Nhà ở nông thôn trong tiêu chí 09 đạt chuẩn nông thôn mới phải đảm bảo “3 cứng” (nền cứng, khung cứng, mái cứng). Tiêu chí này đang được tiếp sức từ Phong trào thi đua “Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước đến năm 2025” do Thủ tướng Chính phủ phát động.

Bắc Giang:

Ban Chỉ đạo vận động hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát và hỗ trợ gia đình người có công gặp khó khăn về nhà ở, nhà xuống cấp cần được sửa chữa, xây mới trên địa bàn tỉnh Bắc Giang (gọi tắt là BCĐ tỉnh) vừa tổ chức hội nghị thông qua quy chế hoạt động của BCĐ, phân công nhiệm vụ các thành viên, đánh giá kết quả thực hiện chương trình vận động xóa nhà tạm, nhà dột nát năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025.

Năm 2024, BCĐ tỉnh đã phê duyệt hỗ trợ xây mới, sửa chữa 1.396 nhà ở, trong đó có 968 nhà cho hộ nghèo, cận nghèo, 233 nhà của hộ người có công, 195 nhà của hộ vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi. Đến nay, toàn tỉnh đã hoàn thành và bàn giao 968/968 nhà cho hộ nghèo, cận nghèo; 233/233 nhà cho người có công; 192/195 nhà cho hộ vùng đồng bào DTTS và miền núi, dự kiến đến  31/12/2024 sẽ hoàn thành 195/195 nhà cho hộ vùng đồng bào DTTS và miền núi.

Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát đã nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở; sự chia sẻ, ủng hộ của đông đảo cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên, sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân trong và ngoài tỉnh.

Công tác huy động các nguồn lực được thực hiện linh hoạt, phù hợp với mọi đối tượng, điều kiện với tinh thần "ai có gì góp nấy, ai có công góp công, ai có của góp của, ai có nhiều góp nhiều, ai có ít góp ít", ủng hộ từ kinh phí, ngày công vận chuyển, tháo dỡ công trình đến vật liệu xây dựng, đồ dùng, vật dụng sinh hoạt... BCĐ tỉnh đã chỉ đạo vận động được hơn 86 tỷ đồng ủng hộ chương trình.

Năm 2025, BCĐ tỉnh xây dựng kế hoạch xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh với chủ đề "Mái ấm cho đồng bào Bắc Giang". BCĐ tỉnh chỉ đạo vận động các cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp, nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh, cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, các tầng lớp nhân dân có mức thu nhập trung bình khá trở lên ủng hộ. Mức vận động cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tối thiểu là 1 ngày lương hoặc 1 ngày thu nhập trở lên; vận động các hộ dân có mức thu nhập trung bình khá trở lên ủng hộ bằng sự tự nguyện như hỗ trợ ngày công, nguyên vật liệu, trang thiết bị sinh hoạt.

Cà Mau:

Tại tỉnh Cà Mau, phong trào thi đua ‘‘Xóa nhà tạm, nhà dột nát’’ cho hộ nghèo với phương châm "không để ai bị bỏ lại phía sau" luôn được quan tâm, thực hiện có hiệu quả.

Theo ông Phan Mộng Thành, đại diện Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Cà Mau, các cấp trong tỉnh có giải pháp linh hoạt, phù hợp trong công tác phối hợp các tổ chức thành viên đăng ký giúp đỡ hộ nghèo, cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn vươn lên ổn định cuộc sống. Giai đoạn 2019 - 2024, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh đã vận động được trên 434 tỷ đồng hỗ trợ xây dựng và sửa chữa nhà ở, cầu giao thông nông thôn, tặng quà, học bổng, hỗ trợ kịp thời người dân bị thiệt hại do thiên tai, sự cố. Toàn tỉnh có trên 13.720 hộ được hỗ trợ thoát nghèo, đạt 71,15% tổng số hộ đăng ký.

