Nửa thế kỷ trước, Sài Gòn xưa có 5 "Kỳ nữ". "Kỳ" mang nghĩa đặc biệt, xuất chúng, ở đây chỉ 5 người phụ nữ tài danh của nền nghệ thuật miền Nam một thuở: Thẩm Thúy Hằng, Thanh Nga, Kim Cương, Kiều Chinh và Mộng Tuyền.

Người đầu tiên trong 5 "Kỳ nữ" qua đời là cố NSƯT, "Nữ hoàng sân khấu" Thanh Nga. Người thứ hai vừa mất cách đây không lâu: minh tinh Thẩm Thúy Hằng. Trong khi đó, Kim Cương vẫn sống trong ngôi nhà cũ ở TP.HCM còn Kiều Chinh định cư Mỹ.

"Kỳ nữ" Mộng Tuyền tuổi 75.

Tôi đã hiến xác cho y học

- Khán giả luôn ca tụng về giai thoại 5 "Kỳ nữ" của Sài Gòn xưa nhưng Mộng Tuyền dường như ít được quan tâm hơn so với Thẩm Thúy Hằng, Thanh Nga, Kim Cương và Kiều Chinh, bà nghĩ sao?

Tôi không buồn, điều đó hợp lý mà! Tôi vào nghề sớm, cống hiến và đoạt nhiều giải thưởng từ trẻ, có lẽ đã làm tròn trách nhiệm với nghề. Năm 1983 đoạt giải Bông Sen Vàng, một năm sau đó tôi đã rời Việt Nam. Vì thế, nhiều người bây giờ không còn nhớ Mộng Tuyền là ai cũng đúng. Một nghệ sĩ không còn cống hiến cho nghề vẫn muốn người ta nhớ, quan tâm đến mình thì không hợp lý.   

- Nghe nói bà định cư Pháp, lần về Việt Nam này nhằm tham gia dự án nào?

Tôi từng mở một cửa hàng bán quần áo và quà lưu niệm để sống ở Pháp trong khoảng 20 năm. Sau đó, tôi sang Úc sống cùng các em, thường xuyên về Việt Nam. Tôi về Việt Nam tổng cộng 68 lần. Lần nào về, tôi cũng đến những vùng sâu, vùng xa hát phục vụ bà con và lấy tiền túi gửi họ. Cuộc sống bình yên, không quá bận rộn. Nhận ra không nơi đâu bằng quê nhà, tôi đã bán nhà ở Pháp. 

Hiện tại, tôi dọn hẳn về Việt Nam sống hết quãng đời ngắn ngủi còn lại. Tôi chỉ giữ lại quốc tịch Pháp vì biết ơn quốc gia đã cưu mang, dạy tôi nhiều điều trong cuộc sống. 

- Cuộc sống của bà ở Việt Nam thế nào?

Tôi sống một mình cùng một cô giúp việc. Cuộc sống rất bình thường, không giàu cũng không nghèo, chỉ đủ cơm no áo ấm. Tôi có một khách sạn nho nhỏ cho người ta thuê làm. 

Tôi tập thể dục thể dục mỗi ngày, thích tự mình đi chợ, nấu ăn. Tôi quan tâm các tiểu thương nghèo, nếu ai khó khăn sẽ cho họ một ít tiền vốn để buôn bán. 

Thỉnh thoảng, tôi có gặp gỡ đồng nghiệp trong các buổi họp mặt. Ai gọi điện hỏi thăm tôi sẽ quan tâm lại họ. Tôi thường tìm các nghệ sĩ cải lương nghèo khó để giúp đỡ họ. 

Ơn Chúa, sức khỏe tôi vẫn tốt. Kết quả khám sức khỏe của tôi không đường máu, mỡ máu gì cả, tim gan đều ổn. Tôi đang bị cảm lạnh do hôm rồi tắm sớm lúc 4 giờ sáng ở Đà Lạt. Tuổi 75 vẫn vô tư vậy đó. 

Nhan sắc "Hoa hậu cải lương Sài Gòn" một thuở.

- Tuổi 75 sống một mình, ngộ nhỡ bà có chuyện gì xảy ra...?

Tuổi này rồi, tôi có ra đi ngay bây giờ cũng bình thường. Tôi đã ký vào đơn hiến xác cho y học. Hy vọng từ đây đến lúc ra đi, tôi vẫn giữ được cơ thể khỏe mạnh để đóng góp cho các nhà nghiên cứu. Nếu chẳng may đau bệnh hư hại các bộ phận, tôi có nhắn người xung quanh mang tôi đi thiêu, lấy tro rải sông. 

Con người ta chết đi ắt có người lo, quan trọng là bạn sống thế nào. Tôi quan niệm phải sống sao cho xứng đáng, biết yêu thương và chia sẻ. Một điều tôi tự hào là không bao giờ có ý định làm ai tổn thương, buồn lòng. Dĩ nhiên, nếu tôi có vô tình làm ai buồn thì xin được thứ lỗi. 

- Vì sao bà sống quá kín đáo, rất khó liên hệ được suốt những năm qua?

Vì tôi không hoạt động nghệ thuật nữa. Tôi luôn cầu Chúa cho mình sức khỏe để trả ơn khán giả đã nuôi sống tôi và gia đình, trả ơn nghề vì tôi còn yêu nó rất nhiều. 

