kết, quyết tâm khắc phục khó khăn và lập được nhiều thành tích trên các lĩnh vực, được Nhà nước tặng thưởng huân chương Lao động hạng nhất, 2 huân chương Lao động hạng nhì…