Du lịch thông minh sẽ kích thích ngành du lịch phát triển. Ảnh minh họa: Internet |
Những ngày đầu năm mới 2019, Tổng cục Du lịch Việt Nam và Tập đoàn VNPT đã chính thức ra mắt ứng dụng du lịch thông minh mang tên VietNamGo, một kênh thông tin chính thống của ngành Du lịch Việt Nam.
Ứng dụng du lịch thông minh VietnamGo được VNPT xây dựng nhàm cung cấp các thông tin như: cẩm nang thông tin du lịch, cách thức đi lại, khí hậu từng vùng miền mà du khách lựa chọn, các điểm đến nổi bật, đặc sản theo địa phương, các món ẩm thực đặc trưng… Ứng dụng hỗ trợ hai ngôn ngữ thông dụng là tiếng Anh và tiếng Việt và hiện đã có cả phiên bản dành cho smartphone chạy Android và iOS.
Đặc biệt, ứng dụng còn hỗ trợ một số công nghệ hiện đại như ảnh 360, thăm quan 3D và thực tế ảo tăng cường. Hiện nay ứng dụng này đã được tập đoàn VNPT triển khai tại 27 tỉnh/thành phố trên cả nước và sẽ tiếp tục hoàn thiện, nâng cấp để đáp ứng tốt hơn nhu cầu của du khách trong thời gian tới.
Ứng dụng các nền tảng công nghệ mới trong hoạt động du lịch là xu hướng đang diễn ra trên toàn thế giới và nó cũng chính là chủ đề của Diễn đàn Du lịch ASEAN 2019. Tại Việt Nam, việc ứng dụng CNTT vào lĩnh vực du lịch đang diễn ra khá mạnh mẽ. Hiện đã có nhiều ứng dụng của các công ty du lịch được đưa vào sử dụng, đã và đang góp phần gia tăng các trải nghiệm của du khách, nâng cao chất lượng phục vụ và tăng tính tương tác giữa các thành phần tham gia vào chuỗi cung ứng các sản phẩm du lịch.
Mới đây, Tổng cục Du lịch đã ký kết thỏa thuận hợp tác với VTV triển khai Cổng thông tin du lịch thông minh – VTV travel (dulich.vtv.vn) nhằm cung cấp các nội dung, thông tin tới người dùng, đem đến những trải nghiệm du lịch thông minh trong thời đại công nghệ số 4.0. Tổng cổng ty VTC hiện cũng đang nghiên cứu và sắp sửa cho ra mắt ứng dụng du lịch thông minh iGuide.
Du lịch số hay du lịch thông minh được dự báo sẽ phát triển mạnh mẽ khi Chính phủ đang nỗ lực đưa Cách mạng 4.0 vào mọi ngành nghề, mọi lĩnh vực kinh tế, xã hội. Theo thông tin từ Hiệp hội Du lịch Việt Nam, tính đến hết năm 2018 cả nước có khoảng 30.000 doanh nghiệp du lịch, 100% các doanh nghiệp du lịch đã sử dụng Internet trong hoạt động quảng cáo và kinh doanh. Trên thực tế thì các doanh nghiệp trong nước mới đầu tư CNTT có khá yếu, tốc độ kết nối kém, thông tin về các điểm vui chơi, giải trí tại các điểm du lịch còn khá nghèo nàn. Phần lớn các thông tin giới thiệu trên trang web của các công ty du lịch chưa được giới thiệu chi tiết, bài bản.
Theo trải nghiệm của người dùng, một số trang đặt phòng trực tuyến trong nước kết nối với ít khách sạn, tính năng book phòng và thanh toán online còn chưa tiện dụng. Chính vì thế, theo số liệu của Hiệp hội Du lịch Việt Nam, 80% doanh thu du lịch trực tuyến hiện vẫn là các trang mạng nước ngoài như Agoda, booking.com hay Traveloka nắm giữ.
Thị trường du lịch trực tuyến được dự báo là sẽ gia tăng mạnh trong những năm tới khi có cuộc chuyển dịch số trong ngành du lịch. Theo số liệu do Google và Temasek công bố, thị trường du lịch trực tuyến Việt Nam có thể đạt tới 9 tỷ USD vào năm 2025, tức tăng gấp 4 lần trong vòng 10 năm.
Theo con số thống kê sơ bộ, năm 2018 tăng trưởng của dịch vụ du lịch trực tuyến tại Việt Nam ước đạt 19%, cao hơn những năm trước chỉ đạt từ 12 - 13% mỗi năm.
Năm 2018, phân khúc khách sạn dưới 3 sao, các cơ sở lưu trú nhỏ bắt đầu đẩy mạnh ứng dụng công nghệ là nhóm tăng trưởng mạnh mẽ nhất trong du lịch số. Việc tận dụng ưu thế bản địa, trải nghiệm sáng tạo và kết nối số sẽ là cách để du lịch Việt có thể cạnh tranh trên sân nhà.
Những cơ hội mới đặt ngành du lịch trước yêu cầu chuyển đổi số phù hợp với xu hướng phát triển du lịch thông minh. Ở châu Á, nhiều điểm đến của Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Malaysia, Singapore đã đầu tư mạnh cho du lịch thông minh như áp dụng ví điện tử, mã QR (quick response code), dùng dấu vân tay để thanh toán dịch vụ, làm thủ tục sân bay, nhận phòng, trải nghiệm du lịch dựa trên công nghệ thực tế ảo…
Đây là mô hình du lịch dựa trên nền tảng của công nghệ và truyền thông, cùng với sự phát triển đồng bộ của hệ thống hạ tầng phục vụ du lịch, nhằm giúp du khách dễ dàng tiếp cận thông tin một cách nhanh chóng và đa dạng nhất. Kết nối số cũng hỗ trợ sự tương tác kịp thời giữa 3 bên: Cơ quan quản lý – doanh nghiệp du lịch và khách du lịch để nhằm nâng cao chất lượng phục vụ khách, và giúp cho việc quản lý thuận tiện hơn.