Thịt gà, thịt lợn sẽ cùng thịt bò gia nhập vào danh mục những thực phẩm đắt đỏ nhất tại Mỹ trong thời gian tới vì hạn hán kéo dài, chính sách tăng cường ethanol và “thảm họa” ngũ cốc.

Chi phí cho các loại thức ăn chăn nuôi đặc biệt ngũ cốc đã tăng vọt lên mức kỷ lục trong tháng này do đợt hạn hán khủng khiếp nhất trong vòng nửa thế kỷ qua. Thời tiết nóng bức cao độ đã phá hủy mùa màng tại Mỹ - quốc gia hàng đầu về sản lượng nông nghiệp.

“Giá thịt bò, thịt lợn và thịt gà sẽ đồng loạt tăng vọt. Như vậy những thực phẩm giàu protein có lẽ sẽ trở nên xa xỉ đối với người tiêu dùng Mỹ”, ông Beef Larry Pope, Giám đốc điều hành Smithfield Foods, Tập đoàn sản xuất thịt lợn lớn nhât thế giới cho biết.

Các nhà phân tích tại Smithfield cho rằng, thời tiết khắc nghiệp sẽ khiến sản lượng ngũ cốc tại Mỹ giảm xuống mức dưới 140 bushel (3,56 tấn)/ mẫu Anh (0,4 hec- ta). Đây là mức sụt giảm lớn về sản lượng mùa màng vào đúng thời điểm nguồn cung toàn cầu đang thiếu hụt nặng nề.

Nhiều cảnh báo giá thịt tại Mỹ sẽ tăng vọt, thậm chí ở mức 2 con số hoặc hơn 10% mỗi năm trong thời gian tới.

“Tôi có thể dùng từ “thảm họa” để nói về tình hình hiện nay”, phát biểu trên tạp chí Financial Times, ông Pope cho biết. Các nhà sản xuất thịt cảm thấy sức ép đè nặng khi giá thức ăn chăn nuôi tăng vọt. Bộ phận sản xuất thịt lợn tại Smithfield năm trước đã tiêu thụ 15,8 triệu con lợn nhưng trong năm tài chính vừa qua kết thúc vào tháng 4, lợi nhuận của họ giảm do chi phí nguyên liệu gia tăng. Cổ phiếu của Smithfield đã giảm 13% chỉ trong vòng 1 tháng.

Hầu hết các nhà phân tích dự báo ngành công nghiệp chăn nuôi sẽ đối phó với tình hình này bằng cách giảm số lượng đầu lợn. Do đó, có rất nhiều cảnh báo giá thịt tại Mỹ sẽ tăng vọt, thậm chí ở mức 2 con số hoặc hơn 10% mỗi năm trong thời gian tới.

Một thử thách lớn khác cũng đang đặt ra cho các nhà chăn nuôi là tiêu chuẩn nguyên liệu tái sinh (RFS) do quốc hội chỉ định thực hiện. Theo đó yêu cầu hơn 13 tỷ gallon nhiên liệu ethanol sản xuất từ ngũ cốc sẽ được sử dụng trong ngành vận tải vào năm nay. Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ ước tính, có đến 40 % sản lượng ngũ cốc của cả nước sẽ được dùng để chế biến ethanol.

Cũng giống như các nhà sản xuất khác trong ngành, Smithfield kêu gọi Cơ quan bảo vệ môi trường Hoa Kỳ (EPA) tạm ngừng việc áp dụng tiêu chuẩn RFS như một nỗ lực nhằm giảm bớt khó khăn về chi phí.

Tuy nhiên, Bộ trưởng nông nghiệp Mỹ Tom Vilsack cho biết ông phản đối việc ngừng áp dụng tiêu chuẩn này. Còn Hiệp hội nhiên liệu tái sinh RFA thì tin rằng, bất kể một đề nghị chính thức nào được đưa cũng sẽ nhanh chóng bị khước từ bởi với mức cung và sản lượng ethanol hiện có thì không cần thiết và cũng không có lý do gì để EPA phải ngừng áp dụng tiêu chuẩn. 

Hung Ninh (Theo CNBC)