Hải quân Mỹ đang tăng cường khả năng giám sát đại dương tại châu Á - Thái Bình Dương với các máy bay có người lái mới trong năm tới và chuẩn bị cho thế hệ máy bay không người lái tiếp theo vào khoảng tháng 10/ 2013.
Loại máy bay hiện đại dường như sẽ được nhiều đồng minh của Mỹ trong khu vực chào đón. Sự gây hấn của Trung Quốc trong tuyên bố chủ quyền ở biển Hoa Đông và hầu như toàn bộ Biển Đông gần đây đã khiến các nước có cạnh tranh chủ quyền tính tới việc đề nghị Mỹ tăng cường giám sát trên không và trên biển.
Máy bay P-8 Poseidon sẽ tới khu vực trong năm tới và
thay thế phi đội máy bay P-3 Orion tại căn cứ Atsugi, Nhật Bản, các quan chức
căn cứ đã xác nhận điều này.
Máy bay giám sát và tuần tra hàng P-8A Poseidon của
Hải quân Mỹ. Ảnh: navytimes
Poseidon có thể hoạt động ở độ cao hơn Orion, tốc độ nhanh hơn và khả năng tồn tại tốt hơn trong trường hợp có xung đột, Owen Coté - phó giám đốc Chương trình nghiên cứu an ninh MIT nói.
Có thời gian hoạt động như nhau, khoảng 10 tiếng, song P-8 có diện tích sàn lớn hơn 23% so với P-3, do đó mang được nhiều thiết bị hơn. Tốc độ hành trình của P-8 là 910km/h, hơn hẳn tốc độ 590 km/h của P-3. Đây là lợi thế khi thực hiện nhiệm vụ phát hiện tàu ngầm. P-8 mang theo ít vũ khí hơn P-3 nhưng vũ khí hiện nay hiệu quả hơn nhiều so với trước.
Cả Poseidon và Orion chủ yếu được thiết kế để giám sát tàu ngầm. Poseidon còn được chế tạo để làm việc với một loại máy bay không người lái (gọi tắt là BAM) với thiết kế đặc biệt phù hợp để giám sát các đại dương của thế giới.
Theo Joe Gradisher, một người phát ngôn quân sự Mỹ, các máy bay BAM cuối cùng cũng sẽ tới căn cứ không quân Andersen tại Guam. Các hoạt động chuẩn bị triển khai máy bay không người lái sẽ bắt đầu trong năm tài khóa 2014, trong đó hoạt động ở Thái Bình Dương dự kiến bắt đầu khoảng ba năm sau đó.
Theo giới phân tích, nếu những xu thế gần đây về tranh chấp lãnh thổ ở các vùng biển châu Á tiếp tục diễn ra, thì các thỏa thuận ngoại giao có thể liên quan đến nhiều quốc gia Vành đai Thái Bình Dương.
Philippines và Trung Quốc gần đây đã có vụ đụng độ kéo dài hơn hai tháng ở bãi Scarborough. Sau vụ việc này, Tổng thống Philippines Benigno Aquino tuyên bố, ông cân nhắc việc đề nghị Mỹ cung cấp các máy bay giám sát trên biển.
Trong khi đó, sau cuộc gặp giữa Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ và Nhật Bản, đài truyền hình Nhật Bản NHK và báo Yomiuri Shimbun đều đưa tin rằng, các máy bay không người Global Hawk tại Guam sẽ thực hiện những chuyến bay giám sát ở quần đảo tranh chấp tại biển Hoa Đông mà Nhật gọi là Senkaku, Trung Quốc gọi là Điếu Ngư.
Trung Quốc có tranh chấp lãnh thổ với Nhật ở biển Hoa Đông; với Philippines, Brunei, Việt Nam và Malaysia ở Biển Đông. Trung Quốc bác bỏ đề xuất của Mỹ đem tranh chấp ra giải quyết ở diễn đàn đa phương.
Ở một tin tức liên quan, Đại sứ quán Mỹ ở Philippines hôm 17/8 cho hay, tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường của Mỹ USS Milius sẽ tới Manila trong chuyến thăm hữu nghị kéo dài bốn ngày. Mục đích: củng cố quan hệ quân sự giữa Mỹ và đồng minh Phippines trong bối cảnh căng thẳng gia tăng ở Biển Đông.
Thái An (theo Military, Inquirer)