Trước yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới, đặt ra phải đấu tranh quốc phòng có hiệu quả, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ; bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa; bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc. Đây là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn dân.

Đấu tranh quốc phòng là những hoạt động đấu tranh trong công cuộc giữ nước, được thực hiện bằng tổng thể các hình thức, biện pháp đấu tranh trên các lĩnh vực chính trị, tư tưởng, kinh tế, khoa học, công nghệ, quân sự, dân tộc, tôn giáo, văn hóa, ngoại giao, pháp lý,... do toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và cả hệ thống chính trị tiến hành, sử dụng phương thức đấu tranh phi vũ trang là chủ yếu. Hoạt động này đặt dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng và sự chỉ đạo, điều hành tập trung thống nhất của Nhà nước, nhằm tạo sức mạnh tổng hợp, toàn diện của quốc gia, đối phó có hiệu quả với các nguy cơ an ninh truyền thống, phi truyền thống, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định chính trị để xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Đối tượng đấu tranh quốc phòng rất đa dạng, bao gồm đối tượng cơ bản, nguy hiểm, lâu dài là các thế lực thù địch hiếu chiến, đồng minh và tay sai có âm mưu, hành động xóa bỏ sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, “phi chính trị hóa” lực lượng vũ trang, chuyển hóa, lật đổ chế độ xã hội chủ nghĩa. Đối tượng trực tiếp, nguy hiểm, lâu dài là các thế lực nước lớn và đồng minh có tham vọng, hành động xâm phạm chủ quyền lãnh thổ, xâm hại lợi ích quốc gia - dân tộc. Đối tượng rất nguy hiểm là các tổ chức phản động trong và ngoài nước, lực lượng cơ hội, suy thoái chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, có tư tưởng, hành động chống phá sự nghiệp cách mạng bằng biện pháp vũ trang, phi vũ trang. Chúng câu kết, tiếp tay cho các thế lực thù địch, hiếu chiến và thế lực nước lớn có tham vọng chủ quyền lãnh thổ, đe dọa đến sự tồn vong của chế độ, độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam.

Mục tiêu đấu tranh quốc phòng nhằm phòng ngừa, làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn, hành động xâm phạm độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, vùng trời, vùng biển, đảo của Tổ quốc; ngăn chặn làm thất bại xung đột vũ trang và xâm nhập tiến công mạng, đẩy lùi mọi nguy cơ chiến tranh; làm thất bại chiến lược “Diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch, đẩy lùi “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; ngăn chặn các mối đe dọa an ninh truyền thống và phi truyền thống, không để bị động, bất ngờ, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ, bảo vệ Đảng, Nhà nước, Nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích quốc gia - dân tộc.

Trong những năm qua, dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng, quản lý, điều hành thống nhất của Nhà nước, các bộ, ban, ngành, đoàn thể đã làm tham mưu và trực tiếp chỉ đạo, chỉ huy các lực lượng tham gia đấu tranh đạt được nhiều kết quả quan trọng, làm thất bại mọi âm mưu hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước. Tuy nhiên, nhận thức về đấu tranh quốc phòng của các cấp, các ngành và nhân dân một số nơi chưa đầy đủ, sâu sắc; việc phát huy vai trò đấu tranh của các lực lượng trên các lĩnh vực, kết hợp các hình thức đấu tranh tạo sức mạnh tổng hợp trong xử lý các tình huống phức tạp về quốc phòng, an ninh còn hạn chế, v.v.

Trong những năm tới, các thế lực thù địch đẩy mạnh thực hiện “Diễn biến hòa bình”, bạo loạn chính trị, phát triển thành bạo loạn vũ trang, can thiệp quân sự, nhằm lật đổ chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta; các mối đe dọa an ninh phi truyền thống có xu hướng gia tăng; chiến tranh thông tin, chiến tranh không gian mạng diễn ra thường xuyên, với quy mô khác nhau; xâm phạm chủ quyền, lợi ích quốc gia, dân tộc, xâm chiếm biển, đảo, xâm lấn biên giới bằng biện pháp phi vũ trang hoặc vũ trang; chiến tranh biển, đảo, biên giới và chiến tranh xâm lược quy mô lớn. Để đấu tranh có hiệu quả với các tình huống trên, chúng ta phải dựa vào thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân, “thế trận lòng dân” vững chắc; phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, của cả hệ thống chính trị, lấy lực lượng vũ trang làm nòng cốt. Tuy nhiên, tùy từng tình huống để vận dụng phương thức đấu tranh phù hợp.

