Giảm tỷ lệ hộ nghèo còn 3%
Sở NN&PTNN tỉnh Bắc Giang cho biết, tỉnh đang tích cực triển khai thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới năm 2023 trên địa bàn.
Theo đó, mục tiêu đặt ra đối với cấp huyện là tiếp tục duy trì, nâng cao chất lượng các tiêu chí đối với các huyện đã đạt chuẩn nông thôn mới; thành phố hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới để tạo tiền đề xây dựng nông thôn mới nâng cao.
Đối với cấp xã, tỉnh đề ra mục tiêu có thêm 9 xã đạt chuẩn nông thôn mới, lũy kế 154/182 xã, đạt 84,6%; có thêm 13 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao, lũy kế 55 xã, đạt 30,2%; có thêm 9 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới kiểu mẫu, lũy kế 10 xã, đạt 5,5%.
Đối với các xã đã đạt chuẩn, tỉnh xác định tiếp tục duy trì, nâng cao chất lượng các tiêu chí theo Bộ tiêu chí nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 và xây dựng kế hoạch thực hiện Bộ tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu thời gian tiếp theo.
Đáng lưu ý, trong năm 2023, tỉnh Bắc Giang phấn đấu nâng cao chất lượng đời sống người dân nông thôn: Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 3%; thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt 48 triệu đồng/người/năm. Trong đó, phấn đấu trên 99% dân số tỉnh tham gia BHYT, 56% tỷ lệ dân số nông thôn được dùng nước sạch.
Những giải pháp quyết liệt
Để đạt được những kết quả trên, ông Lê Ô Pích, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang cho biết, ngay từ đầu năm tỉnh đã đặt ra một loạt giải pháp.
Theo đó, tỉnh đã đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh triển khai, chỉ đạo các tổ chức chính trị - xã hội thành viên và các đoàn thể tiếp tục tuyên truyền để huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị, người dân cùng thực hiện hiệu quả phong trào thi đua “Bắc Giang chung sức xây dựng nông thôn mới” giai đoạn 2021-2025, cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”...
Song song đó, tỉnh cũng nhân rộng kết quả thực hiện mô hình điểm thôn nông thôn mới kiểu mẫu để các địa phương học tập. Tập trung tuyên truyền cách làm hay, sáng tạo, sự tham gia của cộng đồng trong thực hiện thôn nông thôn mới kiểu mẫu để nâng cao ý thức tự giác, tự chủ, phát huy năng động sáng tạo của người nông dân trong tổ chức thực hiện.
Theo ông Lê Ô Pích, tỉnh cũng có chủ trương phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn đồng bộ, hiện đại, đảm bảo kết nối nông thôn - đô thị.
Trong đó, ở cấp xã, Bắc Giang sẽ tiếp tục đầu tư, duy tu, bảo dưỡng hệ thống hạ tầng phục vụ sản xuất và dân sinh ở nông thôn như: giao thông, thủy lợi, điện, trường học, cơ sở vật chất văn hóa, thông tin truyền thông, cơ sở y tế, nước sạch tập trung,… gắn với tiêu chí xã nông thôn mới, nâng cao, kiểu mẫu, thôn nông thôn mới kiểu mẫu.
Đối với cấp huyện, chú trọng đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn gắn với phát triển đô thị. Ưu tiên đầu tư hình thành và phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng thu mua, kết nối, cung ứng nông sản hiện đại, cơ sở hạ tầng chế biến, thương mại và dịch vụ gắn với vùng sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn.
Đặc biệt, tỉnh tiếp tục ưu tiên thúc đẩy hỗ trợ phát triển các vùng sản xuất tập trung quy mô lớn, cơ giới hoá đồng bộ gắn với các mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, chú trọng phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sinh thái theo hướng kinh tế tuần hoàn.
Trong đó, đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số trong nông nghiệp gắn với áp dụng quy trình kỹ thuật chuẩn, cấp mã vùng sản xuất và truy xuất nguồn gốc, gắn với sản xuất đạt tiêu chuẩn hữu cơ hoặc các tiêu chuẩn khác.
Theo lãnh đạo tỉnh Bắc Giang, mục tiêu mà Ban chỉ đạo Chương trình xây dựng Nông thôn mới đặt ra trong năm 2023 là có thêm 25-30 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP từ 3 sao trở lên, lũy kế tối thiểu có 230 sản phẩm. Nâng hạng sao cho 5-10 sản phẩm, phấn đấu xây dựng, phát triển 1 sản phẩm đạt 5 sao cấp quốc gia.
Cũng trong năm nay, tỉnh đặt mục tiêu thành lập thêm tối thiểu 20 hợp tác xã nông nghiệp, trong đó chú trọng nâng cao chất lượng hoạt động của các hợp tác xã nông nghiệp với khoảng 60% hợp tác xã hoạt động hiệu quả.