Bệnh nhân xuất viện sớm, biến chứng giảm
Sau lần can thiệp mạch vành năm 2019, ông Dương Chính Thức (79 tuổi, Cầu Giấy, Hà Nội) gần đây có các cơn đau ngực. Khi chụp cắt lớp vi tính, các bác sĩ Bệnh viện Vinmec Times City phát hiện bệnh nhân có mức độ hẹp mạch vành là 80%.
Hội Tim mạch học Hoa Kỳ (ACC) cho rằng, tiến hành can thiệp khi mạch vành của bệnh nhân hẹp ở tỉ lệ này chưa thật sự cần thiết và mang lại giá trị. Chỉ khi làm siêu âm tim cho thấy bệnh nhân có dấu hiệu thiếu máu cơ tim, các bác sĩ mới đưa ra chỉ định can thiệp. Theo tiêu chuẩn ACC, mục tiêu của người thầy thuốc không chỉ là giải quyết bệnh mà còn phải đo lường được mức độ cải thiện chất lượng cuộc sống cho người bệnh sau điều trị. Do vậy, trước can thiệp, các bác sĩ đã phỏng vấn theo bộ câu hỏi “Đau thắt ngực” do ACC khuyến cáo nhằm đánh giá mức độ hạn chế của bệnh động mạch vành với hoạt động bình thường của bệnh nhân.
“Đã 30 năm chung sống với bệnh mạch vành, kèm theo tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu, tiền tiểu đường, ban đầu tôi cũng ngần ngại. Nhưng sau khi các bác sĩ Vinmec đưa ra các chỉ định một cách rất thuyết phục, tôi có thể an tâm điều trị”, ông Thức chia sẻ.
ThS. BS Đỗ Xuân Chiến - Trung tâm Tim mạch Vinmec Times City cho biết, trước khi can thiệp, bác sĩ tiến hành đánh giá các nguy cơ để chủ động dự phòng những biến cố trong và sau can thiệp. Để quá trình can thiệp diễn ra an toàn, hiệu quả còn cần sự phối hợp đa chuyên khoa gồm: các bác sĩ can thiệp, hồi sức cấp cứu, gây mê, ngoại tim mạch…
“Tất cả được triển khai trên nền tảng thống nhất quy trình chuyên môn chuẩn để có thể xử trí tối ưu mọi tình huống phát sinh. Kết thúc thủ thuật, người bệnh tiếp tục được theo dõi, hướng dẫn chế độ dinh dưỡng, phục hồi chức năng và giáo dục sức khỏe… giúp phục hồi sức khỏe nhanh và được cho ra viện sớm nhưng vẫn đảm bảo an toàn”, ThS. BS Đỗ Xuân Chiến nói.
Nhờ quy trình điều trị, chăm sóc “chuẩn Mỹ” tại Vinmec, ông Thức được xuất viện chỉ sau 2 ngày thay vì phải mất 4 ngày như thông thường. Bệnh nhân cũng khôi phục các hoạt động thể lực thông thường, vốn phải hạn chế trước đó.
Đại diện Vinmec cho biết, sau gần 1 năm áp dụng tiêu chuẩn ACC, 100% bệnh nhân sau can thiệp mạch vành tại Vinmec (kể cả các trường hợp nhồi máu cơ tim cấp) được xuất viện an toàn sau 2 ngày. Biến chứng thường gặp nhất là suy thận do chất cản quang sau can thiệp đã giảm từ 17% xuống xấp xỉ 0%.
Hướng đến xây dựng Trung tâm Xuất sắc (COE) về tim mạch đầu tiên ở Việt Nam
Điều trị, chăm sóc liên tục và tối ưu từng giai đoạn, ngay cả khi người bệnh đã xuất viện là mục tiêu của Chương trình can thiệp mạch vành theo chuẩn ACC tại Vinmec. Sự đo lường hiệu quả đối với từng bệnh nhân được bắt đầu từ quy trình chăm sóc, phác đồ điều trị can thiệp dựa trên chứng cứ y học rõ ràng, quản lý bệnh lý gồm 3 giai đoạn: trước, trong, sau ra viện. Đại diện Vinmec khẳng định, các chỉ số hiệu quả này đã được ACC thẩm định, đánh giá đạt chuẩn tương đương với 50% bệnh viện của Mỹ. Cùng với đó, sự hài lòng của bệnh nhân cũng được ghi nhận qua phiếu đánh giá hiệu quả điều trị, trải nghiệm dịch vụ ở bệnh viện.
Theo GS.TS Bùi Đức Phú - Giám đốc Trung tâm Tim mạch, Hệ thống Y tế Vinmec, với trường hợp nhồi máu cơ tim cấp, quy trình kích hoạt can thiệp khẩn cấp cho phép rút ngắn thời gian từ lúc bệnh nhân đến cổng cấp cứu đến khi nong bóng động mạch vành bị tắc xuống dưới 60 phút. Đây là yếu tố then chốt giúp cho cơ tim được nuôi dưỡng trở lại sớm nhất, tránh được hoại tử. Còn khi can thiệp theo kế hoạch, việc chỉ định đúng lúc, đúng phương pháp với các nghiệm pháp gắng sức, phương tiện thăm dò chính xác như: siêu âm nội mạch (IVUS), phân suất dự trữ lưu lượng vành (FFR) đã mang lại lợi ích bền vững cho bệnh nhân, cũng như giúp loại bỏ sự lạm dụng can thiệp.
GS.TS Bùi Đức Phú chia sẻ: “Đây chỉ là một phần trong 34 tiêu chí nghiêm ngặt mà ACC thẩm định đánh giá để đo lường kết quả của phương thức chăm sóc điều trị mà Vinmec đang áp dụng. Bộ công cụ của ACC được thiết kế và hoàn thiện qua thực tế hoạt động nhiều năm ở các trung tâm tim mạch lớn, nên được đánh giá rất cao ở Mỹ nói riêng và toàn thế giới nói chung”.
Thời gian tới, Vinmec sẽ mở rộng hoạt động can thiệp tim mạch theo tiêu chuẩn của ACC như: đẩy mạnh kỹ thuật thay van động mạch chủ bằng đường ống thông qua da (TAVI), stent graft động mạch chủ, điện sinh lý và cắt đốt rối loạn nhịp.
Trước khi đạt chuẩn ACC về can thiệp mạch vành, Vinmec đã đạt chứng chỉ ACC về quản lý bệnh suy tim. Việc liên tục chinh phục thành công các tiêu chuẩn khắt khe hàng đầu thế giới không chỉ đem lại chất lượng điều trị cao cho người bệnh tại đây, mà còn góp phần đưa Vinmec tiến gần hơn mục tiêu trở thành Trung tâm Xuất sắc (COE) về tim mạch đầu tiên tại Việt Nam.
American College of Cardiology (ACC) là tổ chức y tế quốc tế phi lợi nhuận thành lập từ năm 1949. Hiện ACC có tới hơn 56.000 thành viên bao gồm những bác sĩ, người làm công tác chăm sóc tim mạch của Mỹ và các nước trên thế giới. ACC là đơn vị uy tín dẫn đầu trong việc thẩm định, trao chứng chỉ chất lượng cho các trung tâm tim mạch đáp ứng các tiêu chuẩn nghiêm ngặt trong việc điều trị và quản lý bệnh suy tim. Hiện nay chỉ có 98 bệnh viện trên toàn thế giới được cấp chứng chỉ ACC trong can thiệp mạch vành và tập trung chủ yếu trên lãnh thổ Mỹ. |
Thế Định