Mùa hè này, Mông Cổ sẽ đón một số quốc gia đến nhằm củng cố hợp tác quốc tế và tăng cường sáng kiến gìn giữ hòa bình. Các cuộc tập trận này được gọi là "Khaan Quest", được tổ chức thường niên kể từ năm 2003. Ban đầu, sáng kiến này nhằm thúc đẩy hợp tác khu vực để chống khủng bố.
Tuy nhiên, danh sách khách mời đã tăng lên đáng kể trong những năm vừa qua, và không lâu nữa đó sẽ là một tập hợp của các quốc gia G-8 và các đồng minh khu vực.
"Khaan Quest" lâu nay vẫn có sự tham gia của cả các quốc gia châu Á và phương Tây chứ không chỉ đơn thuần kiểu "Mông Cổ và những người bạn". Năm nay, cuộc tập trận sẽ có sự hiện diện của Trung Quốc và Ấn Độ cũng như các quốc gia đang phát triển như Việt Nam và Campuchia.
Quan hệ Trung Quốc - Mông Cổ có sự cải thiện đáng kể về cả chính trị và kinh tế từ khi Tổng thống Tsakhia Elbegdorj lên lãnh đạo. Tuy vậy, hợp tác quốc phòng và an ninh với Trung Quốc vẫn là một vấn đề nhạy cảm với Mông Cổ.
Sự tham dự của Trung Quốc tại "Khaan Quest" và các tham vấn quốc phòng hàng năm với Ulan Bator đã làm chuyển hướng các cảm giác này. Trung Quốc nhận ra Mỹ và NATO đang can dự nhiều hơn tại Mông Cổ và có những lo ngại nhất định.
Ấn Độ cũng rất quan tâm tới việc tăng cường quan hệ chiến lược với Mông Cổ. Các nền tảng cơ bản của mối quan hệ này nằm ở chỗ Ấn Độ mong muốn tiếp cận các mỏ tài nguyên khoáng sản trù phú của Mông Cổ. Đổi lại, Ulan Bator lại mong muốn thâm nhập vào thị trường rộng lớn của Ấn Độ.
Việc bọc lót các lợi ích chung này chính là chiến lược cấp thiết cho cả đôi bên nhằm phản ứng với sự trỗi dậy của Trung Quốc trong khu vực. Ấn Độ và Mông Cổ đều cam kết gửi đại diện quân đội của họ tới hai nước để học hỏi các kinh nghiệm xuất sắc trong hoạt động chống khủng bố và gìn giữ hòa bình.
Tuy nhiên, trong khi các cường quốc châu Á trở nên hào hứng hơn với Khaan Quest, thì đó cũng là một vũ đài để Mông Cổ thể hiện quan hệ chiến lược với Mỹ và NATO.
Hồi đầu năm nay, NATO đã thông qua Chương trình Hợp tác và Đối tác Cá nhân với Mông Cổ để hình thành nên mối quan hệ đã rất rực rỡ trong thập kỷ trước đó.
Hợp tác giữa hai bên được kỳ vọng là sẽ tập trung vào việc xây dựng tiềm lực cho MAF cũng như cải thiện khả năng tác chiến với quân đội NATO. Mông Cổ đã cải thiện quan hệ với NATO một cách vững chắc thông qua cam kết gửi quân đội tham dự cuộc xung đột tại Kosovo và các nỗ lực hiện nay tại Afghanistan.
Hiện nay, có hơn 100 binh sĩ MAF đang phục vụ tại chiến trường Afghanistan trong khuôn khổ của Lực lượng Hỗ trợ An ninh Quốc tế. Mông Cổ cũng cam kết gửi quân thực hiện các sứ mệnh của NATO tại Kosovo từ năm 2005-2007.
- Lê Thu (theo Diplomat)