Tháng 10/2020, một nhóm các nhà khoa học đã đến biệt thự ở Los Altos Hills của Yuri Milner – tỷ phú người Israel gốc Nga, để tham gia thảo luận về chủ đề công nghệ tái lập trình tế bào. Buổi gặp mặt này chính là tiền đề cho sự thành lập của Altos Labs, một công ty đầy triển vọng chuyên nghiên cứu phương pháp chống lão hóa.
Theo một số người thân cận với Altos, công ty hiện được nhiều nhà đầu tư có tiếng rót vốn, bao gồm cả tỷ phú giàu nhất thế giới Jeff Bezos. Ông chủ của Amazon nổi tiếng là một người rất ưa đầu tư mạo hiểm, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ sinh học. Với tiềm năng to lớn, Altos chắc chắn không nằm ngoài mắt xanh của vị tỷ phú này.
Công ty mới này đang xây dựng một loạt viện nghiên cứu và tuyển dụng một lượng lớn các nhà khoa học đầu ngành cùng mức đãi ngộ khổng lồ. Altos được cho là đã hứa hẹn với các nhà khoa học rằng họ có thể tự do nghiên cứu về công nghệ đảo ngược tiến trình lão hóa mà không lo bị cản trở bởi bất cứ điều gì.
Hiện nay, Altos đang theo đuổi công nghệ tái lập trình sinh học, một phương pháp được cho là có khả năng trẻ hóa các tế bào được nghiên cứu trong phòng thí nghiệm. Xa hơn, một số nhà khoa học còn kỳ vọng rằng công nghệ này có thể được mở rộng để hồi sinh toàn bộ cơ thể động vật, và cuối cùng là giúp kéo dài tuổi thọ con người.
Quy tụ những chuyên gia đầu ngành
Altos có nhiều nét khá tương đồng với Calico Labs, một công ty lâu đời được Larry Page, người đồng sáng lập của Google, thành lập vào năm 2013. Calico và Altos đều có điểm chung là thuê các nhà khoa học ưu tú và cấp cho họ ngân sách hậu hĩnh để phục vụ công tác nghiên cứu. Sau hơn 7 năm thành lập, Calico hiện đã xuất bản những tài liệu đầu tiên về một số công trình nghiên cứu của công ty trong năm nay.
Nổi bật nhất trong số các nhà khoa học được cho là đã tham gia Altos chính là Juan Carlos Izpisúa Belmonte, một nhà sinh vật học người Tây Ban Nha đang công tác tại viện Nghiên cứu Sinh học Salk, California. Ông Juan từng gây được sự chú ý trong giới khoa học khi công bố nghiên cứu kết hợp giữa phôi người và khỉ, với mục đích khám phá các phân tử mới.
Nhà sinh vật học Juan Carlos Izpisúa Belmonte từng gây được sự chú ý lớn nhờ công trình nghiên cứu đặc biệt. Ảnh: Central Infomative. |
Ngoài ra, công ty Altos còn có sự tham gia của giáo sư Steve Horvath đến từ Viện Đại học California, người đã phát triển thành công phương pháp “đồng hồ sinh học” với khả năng đo chính xác sự lão hóa của con người. Không chỉ vậy, chủ tịch hội đồng cố vấn khoa học của Altos hiện nay là bác sĩ Shinya Yamanaka, người từng nhận được giải Nobel 2012 cho phát hiện tế bào tái lập trình.
Khám phá bước ngoặt của Yamanaka chính là bổ sung 4 protein – hay còn được biết đến là yếu tố Yamanaka, giúp tế bào có thể trở lại trạng thái ban đầu với các đặc tính của tế bào phôi gốc. Đến năm 2016, phòng thí nghiệm của Izpisúa Belmonte đã áp dụng những yếu tố Yamanaka lên toàn bộ chuột đang sống, đạt được dấu hiệu đảo ngược tuổi tác và dẫn đến sự ra đời của một thuật ngữ mới có tên “thần dược của sự sống”.
Tuy nhiên, thí nghiệm này trên loài chuột đã gây ra nhiều sự quan ngại trong giới nghiên cứu. Bên cạnh những con chuột sở hữu tế bào trẻ khỏe hơn, một số con khác lại bị phát triển khối u ác tính.
“Mặc dù có nhiều rào cản phải vượt qua, nhưng nghiên cứu này có tiềm năng rất lớn”, Yamanaka trả lời email của MIT Technology Review.
Còn quá sớm cho công nghệ tái lập trình tế bào?
Một số nhà nghiên cứu đặt câu hỏi liệu tái lập trình tế bào có phải là công nghệ thực sự đáng để đầu tư hay không. Alejandro Ocampo, người từng làm việc trong phòng thí nghiệm của Izpisúa Belmonte tại viện Salk, và hiện là giáo sư tại Đại học Lausanne ở Thụy Sĩ, đang hoài nghi về tính khả thi của công nghệ này.
Giáo sư Ocampo cho rằng công nghệ tái lập trình tế bào đang bị cường điệu hóa. Ảnh: Unil. |
“Tôi nghĩ rằng khái niệm này rất thu hút, nhưng nó đang bị cường điệu hóa. Công nghệ tái lập trình tế bào ẩn chứa đầy rủi ro và còn lâu mới được áp dụng cho con người”, giáo sư Ocampo nói. Ngoài ra, ông cho biết công nghệ này quá nguy hiểm khi nó có thể thay đổi đặc tính của tế bào.
