BSCKII. Hoàng Ngọc Ánh, Phó Trưởng Khoa Hồi sức tích cực chống độc Bệnh viện Thống Nhất (TP.HCM) cho biết, các bác sĩ của Khoa vừa tiếp nhận một nữ bệnh nhân sinh năm 1988 vào viện vì sốt, khó thở sau đó diễn tiến nặng, gia đình xin về.

Theo lời kể của gia đình, trước đó 1 tuần, bệnh nhân có gọi người đến nhà tiêm filler nâng ngực. Tổng lượng filler tiêm không rõ, sau khi tiêm thì bệnh nhân bắt đầu khó thở diễn biến nặng dần.

Sau khi vào viện bệnh nhân được theo dõi sát. Tuy nhiên, đến 27/2, bệnh nhân bị ho ra máu sét đánh, với 1 lượng lớn máu. 

 Hình ảnh chụp Xquang phổi của bệnh nhân 

Kết quả chụp Xquang phổi có thuốc cản quang thấy trắng xoá nhu mô phổi, dựng hình CT thấy nhiều ổ xuất huyết lớn ở khắp 2 bên phổi. Tiên lượng cực kì xấu. Dù được tích cực cứu chữa nhưng bệnh nhân đã không qua khỏi và tử vong vào ngày 28/2 với chẩn đoán sốc mất máu do chảy máu trong phổi. 

Cũng theo BS.Ánh, hiện chưa kết luận được nguyên nhân tử vong của bệnh nhân là do liên quan đến chất làm đầy. Trong khi hội chứng xuất huyết phế nang lan tỏa có thể gặp trong nhiều bệnh lý như rối loạn miễn dịch, nhiễm trùng, nhiễm độc.

Theo các bác sĩ  thẩm mỹ, tiêm filler vào mông và ngực có thể được xem là một chống chỉ định đối với tiêm filler, vì biến chứng quá nặng nề.

Những biến chứng hay gặp nhất như hoại tử, áp xe, biến dạng mông ngực, filler chui vào phổi như ca bệnh trên, v.v... Chưa kể loại filler sử dụng bơm mông và ngực thường là filler kém chất lượng.

Trả giá đắt vì thẩm mỹ làm đẹp kém an toàn

Liên quan đến vấn đề này, PGS Đỗ Quang Hùng, nguyên trưởng khoa phẫu thuật tạo hình, Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, rất nhiều người dân đã phải trả giá thậm chí mất cả mạng vì thẩm mỹ làm đẹp chui, kém an toàn.

PGS. Hùng cho biết thêm, hiện nay đang bùng nổ tiêm filler, ở đâu cũng thấy quảng cáo tiêm filler. Chỉ cần lên mạng và gõ từ khoá tìm về filler hay các khoá học tiêm filler, botox sẽ ra hàng trăm kết quả. Với những quảng cáo mùi mẫn, học viên không cần tiêu chí gì chỉ cần đóng tiền. Có lẽ chính từ những quảng cáo này mà đã cho ra lò rất nhiều người tự nhận mình là bác sĩ, kỹ thuật viên tiêm. 

Vì thế, hầu  như tuần nào PGS. Hùng cũng có vài ca sửa chữa biến chứng từ các spa nào là tiêm chất làm đầy môi, mũi, thái dương… rồi thậm chí cả phẫu thuật xâm lấn như nhấn mí, nâng mũi độn chất liệu.

Điều đáng nói là tất cả các ca tai biến đều được thực hiện bởi các bác sĩ không rõ lai lịch, thậm chí chỉ là “bác sĩ” học nghề ở các thẩm mỹ viện được vài tháng. Trong khi đó, tiêm chất làm đầy phải do bác sĩ thực hiện. Ở nước ngoài chất làm đầy họ sử dụng rất nhiều và không có biến chứng nhiều vì họ được thực hành tốt bởi những người có kinh nghiệm, có trình độ và kỹ thuật.  

Cũng theo PGS. Hùng ngoài trình độ, tay nghề bác sĩ thì chất liệu filler cũng cần phải quan tâm bởi thị trường nhan nhản các loại chất làm đầy không rõ nguồn gốc. Đơn cử, nếu 1 cc chất làm đầy có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng thì giá khoảng 7- 8 triệu đồng, nhưng chất không rõ nguồn gốc chỉ bán với giá từ 800 ngàn đồng đến 1 triệu đồng. Nếu người có nhu cầu chỉ cần 2 - 3 triệu đồng là có thể làm đẹp. Thử nghĩ xem nếu tiêm loại không rõ nguồn gốc trôi nổi vào người thì hậu quả sẽ ra sao?

“Tiêm filler chỉ là một phẫu thuật nhỏ nhưng việc đảm bảo an toàn cho bệnh nhân phải luôn đặt lên hàng đầu, không phải muốn tiêm ở đâu cũng được, ai tiêm cũng được, tiêm chất gì cũng được. Do đó, với người muốn làm đẹp bằng filler phải đến các cơ sở được cấp phép và phải được tiêm bởi bác sĩ thực đã có chứng chỉ hành nghề. Bởi, nhẹ dạ hay xuề xoà trong trường hợp này chẳng khác nào tự sát”,  PGS. Hùng nhấn mạnh.

Theo Sức khỏe & Đời sống