Tỷ lệ hộ nghèo ở Cà Mau giảm bình quân 0,8%/năm, đến nay hộ nghèo toàn tỉnh giảm còn 1,6%. Tuy vậy, tỉnh vẫn còn trên 36.000 căn nhà không đảm bảo tiêu chí "3 cứng", chiếm khoảng 12% tổng số nhà ở trong toàn tỉnh. Qua rà soát, tỉnh có hơn 1.800 căn nhà cần phải xây dựng, bàn giao cho hộ nghèo trong năm 2025. Do vậy, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Cà Mau, tiếp tục phối hợp các cơ quan, đơn vị, chính quyền địa phương, doanh nghiệp đẩy mạnh phong trào chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát trong năm 2025 do Thủ tướng Chính phủ phát động.

Yên Bái: 

Tại Yên Bái, với quan điểm “không ai bị bỏ lại phía sau”, địa phương đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, lồng ghép nhiều nguồn lực, tập trung mọi lực lượng hỗ trợ các địa phương xóa nhà tạm, nhà dột nát, giúp người dân có hoàn cảnh khó khăn ở vùng cao, an cư, lạc nghiệp trong những ngôi nhà mới kín trên, bền dưới.

Kế hoạch hỗ trợ làm mới và sửa chữa nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn tỉnh Yên Bái năm 2024 đề ra là 1.424 căn nhà, bao gồm làm mới 1.046 nhà, sửa chữa 378 nhà, tổng kinh phí trên 70 tỷ đồng. Đến nay, các địa phương đã khởi công xây dựng làm mới và sửa chữa trên 1.250 căn nhà, tập trung tại các huyện vùng cao với gần 900 căn; trong đó, huyện Mù Cang Chải 528 căn, huyện Văn Chấn 1.62 căn, huyện Trạm Tấu 204 căn...

Ông Vũ Lê Thành Anh, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Yên Bái cho biết, hằng năm, tỉnh ban hành kế hoạch thực hiện phù hợp thực tế, ưu tiên nguồn lực xóa nhà tạm, nhà dột nát cho những địa phương vùng cao với phương châm Nhà nước hỗ trợ phần nhiều, còn lại là sự đóng góp từ các nguồn xã hội hóa và hộ gia đình được thụ hưởng. Đối với các hộ nghèo ở vùng cao, địa phương nơi cư trú có trách nhiệm huy động nguồn lực tổ chức xây nhà.

Nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp nên việc huy động nguồn lực xóa nhà tạm, nhà dột nát ngoài ngân sách hỗ trợ đạt hiệu quả rất cao, chiếm trên 85% tổng kinh phí thực hiện. Cụ thể, tỉnh Yên Bái hỗ trợ mức 50 triệu đồng/nhà làm mới, 25 triệu đồng/nhà sửa chữa; riêng tại 2 huyện đặc biệt khó khăn Trạm Tấu và Mù Cang Chải, mức hỗ trợ 60 triệu đồng/nhà làm mới, 30 triệu đồng/nhà sửa chữa, cao hơn mức hỗ trợ theo quy định của Trung ương ít nhất từ 20 - 40% cho mỗi nhà. Ngoài ra, mỗi hộ còn được vay vốn ưu đãi 40 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội.

Bằng nhiều hình thức huy động khác nhau, cấp ủy, chính quyền, các hội, đoàn thể đã kết nối những tấm lòng nhân ái, cùng nhiều tổ chức, doanh nghiệp chung tay chia sẻ với người nghèo vùng cao để xây dựng hàng nghìn mái ấm hạnh phúc. Hằng năm, thông qua Quỹ “Vì người nghèo”, cán bộ, công chức, viên chức toàn tỉnh Yên Bái ủng hộ ít nhất một ngày lương để hỗ trợ, quyên góp kinh phí làm nhà.

