- Mặc dù các nhà khoa học chứng minh rằng năm 2012 không phải là ngày tận thế theo truyền thuyết của người Maya, nhưng thời điểm cận kề đó lại có quá nhiều người chết do cả thiên tai lẫn địch họa.


Nhìn lại năm 2011, không khó để chúng ta thấy có quá nhiều người vô tội đã thiệt mạng do những nguyên nhân như động đất, sóng thần, lũ lụt, lở đất, bão... trên khắp các châu lục. Ngoại trừ các thiên tai xuất hiện bất ngờ, về mặt kỹ thuật thì hầu như số người chết oan uổng như năm vừa qua đều liên quan tới nhân tố con người.

Các đợt thiên tai lớn tuy không được chứng minh là có liên quan tới việc trái đất nóng lên, nhưng có một thực tế hiển nhiên là nếu con người có sự chuẩn bị và phòng ngừa tốt hơn, các thiên tai đó sẽ khó trở thành các thảm họa như vậy.

Bên cạnh đó, hàng chục nghìn người dân thường toàn cầu đã trở thành "oan hồn" trong những cuộc xung đột hoặc nội chiến, đặc biệt là tại châu Phi và Trung Đông.

Tổng số người chết trong năm 2011 có thể không nhiều như trong các cuộc chiến tranh thế giới trước đó, và bối cảnh quan hệ quốc tế hiện nay khó có thể dẫn tới một cuộc đại chiến thế giới thứ 3.

Nhưng con số thương vong trên thế giới gần đây đã phản ánh một phần cục diện của một thế giới bất ổn ở quy mô cục bộ.

Sóng thần ở Nhật Bản


Trận sóng thần dữ dội xuất hiện sau trận động đất 9 độ richter tại Nhật hồi đầu tháng Ba vừa qua đã cướp đi sinh mạng của gần 16.000 người, với khoảng 4.000 người mất tích.

Sức công phá của trận sóng thần khiến cả nước Nhật bàng hoàng và thế giới bị sốc. Nhưng thảm họa sau đó thật sự còn tệ hơn nhiều, do tác động kép của động đất và sóng thần, hệ thống làm mát của nhà máy điện hạt nhân của Nhật tại Fukushima (Phúc Đảo) đã bị hỏng dẫn tới rò rỉ phóng xạ. Thảm họa hạt nhân tại Fukushima được đánh giá là có tác hại tương đương với sự cố hạt nhân Chernobyl hồi những năm 1980 ở Liên Xô cũ.

Động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ, New Zealand, Peru, lở đất ở Brazil

Động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ
Khoảng 257 người đã thiệt mạng do lũ cuốn trôi khi đang ngủ trong trận mưa lớn ở thị trấn miền núi gần Rio de Janeiro (Brazil) hồi đầu tháng 1. Cùng lúc đó, cách Rio khoảng 100km về phía bắc, hơn 130 người đã thiệt mạng do thiên tai. Ở Nova Friburgo có hơn 100 người.

Trận động đất mạnh 6,3 độ Richter xảy ra vào trưa 22/2 tại Christchurch, thành phố lớn thứ hai của New Zealand khiến 75 người thiệt mạng, 300 người mất tích, hàng chục tòa nhà đổ sập, xe cộ bị nghiền nát.

Trong tháng 8, một trận động đất tại Peru (gần biên giới Brazil) có cường độ 7,9 độ richter đã cướp đi sinh mạng của 380 người dân nước này. Rất nhiều tòa nhà ở thủ đô Lima bị sụp đổ và rung chuyển mạnh.

Thổ Nhĩ Kỳ cũng hứng chịu thiệt hại nặng nề sau vụ động đất rung chuyển miền đông đất nước này vào tháng 10 vừa qua. 600 người thiệt mạng, hàng ngàn ngôi nhà bị phá hủy hoàn toàn sau trận động đất 7,2 độ richter này.

Lũ lụt Thái Lan, bão ở Philippines

Lũ lụt tại Thái Lan
Trận lũ lụt lịch sử tệ hại nhất trong hơn 50 năm qua tại Thái Lan đã gây thiệt hại đáng kể về kinh tế cho đất nước này. Uy tín của Thủ tướng Thái cũng bị ảnh hưởng nặng nề khi có gần 600 người đã thiệt mạng do trận lũ gây ra.

Cách đây 2 tuần, hơn 600 người Philippines đã chết khi trận bão Washi tấn công vào đất nước này.

Chìm phà/thuyền - Đâm/lật tàu

Chìm tàu trên sông Volga
Năm 2011 cũng ghi nhận số người chết đáng kể từ những vụ tai nạn do chìm tàu/phà, hoặc đâm, lật tàu. Trong đó điển hình là vụ chìm tàu du lịch trên sông Volga của Nga (hơn 185 người chết); chìm phà tại Indonesia vừa qua khiến 300 người thiệt mạng.

Vụ đâm tàu cao tốc tại Trung Quốc khiến 40 người thiệt mạng. Còn ở Ấn Độ, 150 người đã chết vì lật tàu thảm khốc.

 Thảm sát ở NaUy- Bỉ

Những người tưởng niệm nạn nhân của vụ thảm sát đẫm máu ở Oslo
Gần 80 người đã chết oan uổng trong cơn hoang tưởng của sát thủ người NaUy. Cả hai vụ khủng bố làm rung động thủ đô Oslo đều do một người duy nhất tiến hành, đó là Anders Behring Breivik, 32 tuổi. Tên này đã dành rất nhiều năm để lên kế hoạch tàn sát đẫm máu này.

Còn vụ xả súng đẫm máu ở Bỉ trong tháng này đã làm 5 người chết, 122 người bị thương, khiến cho trung tâm thành phố miền đông Liege của Bỉ chìm trong tang tóc.

Nội chiến Libya - Xung đột Syria

Nội chiến tại Libya
Không chỉ có Đại tá Gaddafi chết thảm trong cuộc nội chiến tại Libya mà hơn 30.000 thường dân khác cũng bỏ xác trong các cuộc đấu súng. Tuy nhiên, con số này mới là ước tính sơ bộ của Liên Hợp Quốc và vẫn chưa có thống kê chính xác về thương vong tại đây.

Trong khi đó, xung đột vũ trang tại Syria đang dần biến thành nội chiến, và đã có hơn 4000 người thiệt mạng trong vòng vài tháng qua.

Nạn đói kinh hoàng tại Đông Phi

Số người chết nhiều nhất trong năm qua thuộc về châu Phi, do nạn đói hoành hành
Tại khu vực Sừng châu Phi, một đợt hạn hán tồi tệ nhất trong 60 năm qua đã ảnh hưởng lên toàn bộ khu vực Đông châu Phi. Khắp Somalia, Ethiopia và Kenya bị khủng hoảng lương thực trầm trọng, khiến cho đời sống của hơn 10 triệu người bị đe dọa.

Khu vực Sừng châu Phi đang chịu thiệt hại nặng nề từ nạn đói, trong đó, cấp độ sẫm màu thể hiện mức độ nghiêm trọng của tình hình.
Ngày 20/7, Liên Hợp Quốc đã lên tiếng cảnh báo về nạn đói này. Hiện nay, ước tính hơn 1 triệu người đã chết vì đói. Hàng chục ngàn người được cho là đã thiệt mạng ở miền nam Somalia.

  • Lê Thu