LTS: Hội nghị cấp cao Liên hợp quốc về phát triển bền vững (Rio+20) sẽ diễn ra trong các ngày 20-22/6 tới đây. Nhân hội nghị này, VietNamNet xin giới thiệu bài viết của Janez Potočnik , Cao Ủy phụ trách Môi trường của Liên minh Châu Âu về những vấn đề đặt ra trước thềm hội nghị này.
Trong một tuần nữa, các nhà lãnh đạo thế giới sẽ gặp nhau tại Braxin để tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Rio + 20, để quyết định tương lai nào mà chúng ta muốn. Hai mươi năm kể từ hội nghị thượng đỉnh Trái đất đầu tiên, chủ đề của cuộc họp thượng đỉnh lần này là kinh tế xanh trong bối cảnh phát triển bền vững và giảm nghèo.
Tại sao hội nghị lại trở nên quan trọng và tại sao lại có những tham vọng cho một “nền kinh tế xanh”?
Janez Potočnik , Cao Ủy phụ trách Môi trường của Liên minh Châu Âu. |
Một nền kinh tế xanh là một nền kinh tế sẽ đưa lại kết quả cho việc sức khỏe của con người được cải thiện và sự công bằng xã hội, trong khi đó lại giảm được những rủi ro do tác động môi trường và sự khan hiếm sinh thai.
Tăng trưởng trong một nền kinh tế xanh được thúc đẩy bởi các đầu tư giúp giảm các áp lực tới môi trường và những dịch vụ mà nó mang lại cho chúng ta, đồng thời nâng cao năng lực sử dụng năng lượng và nguồn lực có hiệu quả.
Hoặc chúng ta có thể diễn giải một cách đơn giản hơn bằng việc trích lời một nhà ngoại giao Châu Phi: đó là chiến lược sinh tồn của riêng chúng ta. Kinh tế xanh là một phương tiện cho sự phát triển bền vững; một chiến lược để mang lại sự thịnh vượng cho mọi người và hành tinh, cho hôm nay và ngày mai.
Không thể có phát triển bền vững mà không có bình đẳng xã hội; không thể có tăng trưởng mà không có sự quản lý hợp lý các nguồn tài nguyên mà các nền kinh tế của chúng ta dựa vào. Chúng ta cần sự phát triển bền vững để mang lại sự thịnh vượng cho nhiều người thay vì sự khốn khổ cho tất cả mọi người.
Chúng ta đã đạt được một số tiến bộ kể từ năm 1992, nhưng rõ ràng rằng điều đó chưa đủ. Hàng triệu người vẫn còn đang bị đói hàng ngày. Nếu chúng ta tiếp tục sử dụng các nguồn tài nguyên như ở mức hiện tại, vào năm 2050, chúng ta sẽ cần tương đương hơn hai hành tinh nữa để cứu sống chúng ta, và những khao khát của nhiều người cho một chất lượng cuộc sống tốt hơn sẽ không thể thực hiện được.
Những người nghèo nhất trong các xã hội của chúng ta sẽ phải chịu đựng nhiều nhất nếu chúng ta sử dụng những nguồn tài nguyên không hợp lý, bởi vì cuộc sống và kế sinh nhai của họ phụ thuộc rất nhiều vào nguồn nước, đất, biển, rừng và đất trồng.
Giờ đây có những thách thức mới mang đến một sự đe dọa nghiêm trọng để duy trì sự phát triển – từ biến đổi khí hậu và sự khan hiếm nguồn nước ngày càng tăng, cho tới khả năng phục hồi chậm đối với các thảm họa thiên nhiên và sự mất đa dạng sinh thái và hệ thống sinh thái.
Tuy nhiên, chúng ta có những công cụ để đối phó với những thử thách này và chuyển chúng thành những cơ hội. Rất nhiều nước có thể ứng dụng những hệ thống và công nghệ hiệu quả cho phép họ khai thác các nguồn lực từ rừng và đa dạng sinh học cho tới đất đai và khoáng sản bằng những cách bền vững và có khả năng hỗ trợ sự gia tăng trong tiêu dùng. Khoảng 70 đến 80% các cơ hội nâng cao năng suất nguồn lực được dự đoán là ở các nước đang phát triển.
Những nước học được cách sử dụng nguồn vốn tự nhiên của họ một cách thông minh và bền vững sẽ là những người chiến thắng ngày mai. Sự chuyển đổi sang nền kinh tế xanh hơn có thể tạo ra thêm 15 đến 60 triệu việc làm trên toàn thế giới trong 2 thập kỷ tới và đưa hàng chục triệu người lao động thoát khỏi đói nghèo, theo báo cáo của Tổ chức Lao động Thế giới.
Một trong những kết quả được mong đợi từ Rio là tất cả các công ty tư nhân lớn và được niêm yết trên các sàn chứng khoán sẽ đưa tính bền vững vào trong báo cáo thường niên, hoặc phải giải thích tại sao họ không làm việc đó. Ngân hàng Thế giới đã đưa ra một sáng kiến thú vị trong đó các công ty sẽ sử dụng các cơ chế kế toán tự nhiên trong thống kê của họ.
Việc này có thể là sự khởi đầu của một thực tế mới, nơi mà nguồn vốn tự nhiên và sự bền vững thực sự có giá trị. Nhưng rõ ràng là thay đổi không thể xảy ra nếu không có mọi người cùng đồng lòng góp sức. Không chỉ có các chính trị gia cần phải được thuyết phục mà chúng ta còn cần sự tham gia của các doanh nghiệp, xã hội dân sự và các cá nhân.
Trong khi rất nhiều nước ngày nay đang ở trong một tình trạng tốt hơn so với cách đây hai mươi năm, nhưng những nước nghèo nhất vẫn cần sự giúp đỡ để có thể tiếp cận với giáo dục, cơ sở hạ tầng phù hợp và các kĩ năng.
Vậy chúng ta một muốn một tương lai như thế nào? Đây là câu trả lời từ cô bé Brittany Trilford, 17 tuổi đến từ New Zealand, người chiến thắng trong cuộc thi "Tương lai mà chúng ta muốn" và là người sẽ nói chuyện với các nhà lãnh đạo tại Rio: "Thẳng thắn mà nói, tôi sẽ rất vui sướng nếu có được một tương lai. Để nó được đảm bảo. Không phải ngay bây giờ".
Đó không chỉ là về tương lai của thế hệ Brittany và các thế hệ tiếp theo. Đó là về chúng ta, về chính tương lai mà chúng ta đặt nó vào tình thế bị đe dọa nếu chúng ta không giải quyết được các vấn đề về nguồn lực hạn chế, sự phát triển không bền vững và tình trạng đói nghèo hàng loạt. Hãy đừng bỏ phí cơ hội lựa chọn cái tương lai mà chúng ta muốn - khi chúng ta vẫn còn có thể.
Janez Potočnik