- Mấy ngày qua dư luận đang rất quan tâm đến thông tin một nữ tử tù bỏ ra 50 triệu đồng mua tinh trùng thụ thai để thoát án tử. Một phạm nhân nam đã tuồn tinh trùng cho nữ tử tù. Đến khi cơ quan chức năng phát hiện thì nữ phạm nhân đã mang thai hơn 6 tháng.

Tại phiên tòa xét xử phúc thẩm vào tháng 6/2014, Nguyễn Thị Huệ bị tuyên án tử hình về tội mua bán trái phép chất ma túy. Trong quá trình bị giam giữ Huệ đã làm quen với phạm nhân Nguyễn Tuấn Hưng tội trộm cắp tài sản. Hưng giúp Huệ mang thai với giá 50 triệu đồng. Sau 2 lần lấy tinh trùng của mình chuyển cho Huệ, phạm nhân Huệ đã mang thai.

Với trường hợp này, hai phạm nhân này có phạm tội mua bán tinh trùng hay không? Biện pháp xử lý và hình phạt như thế nào?

{keywords}
Hình ảnh chỉ mang tính chất minh họa.

Luật sư Nguyễn Thành Công trả lời: Trước hết cần khẳng định hành vi mua bán tinh trùng không phải là tội phạm được Bộ luật Hình sự quy định. Do đó, không thể xử lý hình sự đối với hành vi mua bán tinh trùng một cách độc lập. 

Vụ án này cần đặt trong mối liên hệ về nguyên nhân, cách thức để người tử tù có thể thụ tinh do hành vi mua bán tinh trùng này là kết quả của sự móc nối, giàn xếp giữa nhiều đối tượng quản lý của trại giam thì mới có thể xử lý hình sự được. Lúc này, việc mua bán kia là một mắt xích trong chuỗi hành vi vi phạm pháp luật của một nhóm người. Tùy vào ý chí chủ quan của người bán mà không hoặc có thể xử lý hình sự ở vai trò đồng phạm đối với phạm nhân bán tinh trùng kia.

Căn cứ theo quy định tại khoản 3 Điều 11 Luật hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác 2006 thì một trong những hành vi bị nghiêm cấm đó là “Mua, bán mô, bộ phận cơ thể người”. Tuy nhiên tinh trùng không được xem là mô, bộ phận cơ thể người nên cũng không thể bị điều chỉnh bởi quy định này.

Trở lại vụ việc nêu trên, để xử lý hai phạm nhân bán và mua thì phải căn cứ vào tài liệu điều tra và khai nhận của họ thì mới xác định được hành vi đó có thể bị xử lý pháp luật ở ngành luật nào. 

Nếu người bán không biết được mục đích của người mua (hoặc người trung gian, người vận chuyển…) thì hành vi này, tức ý chí chủ quan của họ đã nhận thức, biết rõ được việc của mình làm và thấy được hậu quả xảy ra nhưng vẫn thực hiện thì sẽ bị xử lý với vai trò đồng phạm của những người cán bộ trại giam hoặc phạm nhân khác tiếp tay (trong trường hợp điều tra xác định được sự tiếp tay này).

Tư vấn bởi luật sư Nguyễn Thành Công, Công ty Đông Phương Luật, ĐLS TP.HCM

Bạn đọc muốn gửi các câu hỏi thắc mắc về các vấn đề pháp luật, xin gửi về địa chỉ banbandoc@vietnamnet.vn (Xin ghi rõ địa chỉ, số điện thoại để chúng tôi tiện liên hệ)

Ban Bạn đọc