Đặt những dấu chân số đầu tiên trên một miền không gian hoàn toàn mới – không gian mạng

Cách đây hơn 20 năm, Việt Nam lần đầu tiên kết nối Internet. Tuy là nước cho phép mở Internet chậm hơn so với thế giới, nhưng đến nay, Việt Nam lại đang là quốc gia có sự phát triển Internet mạnh mẽ nhất và đây được xem là động lực cho phát triển kinh tế văn hóa xã hội và hội nhập quốc tế.

 

Cụ thể, hiện, Việt Nam là 1 trong 20 nước có tỉ lệ sử dụng Internet nhiều nhất thế giới với 68,17 triệu người dùng (chiếm 70% dân số). Khoảng 94% người dùng Việt Nam sử dụng Internet thường xuyên với thời gian sử dụng trung bình lên tới 6 tiếng mỗi ngày. Nhiều báo cáo chi tiết của các tổ chức quốc tế về xã hội số, chính phủ số, kinh tế số cũng bổ sung rõ hiện thực khách quan này.

{keywords}
"Internet đã làm thay đổi phương thức sống, phương thức làm việc của con người ở mọi quốc gia, trong đó có Việt Nam.

Theo báo cáo EGDI của Liên Hợp Quốc, về chỉ số phát triển chính phủ điện tử, Việt Nam có điểm số cao hơn mức trung bình của châu Á và thế giới. Tại khu vực Đông Nam Á, Việt Nam hiện xếp thứ 6 về chỉ số phát triển chính phủ điện tử, sau Philippines, Brunei, Thái Lan, Malaysia và Singapore. Về chỉ số hạ tầng viễn thông, trong năm qua, Việt Nam đã tăng 31 bậc, đứng thứ 69 thế giới.

Việt Nam hiện có khoảng 45.500 doanh nghiệp công nghệ thông tin (ICT). Tổng doanh thu của nền kinh tế Internet Việt Nam trong năm 2020 đạt hơn 14 tỷ USD. Trong đó, thương mại điện tử chiếm tỷ trọng cao nhất, chiếm khoảng 7 tỷ USD.

Đánh giá về sự phát triển internet tại Việt Nam, Thứ trưởng Bộ thông tin và truyền thông Nguyễn Huy Dũng cho rằng: "Cách đây hơn 20 năm, khi Việt Nam lần đầu tiên kết nối Internet, chúng ta đã đặt những dấu chân số đầu tiên trên một miền không gian hoàn toàn mới – không gian mạng. Kể từ đó đến nay, chúng ta đã đi được một hành trình dài, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội nói chung của đất nước".

Internet góp phần kết nối, nâng cao năng lực cạnh tranh, năng lực kinh doanh

Tại Việt Nam hiện nay có thể dễ dàng nhận thấy Internet đã len lỏi vào tất cả các ngõ ngách của cuộc sống, từ một người nông dân, một người công nhân, học sinh, sinh viên, kỹ sư, bác sĩ công nhân đều có thể tìm được thông tin trên Internet. Chính Internet đã làm thay đổi cuộc sống của chúng ta hiện nay.

Theo TS Mai Anh, Phó CT - TTK Hội Tin học VT HN: "Internet đã làm thay đổi phương thức sống, phương thức làm việc của con người ở mọi quốc gia, trong đó có Việt Nam. Hiện nay, sau giờ làm việc về nhà, mọi người lại lên mạng để gửi mail hay tra cứu thông tin là việc hết sức bình thường".

Ở một lĩnh vực khác là trong khu vực hành chính công. Khi đến nộp hồ sơ tại cơ quan công quyền, người dân chỉ việc nhận mã số. Để biết liệu hồ sơ của mình đã đầy đủ hay chưa, và đang được xử lý ở cấp độ nào, họ chỉ việc ở nhà và gửi đi một dòng tin nhắn hay truy cập vào cổng thông tin điện tử một cửa.

Hay tại các chi cục hải quan điện tử. Khác hẳn với không khí náo nhiệt thời kỳ trước, bây giờ là sự im lặng, vắng vẻ. Với hệ thống máy tính nối mạng với cơ quan hải quan, doanh nghiệp đã không phải đến đây xếp hàng cả buổi. Gánh nặng thủ tục hành chính, xem ra đã được hạn chế rất nhiều...

Theo TS Mai Anh: "Internet là công cụ tuyệt vời để liên kết con người trong xã hội, liên kết các quốc gia với nhau, hỗ trợ các vùng lãnh thổ để nâng cao năng lực cạnh tranh, năng lực kinh doanh".

