- Ung thư amidan thường dễ bị nhầm lẫn với đau họng bình thường. Chúng ta đã nghe nói nhiều về amidan, thế còn ung thư amidan là gì? Những thông tin sau sẽ giúp giải đáp phần nào thắc mắc của bạn.
- Ung thư amidan là sự biến đổi ác tính của tế bào biểu mô phủ amidan. Điều đó có nghĩa loại ung thư này chỉ xuất hiện ở khu vực amidan?
Ngoài amidan, vị trí thường phát triển ung thư amidan là hai mào của mô phía trước và sau amidan. Ngoài ra, các vị trí lân cận amidan cũng có khả năng phát triển ung thư là mặt sau gốc lưỡi, phần mềm ở vòm miệng, thành sau của họng.
- Ngoài đau họng, ung thư amidan còn có những triệu chứng nào?
Đau họng là triệu chứng chủ yếu, ngoài ra còn có các triệu chứng như nuốt vướng, đổi giọng nói, khạc ra máu, hơi thở có mùi hôi...
Về lý thuyết, ung thư amidan có thể chẩn đoán sớm. Nhưng trên thực tế, rất ít trường hợp được chẩn đoán sớm do triệu chứng dễ nhầm lẫn với các bệnh viêm nhiễm vùng hầu họng.
- Bên cạnh thuốc lá còn những nguyên nhân nào gây ra ung thư amidan?
Rượu cũng là nguyên nhân chính gây ra ung thư amidan. Nguy cơ mắc bệnh có thể tăng ba lần nếu nghiện rượu hoặc thuốc lá và tăng 15 lần nếu nghiện cả hai. Ung thư amidan là bệnh thường gặp ở lứa tuổi 50 đến 70. Tỉ lệ mắc bệnh ở nam giới cao hơn từ 3 đến 4 lần so với phụ nữ.
- Điều đó có nghĩa là phụ nữ trẻ, không hút thuốc và uống rượu sẽ không bao giờ mắc phải căn bệnh này?
Quan niệm này không chính xác. Trước đây, bệnh nhân ung thư amidan thường là nam giới khoảng 70 tuổi, nghiện thuốc lá hoặc rượu. Giờ đây, danh sách bệnh nhân đã có nhiều thay đổi.
Những người ở độ tuổi 30 hoặc 40, ngay cả một số người ngoài 20 tuổi, không hút thuốc và không có tiền sử lạm dụng rượu cũng có thể mắc bệnh này. Sự thay đổi đó xuất hiện sau khi các nhà khoa học phát hiện ra mối liên hệ giữa quan hệ bằng đường miệng và ung thư amidan. Vi rút HPV-16 chính là thủ phạm của việc này.
Dù chưa có bằng chứng chính xác, các nhà khoa học cho rằng các loại vi rút này còn có khả năng truyền từ miệng sang miệng.
- Có thể điều trị ung thư amidan theo những phương pháp nào?
Có ba phương pháp thường được dùng để điều trị ung thư amidan: phẫu thuật, xạ trị và hoá trị.
Nếu được phát hiện sớm (khi khối u trong amidan vẫn còn nhỏ), bệnh nhân có thể được chỉ định phẫu thuật hoặc xạ trị. Trường hợp khối u đã phát triển, chèn ép toàn bộ amidan hoặc bắt đầu phát triển ra ngoài, có thể bạn sẽ cần phẫu thuật kết hợp với xạ trị.
Khi này, một phần họng của bạn sẽ được cắt bỏ phụ thuộc vào kích cỡ của khối u. Trong trường hợp nghiêm trọng nhất, bác sĩ có thể phải cắt bỏ một phần vòm miệng mềm hoặc cuống lưỡi của bệnh nhân. Sau đó, họ sẽ tiến hành tái tạo lại khu vực bị phẫu thuật bằng mô lấy từ phần khác trong cơ thể.
Hoá trị (sử dụng các loại dược phẩm chống ung thư) không phải là phương pháp được ưu tiên trong điều trị ung thư amidan.
Tuy nhiên các nghiên cứu trong thời gian gần đây cho thấy việc kết hợp giữa hóa trị và xạ trị có thể cho kết quả tốt. Hiệu quả của nó được đánh giá là tương đương phương pháp phẫu thuật đối với những khối u lớn trong điều trị ung thư amidan.
- Không biết việc điều trị đối với những trường hợp khối u đã di căn ra các cơ quan bên ngoài amidan có khác gì nhau?
Ung thư giai đoạn cuối gây ra các triệu chứng như đau đớn, chảy máu và khó nuốt. Đối với trường hợp này, khối u cần được làm teo lại rồi mới tiến hành phẫu thuật cắt bỏ. Để làm teo khối u, bệnh nhân có thể được điều trị bằng hoá trị hoặc xạ trị. Việc kết hợp cả 2 phương pháp cũng thường được sử dụng.
- Việc điều trị có thật sự an toàn hay không?
Tất cả mọi phương pháp điều trị đều tiềm ẩn nguy cơ. Phẫu thuật vùng họng có thể gây ra tình trạng sưng tấy và khó thở. Khi đó, bệnh nhân tạm thời sẽ được mở một lỗ trong khí quản, cho phép bạn thở bình thường đến khi chỗ sưng xẹp xuống.
Phẫu thuật ở họng cũng có thể ảnh hưởng đến giọng nói của bạn. Tình trạng này có thể chỉ là tạm thời nhưng cũng có khi là vĩnh viễn.
- Có phải người đã cắt amidan sẽ không bao giờ bị ung thư amidan?
Nếu phẫu thuật không cắt bỏ hoàn toàn amidan, bạn vẫn có nguy cơ bị ung thư ở bộ phận này.
Trên đây là tổng hợp một số câu hỏi về ung thư amidan mà bạn nên biết.
Nguyễn Thu Hiền