Trong phòng, chống “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ.

 Kết hợp chặt chẽ phòng, chống trên các lĩnh vực chính trị, tư tưởng, văn hóa, kinh tế, ngoại giao, quân sự, an ninh, dân tộc, tôn giáo, theo một chiến lược chung, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước. Thường xuyên cảnh giác, đấu tranh chống các quan điểm, tư tưởng sai trái, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyến hóa”; lực lượng cơ hội chính trị; ngăn chặn các tổ chức phản động móc nối, xâm nhập. Phát huy vai trò của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể, huy động sức mạnh của nhân dân. Tăng cường tuyên truyền, vận động, giáo dục, thuyết phục nhân dân nghiêm chỉnh thực hiện chủ trương, đường lối, chính sách đại đoàn kết dân tộc của Đảng, Nhà nước. Quá trình đó, cần dựa vào dân, giữ dân, giành dân, bảo vệ dân; đồng thời, kiên quyết trừng trị các đối tượng, hành động vũ trang phản cách mạng. Quân đội phối hợp chặt chẽ với công an, cô lập, tiêu diệt những tên cầm đầu; phân hóa, làm tan rã lực lượng phản động; nhanh chóng dập tắt bạo loạn; bảo vệ các địa bàn, mục tiêu trọng yếu về chính trị, kinh tế, quân sự; bảo vệ Đảng, chính quyền; không để thế lực thù địch lợi dụng tạo cớ can thiệp quân sự. Bao vây, ngăn chặn, tiêu diệt nhanh, gọn lực lượng vũ trang phản động trong nội địa và lực lượng can thiệp quân sự từ bên ngoài.

Trong phòng, chống các mối đe dọa an ninh phi truyền thống.

Coi đây là nhiệm vụ “chiến đấu trong thời bình”, nên cần chuẩn bị đầy đủ, đồng bộ các mặt; nắm chắc tình hình, dự báo đúng các tình huống; kịp thời điều chỉnh, bổ sung kế hoạch, phương án theo diễn biến, phát triển của tình hình. Huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, toàn dân, lực lượng vũ trang làm nòng cốt, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo, chỉ huy, điều hành tập trung, thống nhất, hiệp đồng chặt chẽ; phát huy “bốn tại chỗ’’ kết hợp với cơ động, hỗ trợ của đơn vị, địa phương khác và sự hỗ trợ quốc tế. Khi có tình huống xảy ra, phải nhanh chóng triển khai hoạt động phòng, chống; vận dụng linh hoạt các biện pháp kỹ thuật, công nghệ, quân sự, an ninh, thông tin… bảo vệ các mục tiêu, bảo vệ nhân dân, khắc phục hậu quả, khôi phục hoạt động bình thường, sẵn sàng đối phó với các thế lực thù địch, phản động lợi dụng để phá hoại, xâm phạm chủ quyền, lợi ích quốc gia - dân tộc. Giữ vững chủ quyền, tuân thủ quy định của pháp luật, bảo vệ bí mật quốc gia, bí mật quân sự trong hợp tác quốc tế đối phó với thách thức an ninh phi truyền thống.

Trong phòng, chống chiến tranh thông tin, chiến tranh không gian mạng.

Hình thành thế trận bảo vệ không gian mạng, hệ thống dữ liệu thông tin, hệ thống lãnh đạo, chỉ huy, điều hành đồng bộ, vững chắc, bí mật. Sử dụng lực lượng tác chiến không gian mạng làm nòng cốt kết hợp với lực lượng chuyên trách, kiêm nhiệm của các ban, bộ, ngành, chuyên gia trong các tổ chức xã hội, doanh nghiệp công nghệ thông tin, người Việt Nam ở nước ngoài nhằm hình thành lực lượng tổng hợp, dưới sự chỉ đạo, chỉ huy của Bộ Quốc phòng, trực tiếp là Bộ Tư lệnh 86. Đồng thời, phải vận dụng tổng hợp các biện pháp chiến thuật, kỹ thuật, công nghệ trong phòng thủ, trinh sát, tấn công mạng, ngăn chặn, làm thất bại các biện pháp, thủ đoạn chiến tranh thông tin, chiến tranh không gian mạng của đối phương; bảo vệ chủ quyền, lợi ích quốc gia - dân tộc trên không gian mạng, bảo vệ hệ thống thông tin lãnh đạo, chỉ đạo, chỉ huy của Đảng, Nhà nước, Quân đội. Kết hợp hoạt động tác chiến không gian mạng với hoạt động quân sự, làm rối loạn chỉ huy, điều khiển vũ khí, phương tiện chiến tranh của địch tại các khu vực, địa bàn tác chiến chủ yếu, góp phần đánh bại các hình thái chiến tranh xâm lược.

