Việt Nam là một trong các quốc gia có cộng đồng nhà đầu tư tiền ảo, tài sản ảo lớn mạnh nhất |
Quỹ đầu tư tự phát, dự án lùa gà, rút thảm… giăng bẫy chờ “gà”
Cộng đồng nhà đầu tư tiền số đang xôn xao vì thông tin Quỹ đầu tư tiền kỹ thuật số crypto MMEG thua lỗ, mất trắng toàn bộ số tiền huy động 719.000 USD (gần 16 tỷ đồng). Quỹ này hoạt động theo hình thức lãi thì giữ lại 20% lợi nhuận, còn lại sẽ chia cho nhà đầu tư; nếu lỗ chạm mức 18% thì ngưng đầu tư và hoàn trả lại tiền. Hiện nhà đầu tư yêu cầu Quỹ phải trả lại 82% vốn góp (tương đương 590.000 USD).
Vụ việc trên đang được dàn xếp, song có rất nhiều phán đoán được nhà đầu tư đưa ra. Nhiều ý kiến cho rằng, với việc tiền ảo rớt giá mạnh thời gian qua, việc MMEG thua lỗ là dễ hiểu. Cũng có ý kiến cho rằng, quỹ này chỉ vờ thua lỗ để cướp tiền của nhà đầu tư.
Thực tế, không chỉ ở Việt Nam mà trên thế giới, rất nhiều quỹ đầu tư tiền ảo tự phát nổi lên. Nhiều quỹ đầu tư tung “mồi nhử” là các khoản lợi nhuận kếch xù hằng tháng, dụ hàng trăm, hàng ngàn nhà đầu tư bỏ vốn, sau đó biến mất với chiêu bài “thua lỗ, cháy tài khoản”. Không chỉ ở các quỹ đầu tư tiền số tự phát, mà trên thị trường, rất nhiều nhà đầu tư đã mất trắng bởi rất nhiều hình thức lừa đảo khác nhau.
Anh Nguyễn Văn Mạnh - một nhà đầu tư tại Hà Nội cho hay, anh vừa mất gần 2.000 USD vì một chiêu lừa rất tinh vi, ăn theo làn sóng đầu tư NFT đang lan rộng. Cụ thể, gần đây, anh có tham gia một nhóm đầu tư tài sản số trên mạng xã hội và thấy có một nick tự xưng là admin của nhóm, rất hay chia sẻ về các game NFT kiếm tiền miễn phí (chơi game được tặng NFT, rồi bán NFT lấy tiền).
Sau đó, đối tượng gửi anh Mạnh đường link game và hướng dẫn tham gia, anh truy cập được vào một trang web game Cat Island catislandpad với đồ họa đẹp mắt. Để chơi game này, anh phải kết nối với ví tiền ảo của mình. Ngay khi anh kết nối, trang web đòi phải nhập mật khẩu ví. Tuy nhiên, ngay sau khi truy cập, toàn bộ số tiền ảo trị giá hơn 2.000 USD trong ví của anh đã bị bốc hơi, đối tượng cũng xóa và chặn nick của anh ra khỏi nhóm.
Trong khi đó, hàng loạt nhà đầu tư Việt cũng tố nhiều dự án game do người Việt phát triển như Crypto Bike, Floki Iron... lừa đảo nhà đầu tư. Đội ngũ phát triển sau khi “lùa gà”, thu lợi hàng chục ngàn USD đã lần lượt “rút thảm” khiến giá tiền ảo của các game này rơi thẳng đứng, nhà đầu tư trắng tay.
“Những kiến thức về tài sản số còn rất mới mẻ với cộng đồng, kể cả với những người nổi tiếng. Nhiều KOL vì nhận lợi ích mà quảng cáo, lôi kéo nhà đầu tư vào các ‘dự án rác’, dự án lừa đảo. Do tin vào những người nổi tiếng và thiếu hiểu biết về tài sản số, nhiều khách hàng đã bị ‘lùa gà’, bị ‘xén lông cừu’ từ các dự án ‘ma’”, ông Phan Dũng Khánh, chuyên gia phân tích nhận định.
