Mặc dù nhập nhằng về nguồn gốc xuất xứ cũng như chất lượng nhưng hàng loạt các loại mỹ phẩm từ bình dân đến thương hiệu cao cấp vẫn đang được rao bán rộng rãi trên thị trường với giá siêu rẻ, mặc cho những nguy hiểm có thể gây ra đối với người sử dụng.
Đủ loại mỹ phẩm “siêu rẻ” đang được bán tràn lan trên thị trường. Ảnh: Quỳnh Trang |
Nhắm mắt mua vì rẻ
Đó là tâm lý của một số người tiêu dùng, nhất là bộ phận sinh viên khi được hỏi về việc mua mỹ phẩm giá rẻ ngoài chợ. Chỉ cần vài trăm nghìn đồng và đi một vòng các chợ sinh viên trên địa bàn Hà Nội như chợ Nhà Xanh (Cầu Giấy, Hà Nội), chợ Phùng Khoang (Thanh Xuân, Hà Nội)… có thể dễ dàng mua trọn bộ mỹ phẩm đủ loại từ son môi, kem che khuyết điểm, chì kẻ mày, sữa rửa mặt…
“Người bán hàng có đảm bảo hàng công ty chính hãng, đang được khuyến mãi giá rẻ, một số người bạn của em cũng mua dùng bình thường nên em cũng mua để sử dụng. Giá mỹ phẩm ở chợ rẻ hơn một nửa so với mua trong các cửa hàng và siêu thị”, Vũ Thị Phượng, sinh viên một trường đại học trên địa bàn quận Thanh Xuân, Hà Nội, cho biết.
Theo khảo sát của phóng viên tại một số chợ như Phùng Khoang, Đồng Xuân… mỹ phẩm đủ loại được bày bán tràn lan tại các sạp hàng, tuy hầu hết mỹ phẩm đều có nhãn mác, bề ngoài thiết kế đẹp mắt, y hệt so với các loại mỹ phẩm chính hãng nhưng giá lại “siêu rẻ”.
Đơn cử như với dòng son 3CE - một thương hiệu son nổi tiếng đến từ Hàn Quốc - có giá trên thị trường dao động từ 300 - 500 nghìn đồng/thỏi thì lại được bày bán tràn lan ở chợ với giá chỉ từ 100 - 200 nghìn đồng, hay nước hoa Acquadi Gio, Gucci, Chanel… có giá vài triệu đồng mỗi lọ nay được bán đồng giá ở chợ chỉ vài trăm nghìn đồng.
Các loại phấn phủ, kem che khuyết điểm được bán chỉ từ vài chục nghìn đồng, bên cạnh đó còn có đủ loại sữa rửa mặt, kem chống nắng đến từ các thương hiệu nổi tiếng từ trong nước đến ngoài nước cũng được bán với giá “ưu đãi”.
Khi thắc mắc về giá của sản phẩm và nguồn gốc xuất xứ, người bán hàng giải thích, do là hàng nhập từ Thái nên có giá rẻ hơn so với hàng nhập từ Hàn Quốc, một số là hàng công ty tuồn ra nên có giá ưu đãi… Đủ mọi lí do được đưa ra kèm những lời quảng cáo có cánh và lời khẳng định chắc nịch về chất lượng của sản phẩm.
Không chỉ tràn lan ở chợ truyền thống, mỹ phẩm giá rẻ còn tung hoành “chợ online” và các mạng xã hội. Người dùng có thể dễ dàng có thể tìm mua mỹ phẩm tại các hội nhóm trên Facebook với đủ mẫu mã và bất cứ loại mỹ phẩm nào.
Các hội nhóm mua bán mỹ phẩm giá rẻ được lập ra với hàng chục nghìn thành viên, người bán hàng livestream mỗi ngày với những lời quảng cáo như “xả hàng”, “mua 1 tặng 1”… để thu hút người mua.
Không chỉ vậy, trên một số sàn thương mại điện tử nổi tiếng, thử tra cụm từ “son 3CE chính hãng”, kết quả trả về sẽ là vô vàn loại son “3CE chính hãng” khác nhau với giá chỉ từ 34 nghìn đồng.
Có thể thấy, tình trạng buôn bán mỹ phẩm giả vẫn đang diễn biến phức tạp. Mới đây, vào ngày 8/9/2020, Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) cho biết, Đội Quản lý thị trường số 3 thuộc Cục QLTT Quản lý thị trường Hà Giang phối hợp với công an xã Kim Ngọc và Công an huyện Bắc Quang tiến hành kiểm tra 3 cơ sở kinh doanh trên địa bàn xã Kim Ngọc huyện Bắc Quang. Qua đó, tạm giữ gần 20.000 sản phẩm bao gồm: các loại kem dưỡng da, kem trị nám, nước xả vải, tẩy lồng giặt, xịt chống nắng, kem chống nắng, kem tắm trắng, bột tắm trắng, kem body dưỡng trắng, serum dưỡng da, kem dưỡng hoàng cung màu xanh, màu tím, thuốc nhuộm tóc, sữa tắm, nước hoa, dầu gội… do các cơ sở không xuất trình được thủ tục giấy tờ của số hàng hóa nêu trên. Các đối tượng khai nhận, toàn bộ hàng hóa trên đều được mua trôi nổi trên thị trường online và được bán qua mạng cho người tiêu dùng và phân phối cho các địa phương khác.
Tăng chế tài xử phạt
Trước tình trạng buôn bán mỹ phẩm giả tràn lan trên thị trường, mới đây Chính phủ đã ra Nghị định 98/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, chính thức có hiệu lực từ ngày 15/10/2020.
Theo đó, việc buôn bán hàng giả về giá trị sử dụng, công dụng sẽ bị phạt tối đa từ 50 - 70 triệu đồng tùy trường hợp hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có trị giá từ 30 triệu đồng trở lên hoặc thu lợi bất hợp pháp từ 50 triệu đồng trở lên mà không bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Riêng việc kinh doanh hàng thực phẩm, mỹ phẩm, thức ăn thủy sản, phân bón, thuốc thú y... sẽ bị phạt tiền gấp 2 lần các mức tiền phạt quy định đối với hành vi này. Ngoài ra, người vi phạm còn bị tịch thu tang vật, tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề từ 1 - 3 tháng và phải nộp lại số tiền thu lợi bất hợp pháp có được do hành vi vi phạm.
Riêng việc sản xuất hàng giả là mỹ phẩm sẽ có mức phạt cao hơn, tối đa lên 140 - 200 triệu đồng; Nếu buôn bán mỹ phẩm giả mạo nhãn hàng hóa, bao bì sẽ bị phạt tối đa đến 100 triệu đồng... Như vậy, quy định mới đã tăng mức xử phạt hành chính lên gần gấp 2 lần so với mức phạt trước đây đối với sản xuất và buôn bán mỹ phẩm giả.
Tuy nhiên theo một số chuyên gia, việc kinh doanh, sản xuất mỹ phẩm giả đem về lợi nhuận cao, vì thế cần có những biện pháp cứng rắn hơn để có thể ngăn chặn tình trạng này tiếp diễn trên thị trường. Theo chuyên gia, việc buôn bán mỹ phẩm giả tràn lan không chỉ khiến các doanh nghiệp làm ăn chân chính gặp khó khăn, hơn hết là những hệ lụy mà mỹ phẩm giả có thể gây ra đối với sức khỏe của người tiêu dùng.
Theo Thời báo Ngân hàng