Không chỉ là nghề tay trái, đối với anh Đinh Hoàng Thái (34 tuổi – đối tác tài xế GoViet), nghề tài xế công nghệ thực sự là nghề tay phải với sự đầu tư “vào nghề” nghiêm túc: “Hồi trước tôi làm sale cho một công ty sản xuất bao bì. Tôi quyết định chuyển nghề vì nghề cũ không được chủ động thời gian, không ai đưa đón con đi học, lại phải đi tiếp khách ngoài giờ nhiều, không có lợi cho sức khỏe mà thu nhập làm mấy năm vẫn “giậm chân tại chỗ”. Lúc có ý định chuyển nghề, tôi cũng tham khảo ý kiến của người quen nhiều lắm. Cuối cùng, tôi quyết chọn đầu quân cho GoViet vì công việc này linh động giờ giấc, thu nhập không giới hạn, mình làm được bao nhiêu thì hưởng bấy nhiêu và chính sách đãi ngộ từ hãng khá tốt. Lúc đang có dịch, tôi hỏi thăm những người đồng nghiệp cũ thì nghe họ than là công việc khó khăn lắm, thu nhập không có. Tôi thấy thật may mắn là mình đã quyết định chuyển nghề đúng lúc. Do là tài mới nên tôi cũng chưa có nhiều kinh nghiệm về nhận biết đường hay phong cách phục vụ khách hàng sao cho chuyên nghiệp. Tôi vẫn hay nói chuyện với các bác tài kỳ cựu để học hỏi thêm cũng như tuân thủ theo bộ Tiêu chuẩn dịch vụ của GoViet. Tôi tin là khi mình còn trẻ khỏe, lại nỗ lực học hỏi và làm việc thì có thể đảm bảo thu nhập cho cuộc sống gia đình.”
Không chỉ là nghề tay trái như nhiều người vẫn nghĩ, rất đông các bác tài chọn công việc tài xế công nghệ làm “sự nghiệp” chính. |
Khác với anh Thái chọn nghề tài xế công nghệ làm công việc toàn thời gian, đối với Lê Văn Trọng (20 tuổi – đối tác tài xế GoViet), nghề tài xế công nghệ là công việc bán thời gian hỗ trợ đời sống của bạn tốt hơn: “Tôi đang học năm 2 cao đẳng Bách khoa và tôi chọn nghề tài xế công nghệ làm công việc bán thời gian ngoài lịch học ở trường. Nhiều người chê cười việc sinh viên đi làm tài xế công nghệ là uổng phí chất xám. Nhưng sau một tháng “vào” nghề, tôi hoàn toàn hài lòng với quyết định của mình. Làm nghề này, tôi có thể linh động thời gian, chủ động làm việc bất cứ lúc nào sau giờ học trên trường và sau khi hoàn thành bài vở ở nhà. Tôi chỉ chạy lúc rảnh rỗi thôi mà tháng đầu tiên đã kiếm được gần 4 triệu đồng rồi. Số tiền này gần đủ cho sinh viên như tôi trang trải cuộc sống ở thành phố, không tạo thêm gánh nặng cho cha mẹ ở quê. Nhờ việc chạy xe, tôi nhớ đường nhiều hơn, nâng cao kỹ năng giao tiếp với khách hàng, xử lý tình huống cũng đỡ lúng túng hơn. Tôi nghĩ những kỹ năng học được lúc làm tài xế công nghệ đều có giá trị dù tôi chọn bất cứ nghề gì sau khi tốt nghiệp. Vì vậy nên tôi rất trân trọng công việc này.”
Nghề tài xế công nghệ có những ưu thế nghề nghiệp rất riêng so với các nghề khác, đặc biệt phát huy trong thời điểm giãn cách xã hội. |
Anh Lê Văn Thành (23 tuổi – đối tác tài xế công nghệ) lại có sự “rẽ lối” nghề nghiệp rất riêng: “Vừa ra trường cách đây 1 năm, tôi“đầu quân” ngay cho một công ty du lịch. Công việc đúng chuyên môn, thu nhập cũng ổn định. Cho đến khi có dịch Covid-19, toàn ngành du lịch bị đứng lại, thu nhập của tôi là con số 0. Để giải quyết tình hình tài chính, tôi chọn gia nhập đội tài xế công nghệ vì quan sát thấy nghề này không bị ảnh hưởng bởi dịch. Người thân cũng có ý kiến là đang làm du lịch “sang” quá sao chuyển qua làm “xe ôm” thấy “kém sang” hẳn. Nhưng tôi thấy không có vấn đề, miễn công việc của mình chính đáng, đáp ứng được nhu cầu của xã hội và nuôi sống bản thân thì không phân “sang hèn”. Bên hãng cũng hỗ trợ tài xế mới như tôi rất tốt nên thấy an tâm hơn. Dù sau này khi ngành du lịch ổn định lại, có thể quay lại nghề cũng như tôi vẫn chọn nghề tài xế công nghệ làm nghề phụ vì những lợi thế của nghề này rất hấp dẫn.”
Dù có bao nhiêu lý do dẫn đến “rẽ lối” sang nghề tài xế công nghệ thì điểm chung của các bác tài công nghệ là đều đang nỗ lực phục vụ xã hội từng ngày từng giờ, chứng minh vai trò của nghề đối với xã hội, giúp các bác tài mới thêm tự tin gia nhập nghề.
Phương Dung