Ngày nay, khi vô tình bắt gặp một câu thơ, ý nhạc ra đời trước đó trong một tác phẩm mới, tác giả dễ bị quy vào đạo thơ, đạo nhạc. Nhưng trong thơ nhạc của cổ nhân việc “bê” nguyên thơ của người khác vào thành một phần trong tác phẩm của mình đã từng xảy ra và người làm điều đó lại rất được tôn trọng. 

Những câu thơ vay mượn

Nếu mới tiếp cận ca trù, có thể bạn bất ngờ, thậm chí sốc, khi đâu đó trong một tác phẩm rất nổi tiếng của một tác giả thuộc hàng danh giá lại xuất hiện những câu thơ quen quen mà có thể bạn đã từng đọc được ở đâu đó. Sốc hơn nữa bởi vì đó không phải trường hợp hy hữu mà ngược lại khá phổ biến. 

1  Giáo phường Ca Trù Thái Hà tại Đình Đông Ngạc.jpg
 Giáo phường ca trù Thái Hà tại Đình Đông Ngạc, trong khuôn khổ dự án "Giới thiệu 10 bài hát nói ca trù của Nguyễn Công Trứ".

Chẳng hạn, trong bài Tây Hồ hoài cổ (tên gọi khác là Vịnh Tây Hồ) có hai câu thơ chữ Hán: “Yên tiêu Nam quốc mỹ nhân tận/ Oán nhập đông phong phương thảo đa”. Dịch nghĩa là: “Hương tàn người đẹp phương nam hết/ Buồn thấy gió đông thổi vào cỏ thơm nhiều”. Đây là hai câu thơ nằm trong  bài Kinh Dượng Đế hành cung của Lưu Thương đời Đường. 

Một ví dụ khác, trong bài Chí làm trai có hai câu thơ chữ Hán: “Nhân sinh tự cổ thuỳ vô tử/ Lưu thủ đan tâm chiếu hãn thanh”. Nghĩa là: “Người đời xưa nay ai không phải chết, Để lại tấm lòng son soi vào sử xanh”. Đây là hai câu thơ Đường được lấy từ bài Quá Linh Đinh dương của Văn Thiên Tường. 

Có bài không dùng đủ một cặp (2 câu) thơ của cổ nhân mà chỉ khai thác một câu như trường hợp bài thơ Trường An hoài cổ (còn có tên Tràng An hoài cổ) xuất hiện cặp thơ: “Hồi thủ khả liên ca vũ địa/ Đất Trường An là cổ đế kinh”. Câu đầu mang nghĩa “Ngoảnh đầu nhìn lại lấy thương thay chốn ca múa cũ”, nằm trong bài thơ Thu hứng của Đỗ Phủ đời Đường, trong đó một cặp thơ đầy đủ của nguyên bản là: “Hồi thủ khả liên ca vũ địa/ Tần trung tự cổ đế vương châu”.

Cả ba bài mà tôi chọn để trích dẫn làm minh chứng cho bài viết đều là những bài thơ nổi tiếng thuộc thể cách hát nói của nghệ thuật ca trù. Hơn nữa, cả ba cùng của tác giả Nguyễn Công Trứ (1778 - 1858). Ông là một tên tuổi lớn của nền văn học và âm nhạc Việt Nam cuối thế kỷ 18, nửa đầu thế kỷ 19. Như vậy, Nguyễn Công Trứ không thể không biết về nguồn gốc những câu thơ mà thậm chí còn biết rất rõ, nhưng tại sao chúng vẫn xuất hiện trong các tác phẩm của ông?

“Giải mã” hiện tượng lạ

Có thể bạn sẽ đặt nhiều câu hỏi như: Liệu tác giả có phải là người yêu thơ ca quá, nhất là thơ Đường của cổ nhân không? Chắc chắn là “có yêu”. Vậy có phải vì yêu quá nên vô tình viết nhầm thơ của người khác vào trong tác phẩm của mình mà không phát hiện?

Câu trả lời chắc chắn là “không”. Tác giả biết rõ về câu thơ khai thác, thậm chí là cả bài thơ và tác giả. 

4  Giáo phường Ca trù Thái Hà.jpg

Và khi khai thác có trích dẫn rõ nguồn gốc của câu thơ đó không? Câu trả lời là có thể có, có thể không. “Có” trong trường hợp tác giả viết nó lên giấy và muốn giải thích cho tất cả về nguồn gốc câu thơ “lạ”. “Không” trong trường hợp tác giả không muốn giải thích, vì thơ xưa không phải để xuất bản trong ấn phẩm nào đó như thời hiện đại, mà chỉ sáng tác cho chính mình và bạn thơ. 

Bạn thơ là tri âm, là người cùng “tần số” và rất hiểu nhau, hay thưởng thơ của nhau, thậm chí “chơi thơ” cùng nhau. Khi đọc một bài thơ, bạn thơ phải tự hiểu hoặc giải mã và cùng tranh luận, bình thơ với nhau… như thế cuộc chơi mới thực sự thú vị. 

