Hơn một năm qua, ông Huỳnh Anh Kiệt (50 tuổi), nguyên Phó Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Cà Mau, chủ yếu đến cơ quan để uống trà nhưng vẫn hưởng lương đều đều.

Ngày 23/12, PV tiếp xúc với ông Kiệt tại phòng làm việc của ông. Ông Kiệt thừa nhận là ông không còn là phó giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Cà Mau kể từ năm 2013 đến nay. Lý do, khi đó ông hết nhiệm kỳ nhưng không được bổ nhiệm lại.

Vậy hiện ông được phân công nhiệm vụ, làm những công việc cụ thể gì? Ông Kiệt trả lời: “Năm trước tôi cũng làm được vài việc giúp phòng này, phòng nọ nhưng khoảng một năm nay thì gần như không được phân công gì, chỉ làm việc lặt vặt thôi”.

Một số cán bộ Sở Nội vụ cho biết từ năm 2013 đến nay, gần như ông Kiệt không có việc gì để làm. Tuy vậy, hằng ngày ông Kiệt vẫn đến cơ quan đúng giờ, hết giờ mới về. Nhiều người dân, đơn vị có việc đến Sở Nội vụ không biết chuyện vẫn cứ nghĩ ông Kiệt vẫn đương chức vì cửa phòng hiện vẫn treo bảng “Phó giám đốc Huỳnh Anh Kiệt”. Trả lời Pháp Luật TP.HCM, ông Nguyễn Quốc Hận, Giám đốc sở này, cho biết có giao cho ông việc “phụ trách công việc của hội”.

{keywords}

Phòng của ông Kiệt vẫn giữ bảng phó giám đốc Sở Nội vụ. Ảnh: Trần Vũ

PV tiếp tục thắc mắc với ông Kiệt, cụ thể “công việc hội” là gì thì ông Kiệt nói: “Sở có chức năng quản lý việc tổ chức các hội. Khi nào các phòng phụ trách trực tiếp gặp khó khăn gì thì hỏi tôi”. Vậy ông có tư vấn hay chỉ dẫn vụ việc nào cụ thể chưa, ông Kiệt cười và trả lời: “Chưa”.

Theo tìm hiểu, sở dĩ ông Kiệt ở trong tình cảnh như trên vì các đảng viên trong chi bộ ông Kiệt cho rằng những sai phạm trước đây của ông Kiệt chưa được kết luận và xử lý rõ ràng. Thế là vào tháng 2/2013, khi cơ quan lấy ý kiến làm quy trình bổ nhiệm lại chức vụ phó giám đốc sở cho ông Kiệt thì nhiều người không đồng tình.

Sự việc kéo dài đến tháng 3/2015, ông Kiệt vẫn không khắc phục các thiếu sót nên bị kỷ luật khiển trách. Theo quy định, ông Kiệt phải tiếp tục chờ hết hạn kỷ luật (sau tháng 3/2016) thì mới đủ điều kiện để tổ chức phân công nhiệm vụ mới. Ông Kiệt tiếp tục lâm vào cảnh “ở không xong, đi thì không biết đến đâu” như trên.

Được biết trong các năm 2011, 2012, Ủy ban Kiểm tra (UBKT) Tỉnh ủy kết luận và thông báo các dấu hiệu sai phạm của ông Kiệt đến Đảng ủy Sở Nội vụ. Đảng ủy sở này cho rằng kết luận chưa rõ ràng nên nhiều lần kiến nghị làm rõ để có cơ sở thực hiện các công việc liên quan đến công tác cán bộ đối với ông Kiệt. Song đến nay qua nhiều lần trao đổi thì sự việc vẫn chưa có kết quả cuối cùng.

Theo ông Nguyễn Quốc Hận, vấn đề kiểm tra đảng viên thuộc thẩm quyền của UBKT Tỉnh ủy nên ông không trả lời được. PV liên hệ với lãnh đạo UBKT Tỉnh ủy thì được cáo bận và hẹn lại ngày khác nhưng không nói rõ ngày nào.

Năm 2007, ông Kiệt nhờ em ruột làm chủ tịch xã Quách Phẩm (huyện Đầm Dơi) xác nhận các giấy tờ nhằm hợp thức hóa hồ sơ làm bến đò ngang. Bến đò này đang có tranh chấp song ông Kiệt vẫn đăng ký rồi cho thuê. UBKT Tỉnh ủy kết luận việc này vi phạm các quy định về quản lý bến bãi của Bộ GTVT nhưng hành vi này chưa đến mức kỷ luật.

Nhiều đảng viên của Sở Nội vụ cho rằng việc UBKT Tỉnh ủy kiểm tra dấu hiệu sai phạm của đảng viên thì phải chỉ ra ông Kiệt đã thiếu sót, sai phạm các quy định nào của đảng chứ không phải dựa vào quy định của Bộ GTVT. Ngoài ra, tập thể cho rằng các dấu hiệu sai phạm khác của ông Kiệt như tự ý vận động tập cho học sinh, có mức lương cao bất thường vẫn chưa được làm rõ…

Theo Pháp luật TP.HCM