Và hẳn nhiên, tài năng, cá tính, đam mê cùng những nỗ lực vượt trội của nhân vật chính đã được thể hiện trong cuốn sách khá đầy đủ. Điều này cũng giúp người đọc trả lời cho câu hỏi vì sao Mỹ Tâm lại có một sức sống bền vững đặc biệt như vậy trong lòng khán giả.
VietNamNet xin trích giới thiệu 2 kỳ từ nội dung cuốn sách trên.
Kỳ 2: Bé đi bộ từ nhà ra đây...
Phan Mộng Thúy gọi cho tôi xin ảnh Tâm mà tôi chụp thời 2001 để làm bìa mới tái bản Mãi Yêu 2018, Thúy mở hội chợ đĩa ở Cung Văn hóa Lao động, nói rất nhiều người săn lùng đĩa đầu Mỹ Tâm. Một đĩa nhạc cũ, sau mười bảy năm mà fan vẫn tìm, chứng tỏ đây không phải các fan cũ mà là em, cháu của họ.
Qua điện thoại, tôi và Thúy được dịp nhắc lại thuở xa xưa (mười bảy năm!) và bỗng ở đâu tràn về như thác, những kỷ niệm hình ảnh câu chuyện về Tâm thời khởi nghiệp. Nhiều đến mức không đủ thời gian để kể lại từng chuyện. Như ảnh bìa gốc Mãi Yêu, Dương Minh Long chụp em mặc trang phục đen, giày bốt đen, cho Từ Phương Thảo thiết kế. Dáng hình đó, mái tóc đó, thần thái đó, tôi cũng chụp.
Chụp thử ở nhà tôi, trưa nắng, bên cửa trông ra ban công, rèm cửa bay phấp phới. Chụp với đèn studio mua mãi dưới Chợ Lớn. Chụp trên sân khấu khi em diễn. Rồi những lần ngồi với Từ Phương Thảo bàn về thiết kế bìa. Rồi nhiều ngày liền ăn dầm nằm dề bên Kim Lợi Studio để mix album cho đến khi đói lả mệt nhoài. Rồi lần em mất điện thoại, phải ghé nhà nhờ tôi đi làm lại SIM. Rồi những cuộc gặp ngắn ở nhà hàng 123 Lê Lợi, cuộc nào cũng, “Bé đi bộ từ nhà ra đây”.
Thực đơn ăn kiêng giảm cân do Trịnh Vĩnh Trinh cung cấp, bấy giờ Loan (vợ cũ của tôi) xin được công thức và nấu thử theo chế độ cho chính Loan và Tâm xem hiệu quả ra sao. Theo lời Vĩnh Trinh, một thực đơn mười ngày có thể xuống được năm cân: con số không tưởng tượng được.
"Cô bé" Mỹ Tâm trong một photoshoot thời đó... |
Vậy là mỗi ngày, Loan đều dọn sẵn một khẩu phần ăn kiêng cho Tâm, cứ sáng thức dậy, em ghé nhà tôi ăn theo kỷ luật quân đội, bữa sáng chỉ có cà phê đen không đường, ít cà rốt và trứng. Bữa trưa nhịn. Tối ăn gì đó cũng kiêng khem, tôi không chắc là gì, chỉ biết là nhìn đĩa ăn của em ở nhà tôi thôi mà đã ngán ngẩm, không có gì ngon lành hết. Em chịu khó lắm, tuân thủ đúng y thực đơn, và quả nhiên sau mười ngày, em có thể tự tin mặc một chiếc áo yếm mà Loan thắt từ vuông khăn lụa Chanel, trông xinh xắn thanh mảnh và… gầy guộc.
Tạng Tâm không dễ lên cân, nhưng để được thanh thoát khi vào ảnh thì cần trông rất gầy bên ngoài. Tôi chụp cho em một loạt chân dung bằng phim dương bản, lúc quét ảnh vào máy tính tôi còn nhận không ra em. Anh Từ Huy xem ảnh cũng bảo, anh chưa từng thấy Mỹ Tâm yểu điệu và “vai em gầy guộc nhỏ” như thế.