Mặt khác, không thể phủ nhận rằng công nghệ này rất thú vị khi áp dụng cho các tế bào riêng lẻ. “Bạn có thể lấy một tế bào từ một người 80 tuổi vào trong ống nghiệm, và đảo ngược nó thành 40 tuổi. Không có công nghệ nào khác làm được điều tương tự”, giáo sư Ocampo nói thêm.
Hơn nữa, việc tái lập trình tế bào cũng được công nhận là một hiện tượng xảy ra tự nhiên khi quá trình trứng thụ tinh chuyển thành phôi thai, và phát triển thành một thực thể mới. Bằng cách nào đó, DNA của cha mẹ được đổi mới và tái tạo lại. Sau một tỷ năm phát triển tự nhiên, Ocampo cho rằng tái lập trình tế bào là một trong những quá trình an toàn nhất khi nó xảy ra trên mọi sinh vật.
Hiện nay, Altos cũng đang kết hợp phương pháp “đồng hồ sinh học” của giáo sư Steve Horvath để đo độ tuổi tương đối của một tế bào. Phương pháp này sẽ là một yếu tố quan trọng để đo lường tác dụng của bất kỳ loại thuốc kéo dài hoặc đảo ngược tuổi tác nào đang được phát triển.
Ngoài ra còn có một mối liên hệ khoa học chặt chẽ giữa phương pháp “đồng hồ sinh học” và công nghệ tái lập trình, vì nó dường như hoạt động bằng cách sửa đổi các cấu trúc trong bộ gen của tế bào về trạng thái chưa trưởng thành. Điều đó có nghĩa là Altos sẽ tiên phong trong cả việc tái tạo và đo lường sự trẻ hóa.
Altos hiện vẫn chưa đưa ra thông báo chính thức, nhưng theo giáo sư Will Gornall tại Đại học British Columbia, công ty đã kêu gọi được ít nhất 270 triệu USD để phục vụ hoạt động nghiên cứu này.
Không chỉ là vấn đề của việc trẻ hóa
Người ta nói rằng những người trẻ thì luôn ước mơ trở nên giàu có, còn những người giàu có lại mong có lại thanh xuân. Nghịch lý đó là điều mà những tỷ phú như Milner (59 tuổi) và Bezos (57 tuổi) đang cảm nhận sâu sắc.
Jeff Bezos quan tâm đến công nghệ trẻ hóa và tái lập trình tế bào. Ảnh: Technology Review. |
Những người thân cận của công ty Altos nói rằng ban đầu Milner chỉ quan tâm đến công nghệ tái lập trình tế bào như là một hoạt động từ thiện. Tuy nhiên, sau cuộc thảo luận tại biệt thự, Milner đã trao khoản tài trợ 3 năm, trị giá 1 triệu USD mỗi năm dưới danh nghĩa tổ chức phi lợi nhuận Milky Way Research Foundation cho một số nhà nghiên cứu về tuổi thọ con người.
Việc cấp kinh phí lớn cho các hoạt động nghiên cứu thực sự là vấn đề nằm ngoài mục đích từ thiện đơn thuần. Thậm chí, các đề xuất nghiên cứu cho Altos còn được một ban cố vấn, bao gồm Yamanaka và Jenniver Doudna xem xét. Họ từng cùng nhau nhận giải thưởng đột phá (Breakthrough Prize) vào năm 2015 và sau đó là giải Nobel vào năm 2020. Điều này cho thấy Altos và tỷ phú Milner rất kỳ vọng lĩnh vực này.
Theo nhà nghiên cứu Serrano, bất kỳ phương pháp điều trị căn bệnh lão hóa nghiêm trọng nào cũng có thể mang lại hàng tỷ USD, nhưng ban đầu Altos không quan tâm đến việc kiếm tiền.
“Mục đích là để hiểu về sự trẻ hóa. Tôi có thể nói rằng ý tưởng có doanh thu trong tương lai là có, nhưng đó không phải là mục tiêu trước mắt”, Manuel Serrano, nhà nghiên cứu đã chấp nhận lời mời làm việc của Altos cho biết.
Đầu năm 2021, Milner còn có động thái đẩy nhanh tốc độ phát triển của Altos khi để Richard Klausner, người từng giữ chức Giám đốc Viện Ung thư Quốc gia Mỹ, làm Giám đốc điều hành của công ty. Klausne là chuyên gia tổ chức các cuộc kêu gọi đầu tư lớn và tạo được nhiều lợi nhuận trong các lĩnh vực công nghệ sinh học mới.
“Có hàng trăm triệu USD được các nhà đầu tư huy động để rót tiền vào việc công nghệ tái lập trình tế bào, đặc biệt nhằm mục đích trẻ hóa các bộ phận hay thậm chí là toàn bộ cơ thể con người”, David Sinclair, nhà nghiên cứu tại Đại học Harvard, cho biết vào tháng 12/2020. Ngoài ra, Sinclair mô tả lĩnh vực này là "non trẻ" nhưng nhận định nó có tiềm năng khổng lồ.
Theo Zing/Technology Review
Tim nhân tạo vĩnh cửu sẽ giải quyết căn bệnh gây tử vong số 1 ở con người
Tim nhân tạo vĩnh cửu có thể là bước đột phá quan trọng nhất trong y học hiện đại, giúp hàng trăm nghìn bệnh nhân không phải mong mỏi chờ hiến tạng.