Trong phòng, chống xâm phạm chủ quyền, lợi ích quốc gia - dân tộc, xâm chiếm biển, đảo, xâm lấn biên giới.

Trên biển, đảo: Dựa vào nhân dân, huy động sức mạnh của nhân dân; hình thành thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân rộng khắp, có trọng điểm. Phát huy vai trò nòng cốt trong thực thi, bảo vệ pháp luật của lực lượng Cảnh sát biển phối hợp với lực lượng Hải quân, Biên phòng và các lực lượng khác, kịp thời phát hiện âm mưu, ngăn chặn hành động xâm phạm chủ quyền, lợi ích quốc gia - dân tộc, chiếm giữ các đảo đá, bãi cạn trên vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của nước ta. Kiên quyết, kiên trì, kết hợp chặt chẽ đấu tranh trên thực địa với đấu tranh ngoại giao, pháp lý, thông tin, tuyên truyền... không để xảy ra sự đã rồi; bảo vệ các hoạt động chấp pháp, lợi ích của ta; tránh mắc mưu khiêu khích, tạo cớ gây xung đột vũ trang.

Trên khu vực biên giới: Hình thành thế trận biên phòng nhân dân trên cơ sở thế trận quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân bảo vệ biên giới vững chắc. Phát huy vai trò nòng cốt của Bộ đội Biên phòng, cùng với các lực lượng khác và nhân dân, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương; quản lý chặt chẽ đường biên, kịp thời phát hiện, ngăn chặn các hoạt động xâm lấn, xâm phạm chủ quyền, phá hoại cột mốc, xâm nhập, xâm canh, xâm cư, v.v. Kết hợp chặt chẽ biện pháp nghiệp vụ, đấu tranh pháp lý, ngoại giao với đấu tranh trên các lĩnh vực khác; bảo vệ an ninh, an toàn tuyến biên giới, các mục tiêu chính trị, quân sự, kinh tế, văn hóa khu vực biên giới.

Trong phòng, chống xung đột vũ trang, xung đột vũ trang phát triển thành chiến tranh xâm chiếm biển, đảo.

Xung đột vũ trang trên biển, đảo: Dựa vào thế trận phòng thủ các đảo, quần đảo; các khu vực phòng thủ tỉnh, thành phố ven biển; thế bố trí lực lượng Hải quân, cùng với các lực lượng khác, hình thành thế trận phòng thủ vững chắc, có trọng điểm; kịp thời phát hiện âm mưu, ngăn chặn xung đột vũ trang, không để bị động, bất ngờ. Sử dụng lực lượng Hải quân làm nòng cốt, cùng với lực lượng Cảnh sát biển, Bộ đội Biên phòng và các lực lượng khác; kết hợp đấu tranh quân sự với đấu tranh chính trị và trên các lĩnh vực nhằm  ngăn chặn, đánh bại các hành động xâm phạm chủ quyền, xâm chiếm đảo đá, bãi cạn, bảo vệ các mục tiêu trên biển, không để xung đột kéo dài, lan rộng.

Khi xung đột vũ trang phát triển thành chiến tranh xâm chiếm biển, đảo: Tổ chức thế trận phòng thủ liên hoàn bờ - biển - đảo; sử dụng lực lượng Hải quân làm nòng cốt, cùng với lực lượng Cảnh sát biển, các quân, binh chủng, quân khu ven biển; vận dụng linh hoạt các biện pháp, phương thức tác chiến, phòng thủ giữ đảo, tiến công tiêu diệt địch với quy mô phù hợp, phá hủy phương tiện, vũ khí, trang bị của địch. Tích cực đấu tranh trên các lĩnh vực, chống bao vây, phong tỏa, cấm vận, phá hoại kinh tế; giữ vững các đảo, quần đảo và vùng biển trọng yếu; làm thất bại chiến tranh xâm chiếm biển, đảo.