Lai Châu:

Được biết, đến hết ngày 30 tháng 6 năm 2024, Lai Châu đã hoàn thành hỗ trợ và giải ngân vốn đối với 1.700 hộ nghèo và cận nghèo (trong đó: chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững 1.498 hộ; Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc 2 thiểu số và miền núi 202 hộ).

Theo kết quả tổng hợp rà soát, tổng số hộ nghèo, hộ cận nghèo thiếu hụt về nhà ở trên địa bàn tỉnh Lai Châu đến năm 2025 là 8.019 hộ. Trong đó có 434  hộ thuộc danh sách hỗ trợ nhà ở theo Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I là từ năm 2021 đến năm 2025; 4.819 hộ thuộc danh sách hỗ trợ nhà ở theo Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo vền vững giai đoạn 2021-2025; 2.766 hộ chưa thuộc danh sách 02 chương trình trên: Ủy ban nhân dân tỉnh Lai Châu đã rà soát nhu cầu đăng ký xóa nhà tạm, nhà dột nát giai đoạn 20242025 là: 2.766 hộ.

Để hoàn thành mục tiêu xóa nhà tạm trên địa bàn tỉnh Lai Châu đến năm 2025, tổng kinh phí hỗ trợ dự kiến là khoảng 322.530 triệu đồng. Trong đó:

Vốn đã bố trí năm 2024 là 110.635 triệu đồng, gồm: vốn hỗ trợ nhà ở theo Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 đã bố trí: 101.695 triệu đồng và vốn hỗ trợ nhà ở theo Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I; từ năm 2021 đến năm 2025 đã bố trí: 8.940 triệu đồng.

Và kinh phí cần bố trí bổ sung đến năm 2025 là 211.895 triệu đồng, gồm: Dự kiến kinh phí vận động thông qua phong trào thi đua “Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên phạm vi cả nước đến năm 2025” là: 143.100 triệu đồng; Vốn hỗ trợ nhà ở theo Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025: 60.375 triệu đồng; Vốn hỗ trợ nhà ở theo Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I; từ năm 2021 đến năm 2025: 8.420 triệu đồng.

Trà Vinh

Tại tỉnh Trà Vinh, sáng 9/10, tại thị xã Duyên Hải, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, UBND thị xã Duyên Hải bàn giao gần 100 căn nhà trong tổng số trên 3.200 căn được xây dựng từ đầu năm đến nay cho hộ nghèo, cận nghèo, hộ khó khăn về nhà ở và gia đình chính sách.

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Trà Vinh Phạm Văn Cường, những năm qua, tỉnh đã huy động nhiều nguồn lực để hỗ trợ nhà ở cho hàng nghìn hộ nghèo, cận nghèo, hộ khó khăn về nhà ở. Trong 9 tháng qua, từ nguồn phí vận động của Bộ Công an và nguồn Quỹ An sinh xã hội, Trà Vinh đã hỗ trợ xây dựng, hoàn thành trên 3.200 căn nhà đại đoàn kết với tổng kinh phí hơn 180 tỷ đồng; trong đó, nguồn Bộ Công an vận động hỗ trợ 65 tỷ đồng.

Mới đây (ngày 8/10), Bộ Công an đã khánh thành và bàn giao 1.300 căn nhà cho người dân. Từ nay đến ngày 16/10, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Trà Vinh sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan hoàn thành việc bàn giao gần 1.900 căn còn lại.

Đến cuối năm 2023, toàn tỉnh Trà Vinh còn 3.416 hộ nghèo và 6.773 hộ cận nghèo, tương đương 1,19% và 2,35% tổng số hộ dân toàn tỉnh. Toàn tỉnh hiện còn trên 7.000 hộ khó khăn về nhà ở. Trong điều kiện địa phương còn nhiều khó khăn, Trà Vinh mong muốn các tổ chức, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, nhà hảo tâm… tiếp tục đồng hành cùng tỉnh thực hiện các chính sách an sinh xã hội, chăm lo cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, nhất là phong trào thi đua “Xóa nhà tạm, nhà dột nát" từ nay đến cuối năm 2025 .