Phong bì, đặc sản, tặng phẩm hay chỉ là tình cảm… nhiều phụ huynh khá đầu tư để có quà Tết Nguyên đán cho cô giáo.
"Mồng một tết cha, mồng hai tết mẹ, mồng ba tết thầy", không ra năm thì cuối năm, dù gì cũng phải có một món quà cho cô giáo dịp Tết Nguyên đán.
Phong bì "kém duyên" nhưng là giải pháp hữu hiệu
Anh Lê Phước Hiển, quận Bình Thạnh (TP.HCM) cho biết có hai con, một bé đang học lớp 1 và một bé học mẫu giáo. Sắp tới Tết Nguyên đán, anh đã chuẩn bị sẵn các món quà để tặng cô giáo. “Tôi tính sẽ lì xì cho cô giáo chủ nhiệm và bảo mẫu của con mỗi người một phong bì một triệu đồng” – anh Hiển cho biết.
Theo anh Hiển, đồng lương giáo viên khá eo hẹp, thưởng tết không nhiều, nếu tặng cô hộp mứt, giỏ quà cũng được nhưng lại không biết sở thích các cô như thế nào. “Thôi thì lì xì các cô để các cô có thể tự do lựa chọn theo sở thích, hoặc gom góp vào mua sắm tết” - anh Hiển giải thích về lý do chọn "phong bì" làm quà tặng.Cũng theo anh Hiển, việc tặng phong bì không xấu. "Phong bì chỉ thực sự xấu nếu nghĩ là sự biến tướng. Chúng tôi coi đó như một món quà cảm ơn cho các cô nên chỉ dừng lại ở ý nghĩ là một món quà tết”.
Chị Đặng Nguyễn Phương Anh ở Quận 10 (TP.HCM) bày tỏ quan điểm "dù phong bì là quà tặng kém duyên nhưng là giải pháp hữu hiệu".
“Những năm trước tôi chỉ bỏ lì xì 300 đến 500 ngàn tặng cô giáo, nhưng ngày 20/11 vừa qua tôi chưa tặng quà cho cô nên nhân dịp này sẽ tặng nhiều một chút. Tôi sẽ tặng mỗi cô một phong bì một triệu đồng. Đây là món quà thay cho lời cảm ơn của các con đối với cô giáo vào ngày tết”.
Theo chị Phương Anh, những ngày tết ai cũng mong muốn nhận được những món quà hữu ích. Các cô giáo cũng vậy, công tác cả năm cũng mong nhận được lời cảm ơn. Nhưng “của cho không bằng cách cho”, nếu phụ huynh tặng quà ý tứ thì không sợ gì hết”.
Trong khi đó, chị Nguyễn Cẩm Tú, một nhân viên văn phòng cho rằng thay vì phong bì là giải pháp chị mua voucher siêu thị tặng cô giáo. “Hiện nay không phải nhà nào cũng khó khăn, thiếu thốn đồ dùng như trước, nên tặng voucher để cô thích gì thì mua hộ”.
“Em dâu tôi là giáo viên cấp ba nên tôi biết. Mỗi dịp 20/11 hay tết, em nhận được rất nhiều tặng phẩm nào ấm chén, đồ dùng, dầu gội, nước hoa. Có nhiều thứ em ấy không dùng hoặc dùng không hết, lo hết hạn nên cuối cùng lại đi mang cho người khác. Nếu mình tặng cô mà cô cũng đi tặng lại cho người khác thì tiếc. Chi bằng cứ để mua cho tiện, cô thích gì thì mua” - chị Tú kể
Mang “đặc sản quê” tặng cô giáo
Chị Nguyễn Thanh Huyền, Quận 1 thì cho biết chị có quê gốc Đà Lạt nên dịp Tết Nguyên đán sẽ tặng cô một giỏ quả gồm những thứ được mang từ Đà Lạt về.
"Cũng không nhiều nhặn gì, chỉ là đồ khô sấy nhưng mình tự lựa chọn những thứ có chất lượng, đảm bảo vệ sinh sau đó gói lại, như vậy sẽ có ý nghĩa hơn mua giỏ quà có sẵn ngoài siêu thị" - chị Huyền cho biết. Ngoài ra chị cũng sẽ "đính" kèm theo bao lì xì 300 ngàn đồng.
Trong khi đó, chị Nguyễn Quỳnh Hương hiện đang làm trong một cơ quan Nhà nước vừa tặng cho hai cô giáo chủ nhiệm của hai con mỗi người một ký mực khô, một ký tôm khô cùng phong bì 300 ngàn.
"Ngoài đi làm, tôi có tập tành buôn bán thực phẩm sạch trên mạng. Mực khô và tôm khô là hai đặc sản ở quê tôi chuyển vào Sài Gòn. Hơn nữa, tặng quà này cũng không sợ lãng phí vì nhu cầu ai cũng có. Hằng ngày cô giáo cũng phải đi chợ, mua thức ăn như bao gia đình khác ở thành phố".
Chị Hương cũng cho biết ngoài các dịp lễ tết, thì những ngày thường nếu có đặc sản gì được gia đình gửi từ quê vào cô cũng chia sẻ với cô giáo.
"Ở thành phố cái gì sạch đều được trân quý, tôi tặng cô vì cái tình. Đó là sự cảm ơn dành cho cô giáo đã chăm chút cho con mình " - chị Hương chia sẻ.
Một giáo viên ở Quận 1 (TP.HCM) cho biết, cô rất vui khi nhận được những món quà từ phụ huynh vào ngày tết vì đó là lời cảm ơn thay cho các em. “Chúng tôi không đặt nặng quà cáp hay tiền bạc, chúng tôi chỉ mong phụ huynh nghĩ đó là cái tình thì cái gì cũng quý giá”.
Tuệ Minh