Nhạc sĩ Từ Huy thuở sinh thời rất yêu quý Tâm. Đồng hương đồng khói, “cục bộ khu 5” đã là một lẽ, anh còn thích vì cái tính tình, cách cư xử của em. Em thân mà không lấn lướt, kính mà không xa cách xã giao. Em đến với ai cũng chân thành. Quán Nhạc Sĩ của anh Huy vẫn thường mời em hát, cát-xê thì thấp thôi, nhưng môi trường sinh hoạt rất thú vị (có thể cho là thú vị nhất trong bối cảnh lúc đó).
Ở quán Nhạc Sĩ, Tâm hát các bài hơi hướm sinh hoạt cộng đồng một chút, khán giả thích vậy. Em hát Từ Huy, Nguyễn Văn Hiên và Trịnh Công Sơn; hầu như luôn hát với đàn guitar thùng tự đệm, không nhờ cậy ban nhạc Da Vàng, lúc đó là ban nhạc chính của quán Nhạc Sĩ với thủ lĩnh là Nguyễn Đạt cùng với Lê Quang.
...và một "chị đẹp" của làng nhạc Việt hôm nay. |
“Quê hương tuổi thơ tôi” của anh Từ Huy mà giao cho Tâm hát thì đúng là không còn ai thích hợp hơn. Thật vậy. Chắc chắn là như vậy.
Kỷ niệm yêu thương cho tôi ngày ấy
Biết đâu tìm lại, biết đâu mà tìm
Ngày ấy đâu rồi, ngày ấy đâu rồi?
Cho tôi tìm lại một ngày ấu thơ
Cho tôi tìm lại, cho tôi một ngày
Ngày ấy đâu rồi, ngày ấy đâu rồi?
Cho tôi tìm lại một ngày ấu thơ
Những câu chuyện cổ, mẹ kể năm nào…
Nhiều hôm anh Huy ngồi cùng tôi ở nhà hàng Thanh Niên, La Cave hay sân Hội Âm nhạc, đề tài duy nhất anh nói không nghỉ là về Mỹ Tâm. Anh Từ Huy vốn có vẻ ngoài đôi lúc đăm đăm, dễ nhầm là anh định kiến khó gần, thực ra là anh rất thoáng và nhạy bén với lớp ca sĩ trẻ.
Trong cách nhìn của anh, Tâm trội hơn hẳn các đàn chị (tôi sẽ không kể tên là những ai) vì không bị lẫn vào “lối hát Hà Nội”, lại không nghiệp dư như các giọng ca xuất thân Nhà Thiếu nhi. Vừa thúc giục: “Làm gì đó thật sang cho nó” anh vừa nhắc tôi không được bỏ chất Đà Nẵng trong phát âm của Tâm, vì anh luôn xem chi tiết này như một thứ chữ ký để phân biệt. Anh Nguyễn Văn Hiên - mà Tâm luôn gọi là thầy một cách tôn kính - cũng đồng tình với anh Huy nhưng thêm một ý, “Sang gì thì sang, phải giữ lại chất sinh viên cho nó, ông à!”.
Anh Huy mất đã nhiều năm, quán Nhạc Sĩ cũng tan rồi, bao nhiêu thăng trầm biến đổi trong đời sống âm nhạc và đời riêng của mỗi người.
Quốc Bảo
Mỹ Tâm 'đụng độ' gia đình Năm Cam ở Cadilac
Trong kỳ đầu tiên, VietNamNet giới thiệu đến độc giả trích đoạn thú vị về lần "đụng độ" giữa Mỹ Tâm và trùm giang hồ Năm Cam trong cuốn "TÂM" của NS Quốc Bảo.