Lời tòa soạn:

Net Zero đang là xu hướng chung trên toàn cầu. Trên thế giới xuất hiện loại hàng hóa mới là các chứng chỉ giảm/hấp thụ phát thải khí nhà kính. Thị trường carbon toàn cầu đang phát triển nhanh cả về thị phần giao dịch cũng như các tổ chức tham gia.

Việt Nam là một trong số 60 quốc gia trên thế giới có khả năng bán tín chỉ carbon từ rừng và nông nghiệp. Loạt bài Khai thác tiềm năng tín chỉ carbon, thu nghìn tỷ do VietNamNet thực hiện góp thêm góc nhìn về tiềm năng và thị trường tín chỉ carbon hiện nay, đồng thời thể hiện nỗ lực của ngành nông nghiệp trong giảm phát thải, hướng tới bán tín chỉ carbon.

Ngành nông nghiệp đang đẩy mạnh triển khai đề án "Phát triển bền vững 1 triệu ha lúa chuyên canh chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL". Đáng chú ý, với 1 triệu ha lúa này, nông dân không chỉ thu được gạo mà còn có cơ hội bán tín chỉ carbon thông qua sản xuất lúa chất lượng cao giảm phát thải, góp phần thực hiện cam kết của Việt Nam đạt mức phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050.

Ngân hàng Thế giới ước tính vùng chuyên canh lúa chất lượng cao 1 triệu ha ở ĐBSCL khi hình thành có thể giảm 10 triệu tấn carbon. 

Đặc biệt, với đề án này, Ngân hàng Thế giới cũng đã cam kết mua tín chỉ carbon ở mức 10 USD/tấn CO2. Tính ra, 1ha lúa có thể thu về 100 USD từ việc bán tín chỉ carbon. 1 triệu ha có thể thu về khoảng 100 triệu USD/năm.

W-lua-gao-2-1.jpg
Sẽ có 1 triệu nông dân được đào tạo sản xuất lúa bền vững, giảm phát thải. Ảnh: Hồ Hoàng Hải

Tại hội thảo Triển khai Kế hoạch nâng cao năng lực cho các đối tác, HTX nông nghiệp phát triển liên kết chuỗi giá trị thực hiện Đề án 1 triệu ha lúa ở ĐBSCL, ông Lê Đức Thịnh – Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn, cho biết, kế hoạch nhằm nâng cao năng lực cho các HTX, hộ nông dân và các đối tượng liên quan tham gia chuỗi ngành hàng lúa gạo chất lượng cao và giảm phát thải.

Theo đó, giai đoạn 2024-2030 sẽ có 1 triệu nông dân được đào tạo đào tạo quy trình canh tác sản xuất lúa bền vững, giảm phát thải gắn với tăng trưởng xanh, kỹ năng đăng ký, đánh giá giảm phát thải ở cấp độ hộ nông dân.

Ngoài ra, tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý, kỹ thuật trong HTX nông nghiệp, tổ hợp tác; cán bộ khuyến nông và khuyến nông cộng đồng ở các tỉnh ĐBSCL tham gia đề án…

Năm nay, cơ quan chuyên môn sẽ tổ chức 12 lớp tập huấn TOT để trang bị các kỹ năng, kiến thức về đổi mới sáng tạo; hoàn thành tập huấn cho 2.000 cán bộ quản lý, kỹ thuật của 400 hợp tác xã nông nghiệp đã tham gia Dự án VnSAT (chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt Nam). Nội dung tập huấn chủ yếu về quy trình canh tác giảm phát thải và phương pháp MRV - công cụ đánh giá các hoạt động giảm phát thải khí nhà kính, ông Thịnh cho hay.

Thứ trưởng NN-PTNT Trần Thanh Nam yêu cầu cơ quan liên quan nêu rõ 5 nội dung vào Kế hoạch: Quy trình canh tác bền vững; kế hoạch đo đếm chi trả carbon; củng cố và kiện toàn các HTX tham gia đề án; xây dựng chuỗi liên kết giữa HTX với doanh nghiệp; bổ trợ các vấn đề liên quan.

chuoi lua gao 1.jpg
Ngân hàng Thế giới đã cam kết mua tín chỉ carbon từ đề án 1 triệu ha lúa với giá 10 USD/tấn CO2. Ảnh: Báo Quảng Bình

Ông nhấn mạnh chủ thể trung tâm của đề án là HTX nên mục tiêu hỗ trợ chính là HTX, đầu tư hạ tầng cho HTX. Ông cũng lưu ý cần bổ sung quyền lợi của các thành phần tham gia. Có những địa phương đăng ký đề án nhưng chưa có HTX thì cần xây dựng HTX ở những nơi này. 

Các ngành, các cấp và ngành ngành nông nghiệp các địa phương định hướng rõ làm sao để bà con nông dân hiểu được tham gia đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao sẽ hưởng được nhiều lợi ích như: giảm chi phí sản xuất, một phần chi trả tín chỉ carbon và giá trị tăng thêm từ thương hiệu gạo giảm phát thải.

"Trong vụ Hè Thu này, các cơ quan liên quan được yêu cầu thí điểm ngay 5 mô hình tín chỉ carbon (50-100ha/mô hình) tại tỉnh Trà Vinh, Sóc Trăng, Cần Thơ, Đồng Tháp và Kiên Giang", Thứ trưởng Trần Thanh Nam giao nhiệm vụ.

Đến tháng 8-9 năm nay, khi đã hình thành được lúa giảm phát thải, các địa phương tiếp tục triển khai thêm vụ Thu Đông 2024 và Đông Xuân 2024-2025. Từ 3 mùa vụ sản xuất lúa thực tế tiến hành đánh giá, đo đạc, Bộ NN-PTNT sẽ phê duyệt kế hoạch hệ số giảm phát thải.