Dù vậy, tôi già từng tuổi này không dám lên sân khấu nữa. Sân khấu bây giờ dành cho các em ngày nay. Họ cũng yêu nghề, chịu thương chịu khó như tôi năm xưa vậy. Tôi có đến đó cũng chỉ làm phiền mọi người. 

Mỗi người có phần số của mình. Tôi học nghề năm 8 tuổi, lên sân khấu năm 10 tuổi và đoạt giải Thanh Tâm năm 15 tuổi. Vì vậy, về phần mình, tôi thấy đủ rồi.

Tôi vẫn thèm ca diễn lắm, mỗi lần xem đồng nghiệp ca, diễn là mủi lòng. Nếu có kiếp sau, tôi vẫn muốn làm nghệ sĩ. Nghề này không giàu nhưng cho tôi được mọi người thương mến, cái ơn đó rất nặng (khóc). 

Hiện tại, tôi chỉ nhận hát ở các chương trình từ thiện, vì cộng đồng hoặc phi lợi nhuận. Tôi không hát ở chương trình thương mại nữa. Tôi đang trả nợ khán giả mà, sao lại lấy tiền của họ nữa? 

Mộng Tuyền nhiều lần xúc động mạnh.

Không muốn các con ở bên mình

- Bí quyết để trẻ lâu của bà là gì?

Tôi không dao kéo hay tiêm gì lên mặt mình cả. Nếu tôi thật sự trông trẻ như bạn nói, bí quyết của tôi là sống vui, không buồn phiền ai, không để bụng điều gì. Khi không cau có, bạn sẽ lâu già hơn. Bên cạnh đó, xin đừng quên thể dục thể thao và "thể dục" tinh thần như đọc sách, nghe nhạc,... 

- Minh tinh Thẩm Thúy Hằng một đời biểu tượng nhan sắc, cuối đời bị đàm tiếu rất ác ý về ngoại hình, bà thấy đời nghệ sĩ có bạc? 

Nên người ta mới gọi là "thế gian", có ai nói "thế ngay" bao giờ đâu! (cười) Nói vui một chút thôi, tôi nghĩ đây không là chuyện của riêng nghề nào. Bạn là luật sư hay bác sĩ, nếu làm không đúng ý người khác vẫn bị nói ra nói vào như thường. 

Chính vì là nghệ sĩ, tôi không bận tâm, xem những lời đó là lẽ thường. Người đời còn quan tâm mới bàn tán. Lỡ một mai tôi nằm ngoài đường mà không ai quan tâm nữa mới đáng buồn. 

- Nhìn lại cuộc đời dài của mình, bà thấy gì?

Đó là một cuộc đời viên mãn. Đi qua 3 cuộc hôn nhân, tôi không oán trách ai mà xem là lỗi của mình. Có thể tôi chưa tốt hoặc không còn phù hợp với người ta nữa. Vậy thì chia tay thôi, sao phải cầm tù nhau?

Có người nói tôi bất hạnh, có người nói "hồng nhan bạc phận" nhưng tôi ngẫm lại "hồng nhan bạc triệu" thì đúng hơn! (cười) Ai mặc cảm sẽ thấy bất hạnh, tôi thấy vui vì vẫn được người ta yêu. Chính vì được yêu, tôi mới có hôn nhân lần 2, lần 3 đó chứ! Tôi may mắn quá rồi, không còn gì tiếc rẻ. 

Mộng Tuyền phúc hậu khi đứng tuổi.

- Theo bà, tuổi già nên chăng cần các con sống bên cạnh mình?

Mọi người đều hỏi tôi câu này. Nếu một người sống cả đời phải dựa dẫm vào người khác, đó mới là bất hạnh. Tôi đã lo cho ba mẹ yên nghỉ, lo cho các em thành đạt, đó là tròn bổn phận với gia đình. Tôi chỉ chưa trả ơn hết với xã hội đã nuôi sống mình. 

Vì vậy, tôi không muốn bắt các con ở cạnh mình để sống dựa vào chúng. Giả dụ tôi xui rủi bị té, nếu có các con ở bên, chúng sẽ đưa tôi vào bệnh viện cứu chữa kịp thời.

Nhưng sau đó thì sao? Tôi cũng chỉ sống thêm vài năm nữa thôi mà. Chuyện đó không đáng để bắt các con ở bên cạnh chăm lo mình. Người ta có câu Nước mắt chảy xuôi. Nếu vì mình mà bắt con cái ở bên chăm sóc, tôi xót lắm, không chịu được.

Nhà tôi có một cô giúp việc. Nếu cô ấy giúp tôi lau chùi nhà cửa tôi vẫn tự giặt giũ, chùi toilet,... Tôi trả tiền công không ít nhưng chưa bao giờ để cô ấy phải làm hết mọi việc cho mình. Nếu không như vậy, làm sao cô ấy thương, chịu ở với bà già như tôi.

Tuổi này, tôi cầu sức khỏe để làm từ thiện, gặp bạn bè. Nếu được, xin cho tôi ra đi trong giấc ngủ như chị Thẩm Thúy Hằng là hết sức phúc đức. Tôi cũng thường cầu Thiên Chúa ban hồng ân cho mọi người, không để ai phải sống trong đau khổ.