Trong khi đó, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia ngân hàng cũng cho rằng, nhiều nhà đầu tư rót tiền vào tiền ảo do lòng tham và đi theo phong trào, nguy cơ mất tiền là rất lớn.
Tài sản số còn nhiều triển vọng, nhưng nguy cơ quá lớn
Không chỉ ở Việt Nam mà trên thế giới, nhiều quỹ đầu tư tự phát huy động hàng triệu USD để đầu tư vào tiền số rồi bốc hơi đang ngày càng nhiều. Các hình thức lừa đảo trên thị trường tài sản số cũng tăng với tốc độ tên lửa.
Theo báo cáo từ Công ty phân tích blockchain Chainalysis, các vụ lừa đảo đã đánh cắp tới 14 tỷ USD tiền số trong năm 2021 và có nguy cơ tăng mạnh năm nay. Khảo sát thường niên với giới chức chứng khoán của Hiệp hội Các nhà quản lý chứng khoán Bắc Mỹ (NASAA) cho thấy, năm 2022, đầu tư liên quan đến tiền số và tài sản số là mối đe dọa lớn nhất với nhà đầu tư cá nhân.
Việt Nam là một trong các quốc gia có cộng đồng nhà đầu tư tiền ảo, tài sản ảo lớn mạnh nhất. Sau cơn sốt tiền ảo, thời gian gần đây, nhà đầu tư Việt lại quay cuồng với cơn sốt NFT, đổ xô mua bất động sản ảo, tranh ảo, đồ vật trong game… trên các nền tảng khác nhau.
Ông Phan Dũng Khánh cho rằng, về dài hạn, thị trường tài sản số vẫn tích cực do xu hướng công nghệ 4.0, làn sóng số hóa, cũng như các ứng dụng của tài sản số ngày càng đa dạng. Dù vậy, thị trường tài sản số hiện nay các dự án rác, dự án lừa đảo quá nhiều và các dự án này sẽ sớm bị đào thải. Chỉ những dự án lớn mang lại giá trị thực sự, dài hạn… mới có thể tồn tại lâu.
Liên quan đến vấn đề này, TS. Hồ Quốc Tuấn, giảng viên Đại học Bristol (Anh) cũng cho rằng, thị trường NFT đang bị thống trị bởi một số ít “cá mập”, do vậy cần một khung pháp lý quản lý thị trường tài sản số này.
Mặc dù Bộ Tài chính đã thành lập Tổ nghiên cứu về tài sản ảo, tiền ảo để thực hiện yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ, song đến nay vẫn chưa có quy định nào được ban hành. Trong khi đó, mối nguy rửa tiền, lừa đảo… liên quan đến tiền ảo, tài sản ảo ngày càng hiện hữu.
Tôi cho rằng, tài sản số (trong đó có tiền số, tiền ảo) không phải là xu hướng ngắn hạn, mà là xu hướng dài hạn, song sẽ ngày càng có sự thanh lọc mạnh mẽ. Hiện nay, tài sản số ở giai đoạn “mông muội”, nhiều dự án rất “tào lao” như chụp hình ly rượu, chụp ảnh selfie…, rồi tung lên mạng cũng bán được với giá cả ngàn USD. Tuy vậy, các sàn quốc tế lớn đang thắt chặt lại các dự án được đưa lên sàn. Theo đó, tới đây, chỉ những tài sản số có giá trị thực mới có thể lên sàn, chứ không phải rác cũng được tung lên sàn, giúp một số cá nhân làm giàu như thời gian qua.
(Theo Báo Đầu Tư)
Thế giới thiệt hại 14 tỷ USD vì lừa đảo tiền số năm 2021
Những kẻ lừa đảo đã lấy đi 14 tỷ USD tiền điện tử trong năm 2021 nhờ sự phổ biến của các nền tảng tài chính phi tập trung (DeFi).