Nội dung số hiện tại đã trở thành mối quan tâm của không chỉ các doanh nghiệp khai thác nội dung mà đã trở thành một ngành công nghiệp thực sự ở tầm quốc gia. Ngành công nghiệp này trên thực tế là tận dụng nguồn tài nguyên trên môi trường internet để tạo ra lợi nhuận

Không chỉ là con đường ảo kết nối thế giới trong môi trường kinh doanh toàn cầu, không chỉ là cầu nối để tạo ra lợi nhuận, bản thân internet còn là môi trường kinh doanh lý tưởng mà nếu khai thác tốt có thể đem lại những nguồn lợi nhuận khổng lồ.

Hiện nay, internet đã về đến nông thôn, đến tận các bản mường. Những người nông dân giờ đây đã không chỉ dựa vào những kinh nghiệm canh tác theo kiểu truyền miệng từ đời này qua đời khác mà đã biết lên mạng để tìm kiếm thông tin, cập nhật giá cả nông sản.

Thậm chí, thay vì phải chào bán sản phẩm của mình tại các chợ đầu mối, họ đã biết dạo chợ trên mạng, tìm kiếm khách hàng cả ở trong và ngoài nước.

Có thể nói, hình ảnh người nông dân Việt Nam đã khác trước rất nhiều. Khi internet về làng, bức tranh nông thôn Việt Nam cũng đã thay đổi đáng kể. Nguyên Thứ tưởng Bộ TT - TT Đỗ Trung Tá đã khẳng định rằng: "Internet, ĐTDĐ đã thực sự về làng".

Thật khó có thể đề cập đầy đủ những thay đổi ở tầm vĩ mô cũng như vi mô dưới sự tác động của internet. Sẽ là phiến diện nếu chỉ cho rằng tất cả những thay đổi do internet mang lại đều là những thay đổi tích cực. Sự biến đổi trong nhận thức, trong lối sống có thể tốt, có thể xấu, nhưng những tác động sống hoàn toàn do con người tạo ra và hoàn toàn có thể khắc phục. Hiện nay, internet còn đang thể hiện một vai trò khác, vai trò cầu nối sẻ chia, vai trò cầu nối của những tấm lòng...

Hướng tới phổ cập Internet toàn dân

Theo số liệu thống kê không chính thức, Việt Nam có trên 50 triệu người dùng Internet, chiếm 54% dân số, cao hơn mức trung bình của thế giới là 46,64%. Việt Nam nằm trong top các quốc gia và vùng lãnh thổ có số lượng người dùng Internet cao nhất tại châu Á. Có những nguồn số liệu cho thấy, Internet đã phủ sóng tới gần 70% dân số Việt Nam.

So sánh với hơn 31 triệu người của năm 2012, 17 triệu người của 10 năm trước hay 205.000 người trong thời đầu của Internet quay số qua mạng điện thoại di động, có thể nói Internet Việt Nam đã có những bước tiến thực sự ấn tượng.

Thế giới đang bước đến giai đoạn mà không một lĩnh vực, không một ngành nghề nào có thể tách rời khỏi CNTT và Internet. Đặc biệt là khi Việt Nam đang bước vào kỷ nguyên của nền kinh tế số, ngưỡng cửa của cuộc Cách mạng Công Nghiệp 4.0.

Tất cả các ngành nghề, lĩnh vực đều phải hướng tới kết nối số, tăng cường ứng dụng CNTT và chuyển đổi không ngừng để theo kịp sự phát triển của công nghệ nếu không muốn bị tụt lại phía sau.

Thứ trưởng Bộ thông tin và truyền thông Nguyễn Huy Dũng khẳng định: "Việt Nam sẽ tiếp tục mở rộng hơn nữa khả năng tiếp cận Internet theo tinh thần Internet cho tất cả mọi người, hướng tới phổ cập Internet toàn dân. Thực hiện mục tiêu của Chương trình Chuyển đổi số quốc gia: Mỗi người dân có một điện thoại thông minh; Mỗi hộ gia đình có một đường internet cáp quang tốc độ cao. Việt Nam cũng phát triển hạ tầng số quốc gia đáp ứng các yêu cầu mới về bùng nổ thiết bị thông minh IoT và giao tiếp máy - máy. Đưa Việt Nam trở thành điểm trung chuyển, thành Hub Internet của khu vực. Việt Nam cũng sẽ phát triển hệ sinh thái các nền tảng số đáp ứng nhu cầu của người dân Việt Nam và đi ra thế giới".

Giờ là lúc Việt Nam sẽ đi xa hơn và in dấu đậm nét trong không gian mạng toàn cầu. Lãnh đạo Việt Nam xác định nắm bắt thời cơ từ không gian mạng để phục vụ công cuộc phát triển đất nước mạnh hơn nữa, rộng hơn nữa, đảm bảo quyền tiếp cận Internet của người dân.

Mỹ Hoà

Ảnh: Thu Hà