Căn bệnh này hủy hoại hôn nhân, phá hoại sự nghiệp và chôn vùi lòng tự trọng. Tuy nhiên, số lượng người Mỹ bị chẩn đoán mắc bệnh nghiện sex đang cao chưa từng thấy.
Valerie, 30 tuổi, nhận ra rằng tình dục đang hủy hoại cuộc đời của cô ngay sau khi cuộc hôn nhân thứ hai thất bại. Là một giám đốc nhân sự thành đạt nhưng Valerie lại “cắm sừng” cả hai người chồng: cô cặp kè với đồng nghiệp hoặc cộng tác viên; ngoại tình với những người đàn ông đã có gia đình còn số cuộc tình một đêm thì quá nhiều tới mức không thể nhớ xuể.
Vấn đề là Valerie không thể ngăn mình lại. Kể cả khi vợ của một người mà cô cặp kè đã gí súng vào đầu cô khi bắt quả tang chồng mình và Valerie làm chuyện ấy ngay trong nhà vệ sinh của nhà hàng.
"Đại dịch quốc gia"
Với Valerie, sex là một dạng tự thỏa mãn bản thân, nhằm xóa bỏ những cảm giác chán chường, buồn bực, thất vọng hay những nỗi sợ hãi đã đeo bám cô kể từ thời thơ ấu (Valerie bị bố mẹ bỏ rơi khi còn rất nhỏ). “Quan hệ tình dục là cách để cô ấy xoa dịu nỗi cô đơn và nỗi sợ hãi rằng mình là người thừa, rằng không một ai yêu quý mình”, bác sĩ tâm lý của Valerie cho biết.
Sau một thập kỷ buông thả, Valerie đã chạm đáy. Đối mặt với lần ly dị thứ hai, cộng với dấu chấm hết của một cuộc ngoại tình, Valerie nhận thấy cô đã trở thành một kẻ nghiện sex.
“Nghiện sex” hiện vẫn là một thuật ngữ gây nhiều tranh cãi. Nhiều nhà nghiên cứu bác bỏ sự tồn tại của căn bệnh này và cho rằng đó chỉ là một “truyền thuyết” mà các nhà làm phim hoặc bản tin thời sự tạo ra (sau những vụ scandal đình đám của ngôi sao golf Tiger Woods hay cựu Tổng Giám đốc IMF Dominique Strauss-Kahn).
Tuy nhiên, với phe ủng hộ thì “rối loạn hành vi tình dục” cũng là một hội chứng gây nghiện nguy hiểm không khác gì rượu hay ma túy. Tệ hơn, căn bệnh này đang hoành hành trên diện ngày càng rộng. Một số người thậm chí đã gọi đây là một “đại dịch quốc gia của nước Mỹ”.
Mọi giới, mọi lứa tuổi
Khó mà tìm được số liệu đáng tin cậy về số ca nghiện sex đã được chẩn đoán, song theo ước tính của Tổ chức Sức khỏe Tình Dục Lành mạnh (SASH) thì có tới 3-5% dân số Mỹ, tức là hơn 9 triệu người, đang biểu hiện những triệu chứng của bệnh. Số lượng các chuyên gia trị liệu về sex cũng đã tăng gấp 100 lần so với cách đây 10 năm. Hàng chục trung tâm điều trị đã mọc lên để đối phó với căn bệnh thời đại.
Ngay cả đặc điểm nhân chủng học của bệnh cũng thay đổi. Trước đây, đó thường là nam giới trung niên (40-50 tuổi), nhưng giờ đây ngày càng có nhiều phụ nữ, thanh niên và người cao tuổi mắc bệnh.
Cũng giống như trường hợp của Valerie là Tony, một người đàn ông 36 tuổi sống ở khu Westside sang trọng của Los Angeles. Trước đây, anh ta có thể đi bất kỳ đâu để tìm phụ nữ, sân bóng, trong câu lạc bộ hay thậm chí trên phố. Phải đến khi tham gia chương trình “Điều trị nghiện sex ẩn danh” bao gồm 12 bước của một Trung tâm trị liệu, Tony mới nhận ra bản chất của sự ám ảnh về tình dục mà anh mắc phải.
“Nó là cách để tôi trốn tránh cảm giác bất an và đối phó với những rắc rối tình cảm”, Tony nhớ lại.
Nghiện sex cũng như nghiện rượu!
Có một thực tế là hầu hết các chương trình điều trị hiện nay đều xây dựng theo mẫu của “Điều trị nghiện rượu ẩn danh”. Các chuyên gia cho biết, họ tiếp cận hội chứng này cũng giống như hội chứng rối loạn ăn uống. Người bệnh phải tự xác định mục tiêu và niềm tin của mình: “Thế nào là ăn uống lành mạnh? Liệu tôi có nên ăn buffet?” và tương tự, “thế nào là tình dục lành mạnh? Như thế nào là tình dục quá đà?”, ông Robert Weiss, người sáng lập Viện phục hồi tình dục Los Angeles so sánh.
Điều đáng lo ngại là nhiều người mắc bệnh nghiện sex đã tìm đến với ma túy và rượu để khỏa lấp sự hổ thẹn trong lòng mình. “Mỗi khi muốn thoát ra, tôi lại cảm thấy tuyệt vọng với ý nghĩ rằng mình sẽ phải sống cô đơn nốt phần đời còn lại. Tôi liên tục phải đấu tranh với nỗi sợ cô đơn, bị bỏ rơi, sự ám ảnh”, Tony tâm sự.
Cảm giác thăng hoa mà cuồng sex mang lại cho bệnh nhân cũng không kém gì khi con nghiện rượu và ma túy được thỏa mãn, Tiến sĩ Weiss cho biết. Các nghiên cứu cho thấy những bệnh nhân cuồng sex sẽ hình thành một khu vực “trung tâm hưng phấn” trên não và càng ngày, họ càng lệ thuộc vào nó. Đôi khi, bệnh nhân có thể đánh mất cả nhân tính của mình.
"Muốn được hâm mộ"
Trong đa số các trường hợp, bệnh nhân luôn tìm ra một lời bào chữa thuyết phục cho căn bệnh của mình. Nếu không vượt qua được rào cản này và tự gỡ bỏ lời bào chữa đó, bệnh nhân sẽ không bao giờ có thể hồi phục về mặt tâm lý.
Các chuyên gia trị liệu hy vọng rằng, việc đánh đồng cộng đồng về căn bệnh này sẽ giúp bệnh nhân ở mọi lứa tuổi, mọi giới tìm đến sự trợ giúp của y học. “Cuồng sex không hẳn xuất phát từ nhu cầu tình dục, mà nó là cảm giác “được hâm mộ, được người khác ham thích”, Tiến sĩ Weiss kết luận. “Một người lành mạnh sẽ phải đi tìm ý nghĩa của bản thân, của cuộc sống ở một nơi khác, chứ không phải ở tình dục”.
Y Lam