Thêm một câu hỏi: Tại sao các tác giả đời sau muốn khai thác thơ của tác giả đời trước vào tác phẩm của mình? 

Có nhiều lý do nhưng chủ yếu thơ được khai thác là thơ hay, nằm trong những tác phẩm thuộc hàng kinh điển của thi nhân nổi tiếng từ thời Đường. Việc khai thác như vậy cũng thể hiện tầm trí tuệ, sự hiểu biết của tác giả đối với những áng thơ văn bất hủ. 

Ở khía cạnh khác, thơ Đường mang nhiều lớp nghĩa khác nhau nên không phải ai cũng có thể tiếp cận. Hơn nữa, việc khai thác thơ Đường của cổ nhân vào trong một tác phẩm mới phải góp phần làm cho tác phẩm mới trở nên hay hơn, thỏa mãn việc giãi bày tâm tư, tình cảm của tác giả hậu sinh. 

“Hóa giải” cho Nguyễn Công Trứ

Trở lại với trường hợp Nguyễn Công Trứ khai thác thơ Đường vào tác phẩm như đã nói ở trên. 

Hai câu thơ Đường của Lưu Thương trong bài thơ Kinh Dương Đế hành cung mà nhà thơ Nguyễn Công Trứ đã khai thác vào bài Tây Hồ hoài cổ nằm ở vị trí trung tâm của tác phẩm, là câu thứ 9 và 10 phần hát nói (không kể 2 câu thơ ở phần Mưỡu mở đầu bài thơ). Trong bài thơ còn có hai câu thơ chữ Hán xuất hiện ở vị trí thứ 5 và 6 phần hát nói do chính Nguyễn Công Trứ viết: “Chiếc cô vụ, mảnh lạc hà bát ngát/ Hỏi năm nao vũ quán điếu đài”. Câu: “Chiếc cô vụ, mảnh lạc hà bát ngát” ý là ráng chiều bát ngát một cánh cò lẻ loi. Còn “vũ quán điếu đài” là quán múa hát và đài câu cá năm xưa của chúa Trịnh xây trên Hồ Tây. 

Toàn bộ bài thơ được tác giả viết nhằm diễn tả tâm trạng cô đơn đứng trước cảnh đẹp của Hồ Tây mà nghĩ đến thời quá khứ xa xưa, nơi đây từng lưu dấu ấn các đời chúa Trịnh chọn làm nơi lập hành cung, xây dựng những công trình lớn để nghỉ mát, thưởng ngoạn.

Tương tự, ở các bài khác, việc khai thác những câu thơ Đường của cổ nhân góp phần giúp tác giả giãi bày tâm trạng. Trong khi bạn thơ nhìn vào cách khai thác là nắm được mức độ biết rộng hiểu sâu mà nể trọng và gắn kết với nhau.

Dẫu mang ý nghĩa như vậy, nhưng việc làm này phải có nguyên tắc. Theo khảo sát của chúng tôi từ góc độ âm nhạc, cụ thể là nghệ thuật ca trù việc mượn những câu thơ của cổ nhân chỉ thấy trong các bài thuộc thể cách hát nói - một thể cách được biết đến nhiều nhất của ca trù. 

Việc khai thác thơ Đường trong bài hát nói ca trù cũng được khống chế về số lượng, phổ biến là 2 câu (một cặp) thơ, đôi khi có thêm những ý thơ hay một câu thơ, hoặc trong một bài có tới hai cặp thơ chữ Hán. Việc khai thác thơ Đường nhất thiết phải giúp cho những câu thơ ấy “hòa nhập” được dòng chảy, mạch nhịp của bài thơ. 

Việc trong một bài thơ thuộc thể cách hát nói của ca trù xuất hiện những cặp thơ chữ Hán, được gọi là câu đối đã trở thành một nguyên tắc về cấu trúc. Tác giả có thể khai thác thơ Đường của cổ nhân hoặc viết mới. Những câu thơ chữ Hán này thường nằm ở vị trí trung tâm tác phẩm giống như đoạn điệp khúc trong ca khúc hiện nay. 

Có thể coi Nguyễn Công Trứ là cha đẻ của hát nói trong ca trù. Như vậy, ông cũng có thể là người khởi xướng việc khai thác thơ Đường vào hát nói. 

Nguyễn Công Trứ có vị trí đặc biệt đối với lịch sử phát triển của nghệ thuật ca trù, đồng thời ông đã đặt ra những thử thách cho sáng tác ca trù mà kể cả người ngày nay cũng không dễ vượt qua. Điều đó có hạn chế là không giúp ca trù có được rất nhiều tác giả, nhưng lại giúp loại hình này đứng vững ở vị trí là một trong những nghệ thuật mang tính hàn lâm của Việt Nam. 

Ảnh: NVCC

Số phận truân chuyên của ca trùSố phận của ca trù tương đối truân chuyên, sự đứt gãy trong quá khứ và sự không tương thích với xã hội hiện đại khiến cho loại hình nghệ thuật truyền thống này dường như không bao giờ có thể trở lại hào quang “vang bóng một thời”.