Trong phòng, chống xung đột vũ trang, xung đột vũ trang phát triển thành chiến tranh xâm lấn biên giới.

Xung đột vũ trang biên giới: Dựa vào khu vực phòng thủ các cấp, thế bố trí của lực lượng cơ động và các lực lượng khác, hình thành thế trận phòng thủ biên giới vững chắc; kịp thời phát hiện âm mưu, hành động gây xung đột vũ trang biên giới, không để bị động, bất ngờ. Sử dụng lực lượng khu vực phòng thủ địa phương, lấy Bộ đội địa phương, Bộ đội Biên phòng làm nòng cốt, cùng với các lực lượng khác; kết hợp đấu tranh quân sự với đấu tranh pháp lý, ngoại giao và đấu tranh trên các lĩnh vực khác, ngăn chặn, đánh bại các hành động xâm phạm chủ quyền, xâm lấn biên giới, không để xung đột kéo dài, lan rộng.

Khi xung đột vũ trang phát triển thành chiến tranh xâm lấn biên giới: Dựa vào thế trận khu vực phòng thủ địa phương các cấp; tổ chức lực lượng tại chỗ đánh địch rộng khắp trên các khu vực biên giới, sát thưong, tiêu hao, ngăn chặn, tiến công tiêu diệt địch. Nắm vững thời cơ, sử dụng lực lượng cơ động của quân khu (của Bộ khi cần thiết), tiến hành các trận đánh, chiến dịch phản công, tiến công, sát thương lớn, tiêu diệt bộ phận quan trọng, đánh bại địch trên vùng biên giới trọng điểm, bảo vệ các mục tiêu trọng yếu; kết hợp chặt chẽ tác chiến với các hoạt động đấu tranh, kiên quyết đánh bại chiến tranh xâm lấn biên giới.

Trong phòng, chống chiến tranh xâm lược quy mô lớn.

Kịp thời phát hiện ý đồ chiến tranh xâm lược; nhanh chóng chuyển đất nước từ thời bình sang thời chiến; chuyển hóa thế trận quốc phòng toàn dân thành thế trận chiến tranh nhân dân. Sử dụng lực lượng vũ trang ba thứ quân làm nòng cốt, phát huy vai trò của lực lượng tại chỗ (Bộ đội Biên phòng, bộ đội địa phương, dân quân tự vệ ở địa bàn đất liền, biên giới và Hải quân, Cảnh sát biển ở chiến trường trên biển); kết hợp chiến tranh nhân dân địa phương với chiến tranh bằng các binh đoàn chủ lực cùng lực lượng rộng rãi toàn dân, sử dụng mọi loại vũ khí, trang bị hiện có, phù hợp với cách đánh của ta. Toàn bộ hoạt động này đặt dưới sự lãnh đạo của Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương, chỉ đạo của Bộ Quốc phòng; vận dụng kết hợp các loại hình tác chiến chiến lược; đánh địch rộng khắp, trên các môi trường (đất liền, biển, đảo, vùng trời, không gian mạng), cả bên trong và bên ngoài, trên biên giới và trong nội địa, cả phía trước và phía sau, sát thương lớn sinh lực, tiêu diệt từng bộ phận quan trọng quân địch, giữ vững mục tiêu, địa bàn chiến lược trọng yếu, bảo vệ nhân dân, buộc địch sa lầy, suy yếu. Nắm vững thời cơ, mở các chiến dịch, chiến dịch chiến lược, kết hợp với đấu tranh trên các lĩnh vực, vừa đánh, vừa đàm; vừa tác chiến vừa củng cố, bảo toàn tiềm lực, lực lượng; đánh bại ý chí xâm lược, kết thúc chiến tranh trên thế thắng, trong điều kiện có lợi.

Trung tướng, PGS, TS. TRẦN VIỆT KHOA, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Quân ủy Trung ương, Giám đốc Học viện Quốc phòng

Theo Tạp chí Quốc phòng toàn dân