Hội nghị đôn đốc công tác giải phóng mặt bằng thực hiện các dự án; tiến độ xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu năm 2023 vừa được UBND huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định tổ chức vào sáng ngày 12/5/2023.

Triển khai kế hoạch xây dựng nông thôn mới, huyện Trực Ninh xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, là cuộc vận động lớn, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực. Huyện uỷ, UBND huyện yêu cầu các cơ quan, đơn vị, các xã, thị trấn tiếp tục khơi dậy và phát huy vai trò của người dân trong xây dựng nông thôn mới, gắn kết quả xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, đô thị văn minh với trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương. 

Những tuyến đường bê tông kiên cố sắp hoàn thành, mang lại diện mạo khang trang cho huyện Trực Ninh. 

Quá trình thực hiện xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu phải có lộ trình, bước đi vững chắc, đảm bảo ổn định chính trị, phù hợp với tình hình thực tế và khả năng huy động các nguồn lực thực hiện. Huyện phấn đấu đến năm 2025, 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao theo Bộ tiêu chí giai đoạn 2021 - 2025; huyện Trực Ninh được công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và có 9 xã trở lên đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, 3 thị trấn đạt chuẩn đô thị văn minh.

Thời gian qua, công tác giải phóng mặt bằng trên địa bàn huyện thường xuyên nhận được sự chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh, sự giúp đỡ của các sở ngành của tỉnh, sự chỉ đạo thường xuyên của Ban Chỉ đạo giải phóng mặt bằng huyện, sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở. Đặc biệt là sự ủng hộ, đồng thuận của đại bộ phận nhân dân, nhất là nhân dân trong vùng dự án đã tạo điều kiện thuận lợi cho công tác giải phóng mặt bằng được thực hiện theo đúng quy định, đảm bảo tiến độ.

UBND huyện Trực Ninh yêu cầu các đơn vị thực hiện một số nhiệm vụ sau:

Về công tác xây dựng nông thôn mới, yêu cầu các xã, thị trấn kiện toàn lại Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới và rà soát các tiêu chí nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, phân công cụ thể từ các đồng chí lãnh đạo đến công chức phụ trách các tiêu chí. 

Đặc biệt tiêu chí môi trường luôn đảm bảo cảnh quan xanh – sạch – đẹp và thực hiện phân loại rác thải tại nguồn. Các xã phải xây dựng lộ trình, công việc cụ thể trong xây dựng nông thôn mới như: Hạ tầng giao thông, cảnh quan, hệ thống chính trị, an ninh trật tự, giáo dục, y tế… Các cơ quan của huyện trực tiếp đồng hành, hướng dẫn các địa phương trong xây dựng nông thôn mới, phối hợp cùng địa phương kiểm tra thực địa và các công việc cụ thể khác. 

Các cơ quan huyện phụ trách tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới chủ động xây dựng kế hoạch, lộ trình thực hiện các tiêu chí của ngành mình, đảm bảo và chịu trách nhiệm về kết quả, tiến độ xây dựng huyện nông thôn mới theo Kế hoạch xây dựng nông thôn mới năm 2023 của huyện.

Về công tác giải phóng mặt bằng, nhất là Dự án xây dựng tuyến đường bộ mới Nam Định - Lạc Quần - Đường bộ ven biển, Dự án đường cao tốc Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình, Dự án cầu Ninh Cường, Phòng Tài nguyên và Môi trường, Phòng Tài chính – Kế hoạch phối hợp cùng các xã, thị trấn liên quan rà soát, xác định các vị trí tái định cư phân tán, trên cơ sở đó đăng ký quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đảm bảo tiến độ giải phóng mặt bằng thực hiện các dự án; làm tốt công tác tuyên truyền lợi ích của các dự án mang lại cho nhân dân trên địa bàn, để nhân dân hiểu và ủng hộ thực hiện dự án.

Bạt Tuấn, và nhóm PV, BTV