Cây gạo cổ thụ này nằm trên quốc lộ 14, ngay đầu cửa ngõ phía bắc, thuộc phường Yên Thế (TP. Pleiku).  

Ông Nguyễn Văn Huấn - Ban quản lý dự án đường Hồ Chí Minh (Bộ GTVT) cho biết, theo thiết kế ban đầu, cây gạo này sẽ bị chặt hạ, san lấp để nắn thẳng tuyến đường.

{keywords}
Cây gạo cổ thủ được giữ lại đang bung hoa đỏ rực trên tuyến quốc lộ 14 dẫn vào TP. Pleiku

Tuy nhiên, khi đơn vị thi công chuẩn bị đốn hạ, giải phóng mặt bằng theo kế hoạch, nhiều người dân tại đây đã tỏ ra tiếc nuối, mong muốn giữ lại cây cổ thụ làm cảnh quan, che bóng mát.

Từ nguyện vọng của người dân, Ban quản lý dự án đường Hồ Chí Minh đã cho khảo sát, đánh giá lại kỹ thuật đoạn đường này, sau đó thống nhất để đơn vị thi công chỉnh tim đường, giữ lại cây gạo cổ thụ.

Trao đổi với ông Nguyễn Ngọc Báu, giám đốc hiện trường Ban quản lý dự án đường Hồ Chí Minh đoạn qua Gia Lai - Kon Tum, ông cho biết, việc nắn tim đường không ảnh hưởng gì đến kỹ thuật của tuyến đường. Việc giữ lại cây gạo cổ thụ rất được người dân ủng hộ.

“"Cây gạo phải bao nhiêu năm mới lớn được chừng ấy, cây cũng không ảnh hưởng gì đến kỹ thuật, không phải giải phóng mặt bằng, mình giữ lại thì tốt quá! Người dân đi qua đây còn hay dừng lại chụp hình, có thêm cây gạo vào còn gì đẹp bằng" - – ông Báu chia sẻ.

Sau khi cây gạo được giữ lại, người dân dọc hai bên đường đều tỏ ra vui mừng. Họ cho biết, cây gạo đã tồn tại và đi vào tiềm thức của nhiều thế hệ người dân nơi đây hàng chục năm. Giờ nếu chặt đi sẽ rất tiếc....

Nhờ sự linh động của Ban quản lý dự án đường Hồ Chí Minh, giờ đây, khi đi vào TP. Pleiku, người dân đều được chiêm ngưỡng biểu tượng “Pơlang” của núi rừng Tây Nguyên bung hoa đỏ rực một góc trời.

Trùng Dương