Mì chính giả tràn lan
Sáng 28/1, lực lượng liên ngành tại Ninh Bình phát hiện cửa hàng mua sắm tự chọn Trọng Đán (ở thị trấn Me, huyện Gia Viễn) đang kinh doanh gần 400kg mì chính có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu Ajinomoto và 1 bao mì chính trọng lượng 25kg có ghi chữ Trung Quốc. Chủ cửa hàng không xuất trình được hóa đơn, giấy tờ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ của số hàng trên.
Trước đó, ngày 22/1, cơ quan chức năng kiểm tra 2 kho hàng tại hẻm 907 Hương Lộ 2, quận Bình Tân, TP.HCM và phát hiện gần 1.800 bao bột ngọt (mì chính) nhãn hiệu hai con tôm loại 25 kg/bao. Bề mặt bao bì được in bằng chữ Trung Quốc, không có tiếng Việt. Ước tính khối lượng bột ngọt tới 45 tấn, trị giá gần 2 tỷ đồng. Số bột ngọt này không có hóa đơn, chứng từ mua bán và nguồn gốc xuất xứ. Loại bột ngọt này bị cấm lưu thông trên thị trường Việt Nam.
Số bột ngọt Trung Quốc nghi nhập lậu (Ảnh: Tổng Cục Quản lý thị trường) |
Không chỉ kinh doanh mì chính giả, nhiều đối tượng còn trực tiếp sản xuất rồi đem bán hòng thu lợi nhuận cao.
Điển hình là vụ việc tháng 12/2020, Công an Nam Định triệt phá cơ sở làm mì chính giả nhãn hiệu Miwon, Ajinomoto do Đặng Thị Thu Hà (SN 1970) làm chủ. Hà khai nhận đặt in bao bì giống hệt bao bì các hãng mì chính có tên tuổi rồi mua mì chính giá rẻ từ Trung Quốc loại 25 kg/bao về sang chiết, đóng gói làm giả mì chính nhãn hiệu Miwon, Ajinomoto, đưa đi tiêu thụ. Khám xét nơi ở và kho hàng của Hà, công an thu giữ hơn 7 tạ mì chính và nhiều vỏ gói giả nhãn hiệu Ajinomoto, Miwon cùng một số tài liệu, vật chứng liên quan đến việc buôn bán mì chính giả.
Còn tại Hà Nam, ngày 19/12/2020, tại quốc lộ 38B (thuộc địa bàn xã Nhân Nghĩa, huyện Lý Nhân), công an bắt quả tang Dương Thị Nhài (SN 1974) sản xuất, buôn bán gần 100kg mì chính giả. Nhài khai nhận mua nguyên liệu mì chính giả và vỏ bao nilon không rõ nguồn gốc xuất xứ trên thị trường đem về đóng thành các gói loại 1kg, bán ở một số chợ quanh khu vực để kiếm lời.
Tại Đà Nẵng, rạng sáng 14/7/2020, Công an quận Thanh Khê bắt quả tang cơ sở sản xuất bột nêm, mì chính giả do ông Phan Tuyến (SN 1970) làm chủ. Ông Tuyến khai đã mua nguyên liệu không có nguồn gốc đem về phân chia và đóng gói vào nhiều bao bì có in thương hiệu của các hãng hạt nêm, mì chính nổi tiếng như Knorr, Aone, Ajinomoto,... đem bỏ mối cho nhiều tiểu thương tại các chợ trên địa bàn TP.Đà Nẵng.
Ngày 14/5/2020, tại ngõ 554 Trường Chinh, phường Khương Thượng, quận Đống Đa, Hà Nội, lực lượng chức năng kiểm tra xe bán tải do Vũ Hùng Tuấn (42 tuổi, ở Hà Đông) điều khiển và phát hiện 80 gói mì chính không có hóa đơn, giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ. Khám xét khẩn cấp cửa hàng tạp hoá của gia đình Tuấn tại địa chỉ số 24 Hoàng Hoa Thám, quận Hà Đông, công an thu giữ hơn 1 tấn mì chính giả mang hai nhãn hiệu nổi tiếng, cùng nhiều dụng cụ như máy hàn, bao bì nilon, 8 bao mì chính Trung Quốc...
Cơ quan công an đã làm rõ mẹ của Tuấn là bà Trần Thị Nhung đã nhập mì chính không rõ nguồn gốc xuất xứ rồi đóng vào các túi nilon giả thương hiệu nổi tiếng. Sau đó, Tuấn vận chuyển các sản phẩm này đi giao cho khách.
Cách chọn mì chính chuẩn
Mì chính là loại gia vị không thể thiếu trong bữa ăn của nhiều gia đình, nó giúp cho món ăn trở nên đậm đà, hấp dẫn hơn. Tuy nhiên, hiện nay, nhiều nhãn hiệu mì chính đã bị làm giả, làm nhái, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người tiêu dùng.
Mì chính là loại gia vị không thể thiếu trong bữa ăn của nhiều gia đình. |
Trả lời báo chí mới đây, PGS-TS Nguyễn Thị Lâm, nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia, cho biết: Người dân không nên sử dụng các loại mì chính, bột ngọt không nhãn mác, không rõ nguồn gốc xuất xứ và hạn sử dụng. Đây là loại mì chính chưa được kiểm soát về chất lượng, không loại trừ nguy cơ gây hại đến sức khỏe về lâu dài bởi những chất không cho phép có trong sản phẩm “ngoài luồng” này. Người tiêu dùng nên lựa chọn các sản phẩm uy tín, chất lượng và được kiểm tra, chứng nhận của các cơ quan có thẩm quyền.
Người tiêu dùng có thể phát hiện mì chính thật - giả nhờ sự quan sát và sử dụng các mẹo đơn giản dưới đây:
Dựa vào bao bì: Mì chính thật có biểu tượng của sản phẩm rõ ràng, màu sắc đỏ tươi, không bị nhòe mực in, bao bì dày dặn và không nhăn. Còn mì chính giả có biểu tượng sản phẩm màu vàng sậm, nhòe, không đọc được chữ bên trong, bao bì cứng, dễ nhăn nheo.
Quy cách đóng gói: Mì chính thật có đường hàn ở các cạnh túi bằng nhau, không nổi bọt và mặt sau dưới đáy bao có in nổi các dòng chữ ngày tháng sản xuất, rất rõ nét. Mì chính giả thường có các đường hàn ở 4 cạnh không đều nhau; mặt sau dưới đáy bao không in hoặc có ngày tháng sản xuất nhưng không rõ nét, khó đọc.
Căn cứ theo cánh mì chính: Mì chính thật có cánh mì to, không gãy. Trong khi đó, mì chính giả thì cánh không đều, gãy vụn và có nhiều bụi trắng.
Dựa vào trọng lượng: Hàng thật có trọng lượng tịnh luôn đúng với trọng lượng ghi trên bao bì. Nếu trọng lượng tịnh ít hơn hoặc gần tương đương với trọng lượng ghi trên bao bì thì chắc chắn đó là mì chính giả.
Hạnh Nguyên (Tổng hợp)