Trung Quốc và Nga đang chuẩn bị cho sự kiện quân sự lịch sử trong tuần này với các cuộc diễn tập hải quân song phương đầu tiên.
Tuần dương hạm Varyag của Hải quân Nga. Ảnh: Wordpress
Người ta còn nhắc tới khả năng tham dự cuộc tập trận chung của một con tàu mang tên Varyag khác, con tàu sân bay đầu tiên mà Trung Quốc mới đưa vào phục vụ trong lực lượng Hải quân, cho dù nước này không được đề cập tới. Theo China News Service, vào ngày 20-29/4 có thể thử nghiệm tàu sân bay - sự trùng hợp thú vị với các cuộc tập trận chung Trung - Nga từ 22-27/4.
Thực tế là, tàu sân bay thậm chí còn chưa có một cái tên chính thức. Các nhà phân tích quân sự thường chỉ gọi nó là "Varyag Trung Quốc". Con tàu này vẫn mang tên Varyag kể từ khi Trung Quốc mua lại của Ukraine và lai dắt về cảng Đại Liên dưới sự giải thích chính thức của quan chức Trung Quốc là biến nó thành một sòng bạc nổi.
Tháng 8 trước, sau gần 10 năm được khuếch trương ở Trung Quốc và một thập niên gây ra bao lo lắng cho Mỹ và Nhật Bản, chính phủ Trung Quốc cuối cùng đã thừa nhận "danh phận" cho con tàu. Chiếc tàu được nâng cấp đã giúp Trung Quốc tham gia câu lạc bộ (rất ít thành viên) các nước có tàu sân bay.
Tàu sân bay Trung Quốc chưa có cái tên, cũng chưa có máy bay hạ/cất cánh từ boong tàu, nhưng các nhà quan sát đang tự hỏi liệu điều này có xảy ra trong phiên thử nghiệm trên biển sắp tới? Và khi thành công, nó sẽ tăng cường các khả năng của Trung Quốc với trong chiến tranh biển lên một tầm cao mới.
Còn về Varyag của Hải quân Nga? Con tàu được xây dựng trong thời chiến tranh Lạnh nhằm mục tiêu là các tài sản chính của Mỹ ở Thái Bình Dương, và được cho là có thể sử dụng các tên lửa siêu âm nhanh chóng của mình để đánh chìm các tàu lớn của Mỹ trong trường hợp bùng nổ xung đột ở giai đoạn này. Varyag là tàu mang tên lửa hành trình lớp Slava, và được coi là “kẻ hủy diệt tàu sân bay” do có thể mang 1.000 kg thuốc nổ và đầu đạn hạn nhân chiến thuật với tầm bắn gần 500km.
Theo giới phân tích, điều động một tàu với mục đích xây dựng để làm tổn thương các tàu sân bay Mỹ vào cuộc tập trận chung có thể dẫn tới tư duy là, cuộc tập trận Trung - Nga thực chất nhằm vào Mỹ và đồng minh thân cận nhất của họ trong khu vực - đó là Nhật Bản.
Tuy nhiên, Trung Quốc, thậm chí có sự trợ giúp của Nga, cũng khó có thể theo kịp sức mạnh hải quân Mỹ. Nước này giờ đây có hơn 500 tàu chiến đấu các loại trong lực lượng hải quân, nhưng hầu hết đã cũ, nhỏ và không có khả năng tác chiến xa bờ. Trong khi đó Mỹ có hơn 280 tàu, số lượng nhỏ hơn, nhưng có nhiều khả năng hơn.
Nhưng, trước những động thái đang diễn ra, cả Mỹ và Nhật đều thực sự quan ngại.
Trong suốt thập niên qua, Hải quân Trung Quốc đã chứng tỏ có thể xây dựng được các tàu lớn, công nghệ hiện đại trang bị các loại vũ khí tối tân và hùng mạnh.
Hải quân Mỹ đặc biệt chú ý về sự kết hợp của các tàu ngầm không gây ồn; tiềm năng của các tên lửa đạn đạo chống hạm và tên lửa hành trình; vũ khí chống vệ tinh và không lực hiện đại mà Trung Quốc giờ đây có thể triển khai chống lại các lực lượng Mỹ ở Tây Thái Bình Dương. Lầu Năm Góc từng nhấn mạnh, nếu xảy ra thù địch giữa hai nước, Trung Quốc có thể sử dụng những "khả năng không đối xứng" để từ chối sự tiếp cận của Mỹ ở các khu vực hàng hải tại biển Hoa Đông và Biển Đông.
Trong khi đó, hải quân Trung Quốc còn chứng tỏ rằng, họ có thể xây dựng các tàu lớn hơn cho những sứ mệnh phức tạp hơn (kể cả hỗ trợ nhân đạo) và hoạt động ở khu vực xa hơn bao giờ hết so với trước đây. Trung Quốc gần đây đã triển khai các tàu trong sứ mệnh chống cướp biển ở vịnh Aden bao gồm tàu chiến lớn nhất mà nước này từng xây dựng - một chiến hạm đổ bộ 20.000 tấn. Năm ngoái, khi Trung Quốc sơ tán 30.000 công dân khỏi Lybia, họ đã gửi các tàu khu trục tới biển Địa Trung Hải để hộ tống nỗ lực sơ tán.
Về cuộc tập trận chung bắt đầu vào chủ nhật, Trung Quốc nói họ sẽ "tăng cường sâu sắc quan hệ hợp tác và chiến lược với Nga". Mục đích của diễn tập là để "cải thiện các khả năng cùng nhau phản ứng trước các thách thức và đe dọa mới" và "bảo vệ khu vực châu Á - Thái Bình Dương cũng như hòa bình, ổn định thế giới". Tuyên bố chính thức không đề cập tới tên một quốc gia nào, nhưng ít nhiều nó khiến người ta phải suy nghĩ khi Trung Quốc đề cập tới cái gọi là "những thách thức và những mối đe dọa mới".
Bộ Quốc phòng Mỹ đã đưa ra một học thuyết mới cho các lực lượng của họ, gọi là "Khái niệm Tác chiến Không - Biển" để triển khai tốt hơn công nghệ hiện đại trong lực lượng hải quân và không quân một cách toàn diện. Học thuyết này đánh dấu sự thay đổi chiến lược lớn của Lầu Năm Góc trong suốt thập niên qua.
Một đại diện Bộ Quốc phòng Trung Quốc là người phát ngôn Canh Diên Sinh đã mô tả học thuyết trên là "sự biểu thị của tâm lý chiến tranh Lạnh". Còn phó đô đốc Dương Nghị thì coi nó là "phá hoại hòa bình, ổn định và thịnh vượng trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương".
Thái An (theo Ibtimes)